Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp: "Cần bỏ tư duy cá ươn mới đem làm nước mắm"

Nguyễn Dương

(Dân trí) - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến đề nghị, ngành sản xuất nước mắm cần thay đổi tư duy cứ cá ươn, cá không tươi hay không cấp đông, phơi/sấy khô được thì mới đem làm nước mắm.

Ngày 24/6, tại Hà Nội, Hiệp hội Nước mắm Việt Nam đã phối hợp với Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tổ chức hội thảo "Đẩy mạnh xuất khẩu nước mắm: Định hướng và Giải pháp".

Tại hội thảo, ông Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) - cho biết, nước mắm là sản phẩm truyền thống, lâu đời của Việt Nam, được người Việt trong và ngoài nước sử dụng thường xuyên hàng ngày trong chế biến món ăn và sử dụng trực tiếp trong bữa ăn. Nhiều thương hiệu nước mắm của Việt Nam không chỉ được ưa chuộng trong nước mà còn được các đầu bếp trên thế giới ngày càng ưa dùng để pha chế thành các loại nước chấm hoặc làm gia vị cho các món ăn.

Sản xuất nước mắm là ngành nghề phát triển và trải dài nhiều vùng miền trên toàn quốc. Ngoài phương pháp sản xuất truyền thống từ ông cha để lại và mang đặc trưng của các vùng miền, các phương pháp sản xuất nước mắm được cải tiến, ứng dụng công nghệ đã được phát triển mạnh mẽ và song hành. Thực tế thị trường hiện nay, sản phẩm nước mắm đã trở nên đa dạng phục vụ nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp: Cần bỏ tư duy cá ươn mới đem làm nước mắm - 1

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến (Ảnh: Hoàng Trang).

Thứ trưởng NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, một đất nước đi lên công nghiệp hóa - hiện đại hóa không thể không có ngành công nghệ an toàn thực phẩm, vì ngành này liên quan đến trí tuệ, sức khỏe, chiều cao của con người.

"Chúng ta thấy vóc dáng, sức khỏe của các cầu thủ bóng đá U23 Việt Nam hiện nay không kém gì các cầu thủ U23 Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất. Các cầu thủ U23 của chúng ta có sức tì, sức đè cũng tốt lắm, đá trong vòng 120 phút về phòng thủ vẫn bình thường. Sức khỏe của các cầu thủ U23 được như hiện nay cũng phải kể đến sự đóng góp của ngành sản xuất nước mắm chứ. Tôi đi ăn cơm ở đâu, dù già hay trẻ, tây hay ta đều có phải có tý nước mắm, vì enzym tiêu hóa nó ngấm vào mình rồi nên cần phải có nước mắm", ông Tiến nói.

Ông Tiến thông tin, hiện nay, cả nước có hơn 4.200 cơ sở tham gia sản xuất nước mắm; có hơn 1.000 cơ sở sản xuất nước mắm nguyên chất; hơn 60 cơ sở đóng chai và hơn 3.100 hộ tham gia sản xuất nước mắm; có 3 loại hình tham gia sản xuất nước mắm là cơ sở sản xuất nước mắm nguyên chất, cơ sở đóng chai nước mắm và hộ tham gia sản xuất nước mắm.

Theo số liệu công bố của Tổng cục Thống kê, sản lượng nước mắm bình quân của Việt Nam trong năm 2020 đạt gần 380 triệu lít. Sản lượng cao nhất là miền Trung với hơn 180 triệu lít/năm, miền Nam đứng thứ hai với hơn 120 triệu lít/năm và miền Bắc ít hơn chỉ đạt hơn 80 triệu lít/năm. Tính trung bình người Việt Nam ăn nước mắm khoảng 3,9 lít/người/năm.

"Về số lao động trực tiếp tham gia sản xuất kinh doanh nước mắm cả nước có hơn 9.300 người. Trong đó, miền Bắc hơn 6.600 người; miền Trung hơn 200 người; miền Nam chỉ hơn 760 người. Nghề nước mắm đã tạo công ăn việc làm và sinh kế cho gần một vạn lao động trực tiếp và hàng triệu ngư dân khai thác, thu mua thủy sản, làm muối ven biển", ông Tiến thông tin.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp: Cần bỏ tư duy cá ươn mới đem làm nước mắm - 2

Quang cảnh Hội thảo (Ảnh: Hoàng Trang).

Để phát triển bền vững ngành hàng nước mắm, ông Tiến cho rằng các cơ sở sản xuất cần đảm bảo nguồn nguyên liệu cả về số lượng và chất lượng; cần thay đổi tư duy cứ cá ươn, cá không bán tươi, cấp đông, phơi/sấy khô được thì mới đem làm nước mắm. Cần phải tổ chức các đội tàu chuyên khai thác cá làm mắm, ướp muối ngay trên tàu để đảm bảo chất lượng nguyên liệu đầu vào cho chế biến nước mắm.

Ông Tiến đề nghị cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ và có chế tài sử phạt nghiêm minh với các hành vi lạm dụng sử dụng hóa chất, phụ gia trong chế biến, sang chiết, đóng chai nước mắm; sử dụng quá mức về hàm lượng và chủng loại các phụ gia tạo màu, tạo mùi, tạo vị và chất bảo quản không nằm trong danh mục cho phép của Bộ Y tế; giám sát thông tin minh bạch trên nhãn sản phẩm;...

Cũng tại hội thảo, Tiến sĩ Lê Thanh Hòa - Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản kiêm Giám đốc Văn phòng Kiểm dịch động thực vật SPS Việt Nam - cho biết, xuất khẩu nước mắm bình quân cả nước mới đạt tỷ lệ khoảng 12,6% so với tổng sản lượng. Trong đó, thị trường châu Á chiếm hơn 54%, châu Úc hơn 18%, châu Âu hơn 13% và châu Mỹ hơn 13%. Tổng kim ngạch xuất khẩu nước mắm năm 2021 đạt 28,53 triệu USD.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp: Cần bỏ tư duy cá ươn mới đem làm nước mắm - 3

Tiến sĩ Lê Thanh Hòa - Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ NN&PTNT (Ảnh: Hoàng Trang).

Nói về vai trò của Hiệp hội Nước mắm Việt Nam, Tiến sĩ Trần Đáng - Chủ tịch Hiệp hội Nước mắm Việt Nam - chia sẻ, Hiệp hội với tư cách là tổ chức xã hội - nghề nghiệp hỗ trợ các hội viên đẩy mạnh quảng bá, bảo vệ thương hiệu, khả năng cạnh tranh, xuất khẩu của ngành hàng nước mắm Việt Nam trên thị trường quốc tế. Bên cạnh đó, Hiệp hội đã kết nối các đơn vị, tổ chức nghiên cứu khoa học để có những đề tài, dự án mang tính ứng dụng cao, giúp các doanh nghiệp sản xuất nước mắm gia tăng hiệu suất thu hồi đạm, có được các sản phẩm nước mắm nâng cao chất lượng, đáp ứng yêu cầu kỹ thuật và an toàn thực phẩm, đạt tiêu chuẩn quốc tế...