Thử mô hình mới cho Đà Nẵng: Chủ tịch thành phố nhận quyền từ Thủ tướng?
(Dân trí) - UB Thường vụ Quốc hội ủng hộ việc phân cấp, phân quyền mạnh cho Chủ tịch UBND Đà Nẵng khi thành phố này được thí điểm vận hành mô hình một cấp chính quyền duy nhất…
Đây là nội dung được tập trung thảo luận tại phiên họp của UB Thường vụ Quốc hội sáng 16/5 về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045.
Cơ chế giúp Đà Nẵng năng động hơn
UB Thường vụ Quốc hội thống nhất việc thí điểm tổ chức chính quyền đô thị tại Đà Nẵng theo hướng xây dựng mô hình tổ chức 1 cấp chính quyền duy nhất của thành phố và 2 cấp hành chính ở quận, phường.
Theo đó, chỉ ở cấp thành phố, bộ máy có HĐNDvà UBND. Cấp quận và phường không tổ chức HĐND mà chỉ tổ chức cơ quan hành chính là UBND quận và UBND phường.
Chủ nhiệm UB Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, đại diện cho cơ quan thẩm tra dự thảo nghị định thông tin thêm, cơ quan hành chính cấp quận, phường này cũng khác biệt, về thực chất là vận hành theo cơ chế thủ trưởng, chỉ gồm Chủ tịch và các Phó Chủ tịch UBND (do cấp trên bổ nhiệm), không có các ủy viên UBND như cơ chế lãnh đạo tập thể bình thường.
Nội dung được chú ý tại phiên thảo luận là cơ chế, chính sách phát triển thành phố, trong đó có cơ chế điều chỉnh quy hoạch khi vận hành mô hình một cấp chính quyền duy nhất này.
Cụ thể, dự thảo nghị quyết quy định “phân quyền thẩm quyền điều chỉnh quy hoạch thành phố và điều chỉnh cục bộ quy hoạch đô thị từ Thủ tướng cho HĐND và UBND thành phố”.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng giải thích, quy định này nhằm tăng cường phân cấp, tạo sự chủ động cho địa phương và rút gọn thời gian, thủ tục lập điều chỉnh Quy hoạch thành phố, điều chỉnh cục bộ quy hoạch đô thị so với quy định hiện hành, giúp Đà Nẵng chủ động hơn trong công tác quản lý điều hành, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc và kịp thời triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố.
Theo đó, UBND Đà Nẵng được giao quyền điều chỉnh quy hoạch thành phố đối với các trường hợp mà khi thực hiện điều chỉnh không làm thay đổi mục tiêu quy hoạch được quy định nhưng trình tự, thủ tục vẫn thực hiện theo quy định của luật Quy hoạch. Việc điều chỉnh quy hoạch trong các trường hợp khác làm thay đổi mục tiêu quy hoạch thì vẫn thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục quy định tại luật Quy hoạch.
Đối với điều chỉnh cục bộ quy hoạch đô thị, UBND thành phố được giao quyền phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch đô thị trên cơ sở ý kiến thẩm định của Bộ Xây dựng.
Nêu ý kiến về vấn đề này, UB Pháp luật phân tích, luật về quy hoạch hiện hành quy định chặt thẩm quyền, trình tự, thủ tục điều chỉnh quy hoạch là nhằm khắc phục những hạn chế trong quản lý, điều chỉnh tùy tiện quy hoạch thời gian qua. Việc giao thẩm quyền điều chỉnh quy hoạch cho Đà Nẵng như đề xuất mà không kèm theo cơ chế kiểm soát có hiệu quả có thể phát sinh hệ lụy.
UB Pháp luật đề nghị quy định “chặt” hơn, theo hướng giao Thủ tướng thực hiện phân cấp cho chính quyền thành phố Đà Nẵng trong việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch gắn với những điều kiện nhất định. Theo Chủ nhiệm UB Pháp luật, quy định như vậy gắn với thẩm quyền, trách nhiệm kiểm tra, theo dõi, kiểm soát của Thủ tướng với tư cách là chủ thể phân cấp, tránh dẫn đến việc điều chỉnh quy hoạch tùy tiện, không bảo đảm nguyên tắc cơ bản trong hoạt động quy hoạch.
Nhận quyền từ Thủ tướng, Chủ tịch UBND vẫn phải “chạy lòng vòng”!
Tham gia ý kiến, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc băn khoăn, phân quyền điều chỉnh quy hoạch cho Chủ tịch UBND thành phố nhưng trình tự vẫn phải tuân thủ luật Quy hoạch thì rất “khó hiểu”.
“Đã được Thủ tướng ủy quyền rồi mà khi quyết định điều chỉnh quy hoạch, Chủ tịch Đà Nẵng vẫn phải xin ý kiến Thủ tướng, ý kiến các cơ quan quản lý nhà nước ở Trung ương như Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch & Đầu tư… thì có giảm thiểu được thời gian, thủ tục gì không? Đã phân quyền thì phải nhanh, mạnh hơn chứ?” – ông Phúc đặt câu hỏi.
Chủ nhiệm UB Pháp luật Hoàng Thanh Tùng giải thích, sự khác biệt, giản tiện hơn ở đây là thay vì phải thực hiện quy định trình các Bộ, ngành liên quan thẩm định phương án điều chỉnh quy hoạch như quy định hiện hành thì Đà Nẵng sẽ chỉ cần… xin ý kiến.
Ngoài ra, thẩm quyền quyết định việc điều chỉnh quy hoạch đô thị hiện thuộc Thủ tướng, tùy thuộc mức độ Thủ tướng ủy quyền tới đâu, Chủ tịch UBND Đà Nẵng sẽ được thực hiện tới đó.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, chỉ nên giao Chủ tịch Đà Nẵng thẩm quyền điều chỉnh quy hoạch cục bộ vì đây là thành phố trực thuộc Trung ương, đô thị quan trọng nhất ở khu vực miền Trung, vẫn cần cơ chế giám sát chặt chẽ, tránh hệ lụy phát sinh khó xử lý.
“Không phải Thường vụ Quốc hội không ủng hộ Đà Nẵng việc này mà tôi thấy là quy định như dự thảo nghị quyết thì còn khó hơn cho thành phố, Chủ tịch thành phố còn phải chạy lòng vòng các cơ quan hơn nữa khi cần. Vậy thì thà rằng nhận phân cấp quyền điều chỉnh quy hoạch cục bộ thôi, sẽ dễ làm hơn” – Chủ tịch Quốc hội nói.
Phương Thảo