Đắk Lắk:
Thu nhập trăm triệu bỗng vào hộ nghèo: Trưởng thôn ký nhận tiền "giúp"?
(Dân trí) - Trưởng thôn thừa nhận có ký nhận tiền thay một số hộ dân để cấp phát lại. Riêng các hộ dân "bất ngờ" có tên trong hộ nghèo hoàn toàn không biết việc này.
Ký nhận tiền "giúp" hộ nghèo
UBND huyện M'Đrắk (Đắk Lắk) vừa có báo cáo xác minh thông tin báo chí phản ánh một số trường hợp tại thôn 4 (xã Krông Jing) có thu nhập cả trăm triệu đồng mỗi năm "bỗng dưng" có tên trong danh sách hộ nghèo.
Trước đó, sau khi báo chí phản ánh, Sở LĐ-TB&XH Đắk Lắk đề nghị UBND huyện M'Đrắk làm rõ những nội dung về một số hộ có sổ hộ nghèo mà báo chí đưa tin. Qua đó, huyện M'Đrắk đã chỉ đạo Phòng LĐ-TB&XH huyện làm việc với UBND xã Krông Jing, trưởng thôn 4 (các năm 2016, 2017) và một số hộ dân.
Cụ thể, theo báo cáo của UBND xã Krông Jing và của ông Nguyễn Trọng Tuấn (nguyên trưởng thôn), danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ thoát nghèo, hộ thoát cận nghèo đều được niêm yết tại hội trường thôn và tại UBND xã theo đúng quy định.
Trong đó, hộ ông Nguyễn Kim Trung thuộc diện hộ nghèo năm 2016, đến cuối năm 2016 thoát nghèo. Xe ô tô được gia đình mua đầu năm 2017. Ông Trung được hưởng chính sách hỗ trợ tiền điện cho hộ nghèo (trên 550.000 đồng), thẻ BHYT thuộc diện hộ nghèo.
Cũng theo báo cáo, hộ ông Đào Văn Việt thuộc diện hộ nghèo năm 2016, 2017 (đến cuối năm 2017, hộ ông Việt thoát nghèo). Đã được hưởng chính sách hỗ trợ tiền điện cho hộ nghèo năm 2016, 2017 và thẻ BHYT thuộc diện hộ nghèo.
Qua làm việc trực tiếp với ông Nguyễn Trọng Tuấn, ông này cho biết việc ký nhận tiền hỗ trợ thay người dân là do thời điểm xã quyết toán theo quy định nhưng một số hộ dân chưa đến nhận, ông đã ký nhận vào danh sách nhận tiền, sau đó cấp phát cho các hộ dân nhưng lại không cho người nhận thực hiện việc ký nhận vào danh sách chi tiền của xã lập.
Dân không biết việc nằm trong hộ nghèo
Phía Phòng LĐ-TB&XH huyện M'Đrắk đã làm việc trực tiếp với hộ ông Nguyễn Kim Trung. Tại đây, ông Trung cho rằng gia đình ông mua xe ô tô từ tháng 1/2016 và ông cũng khẳng định không biết mình thuộc hộ nghèo những năm nào, thoát nghèo năm nào.
Ông Trung cho rằng năm 2016, hộ ông được hưởng thẻ BHYT tuy nhiên không biết thẻ BHYT thuộc diện gì ngoài ra không được thêm chế độ gì khác.
"Việc rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo cuối năm không thông qua họp thôn, thống nhất hộ dân. Hộ gia đình ông tham dự đầy đủ các cuộc họp do thôn tổ chức tuy nhiên không nghe được thông tin hộ gia đình được đưa vào rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo", ông Trung nói rõ.
Còn đối với hộ ông Đào Văn Việt, bà Hồ Thị Hà (vợ ông Việt) cho rằng thời điểm năm 2015, hộ gia đình đã kinh doanh phân bón, thuốc trừ sâu nhưng còn nhỏ lẻ và việc rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo cuối năm ở thôn không thông qua họp, thống nhất hộ dân.
Theo bà Hà, nếu biết hộ gia đình được đưa vào rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình cũng không nhận. Hộ gia đình không được nhận sổ hộ nghèo. Còn về số tiền hỗ trợ, năm 2016, hộ gia đình không nhớ có nhận chưa, còn năm 2017 hộ không được nhận. Riêng 2 năm này, gia đình có được hưởng thẻ BHYT nhưng không biết thẻ BHYT thuộc đối tượng gì.
Rà soát hộ nghèo… đúng quy định (?)
Qua quá trình làm việc tại xã Krông Jing, UBND huyện M'Đrắk kết luận quy trình rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ thoát nghèo, thoát cận nghèo tại thôn 4, xã Krông Jing là đảm bảo theo quy định.
Tuy nhiên, việc thực hiện chi trả chế độ hỗ trợ tiền điện cho hộ nghèo đối với hộ ông Nguyễn Kim Trung và hộ ông Đào Văn Việt do ông Nguyễn Trọng Tuấn (nguyên thôn trưởng thôn 4) tự ký nhận và chi trả không cho hộ dân ký nhận vào danh sách nhận tiền là không đúng quy định.
Đồng thời, chỉ đạo UBND xã Krông Jing nghiêm túc kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân có liên quan trọng việc chi trả chế độ hỗ trợ tiền điện cho hộ nghèo chưa đúng quy định. Làm việc với ông Nguyễn Trọng Tuấn (nguyên thôn trưởng thôn 4) để khắc phục việc chi trả tiền hỗ trợ tiền điện cho hộ nghèo năm 2016, 2017.
Như Dân trí phản ánh, hộ ông Nguyễn Kim Trung và Đào Văn Việt bất ngờ khi biết gia đình mình có tên trong hộ nghèo. Cả hai hộ này đều kinh doanh, buôn bán khá giả với mức thu nhập lên đến hàng trăm triệu đồng đến cả tỷ đồng mỗi năm.
Do đó, hai hộ này đều mong muốn làm rõ sự việc vì sao lại đưa gia đình mình vào hộ nghèo cũng như tiền chế độ hộ nghèo thì ai đã nhận thay.