1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Thu hồi trên 17.383 tỷ đồng từ án tham nhũng kinh tế 5 tháng qua

Thế Kha

(Dân trí) - Án tham nhũng kinh tế đã thi hành xong 651 vụ việc, tăng 123 vụ việc so với cùng kỳ năm 2022, tương ứng với số tiền thi hành án xong trên 17.383 tỷ đồng.

Theo thông tin từ Tổng cục Thi hành án dân sự (Bộ Tư pháp), những tháng đầu năm 2023, tình hình thế giới và trong nước diễn biến phức tạp hơn so với dự báo. Khó khăn, thách thức đối với nền kinh tế ngày càng tăng, tạo sức ép rất lớn lên quản lý, điều hành kinh tế, tác động lớn đến phục hồi, phát triển của nhiều ngành, lĩnh vực và đời sống nhân dân.

Công tác thi hành án dân sự cũng gặp không ít những khó khăn, nhất là số lượng vụ việc thụ lý mới tiếp tục tăng cao. 5 tháng đầu năm 2023, số thụ lý mới gần 265.000 vụ việc, tăng trên 58.000 vụ việc, tương đương 84.700 tỷ đồng (tăng 50,7% so với cùng kỳ năm 2022).

Số vụ án tham nhũng, kinh tế thụ lý mới tăng 324 vụ việc, tương ứng với tăng gần 14.400 tỷ đồng (tăng 190% so với cùng kỳ năm 2022).

Thu hồi trên 17.383 tỷ đồng từ án tham nhũng kinh tế 5 tháng qua - 1

Ông Nguyễn Quang Thái - Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự (Ảnh: Cẩm Tú).

Trong khi đó, nguồn lực bảo đảm cho công tác thi hành án dân sự như biên chế, kinh phí hoạt động, trụ sở, kho, vật chứng,... còn rất hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu trong tình hình mới.

Lãnh đạo Bộ Tư pháp và Tổng cục Thi hành án dân sự đã tiếp tục áp dụng những giải pháp hữu hiệu để chỉ đạo, điều hành toàn hệ thống cố gắng, quyết tâm đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao trên mọi mặt công tác để hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ.

Nhiều cuộc họp, hội nghị được tổ chức bằng hình thức trực tuyến để đôn đốc, chỉ đạo toàn hệ thống thi hành án dân sự tập trung nguồn lực, tổ chức hiệu quả nhiệm vụ được giao.

Kết quả, 5 tháng qua đã thi hành xong trên 183.000 vụ việc, tăng trên 29.000 vụ việc so với cùng kỳ năm 2022; tương ứng với số tiền thi hành án xong trên 45.000 tỷ đồng (tăng trên 19.900 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2022).

Đặc biệt, án tham nhũng kinh tế đã thi hành xong 651 vụ việc (tăng 123 vụ việc so với cùng kỳ năm trước), tương ứng với số tiền thi hành án xong trên 17.383 tỷ đồng (tăng gần 11.900 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2022).

Hội nghị sơ kết công tác thi hành án dân sự, thi hành án hành chính 6 tháng đầu năm 2023 do Bộ Tư pháp tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 18/4 tới bằng hình thức giao ban trực tuyến đa phương tiện tại điểm cầu Trung ương (trụ sở Bộ Tư pháp, Hà Nội) và 63 địa phương.

Hội nghị sẽ tập trung phân tích, đánh giá, làm rõ những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc, đề ra giải pháp phù hợp để các cơ quan thi hành án dân sự kịp thời khắc phục khó khăn, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2023.

Đồng thời thảo luận chuyên sâu về các nội dung liên quan đến công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế; công tác hướng dẫn nghiệp vụ; công tác kiểm tra, tự kiểm tra; giải pháp chấn chỉnh, xử lý các sai phạm, tiêu cực, tham nhũng trong hệ thống thi hành án dân sự.

Tham gia trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 20/3 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho rằng bên cạnh những kết quả đã đạt được và sự cố gắng của toàn hệ thống còn một số vấn đề đặt ra.

Về khách quan, có những khó khăn trong bản thân các vụ án, như số lượng tài sản trong hầu hết các vụ án lớn, nằm rải rác ở các địa phương khác nhau trên phạm vi cả nước. Về nguồn gốc, tính pháp lý của nhiều tài sản được kê biên, đưa ra xử lý phức tạp và mất nhiều thời gian để làm rõ.

"Có trường hợp cần xác minh tài sản đó là tài sản chung hay tài sản riêng, làm rõ phần tài sản của người phạm tội và tài sản của người ngay tình, đặc biệt là tài sản chung như tài sản vợ chồng, của hộ gia đình, của các chủ sở hữu khác nhau trong quá trình sản xuất, kinh doanh", ông Long thông tin.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm