(Dân trí) - Lãnh đạo Tổng cục Thi hành án dân sự (Bộ Tư pháp) nói về những vụ "đại án" có số lượng tiền phải thu hồi lớn nhất hiện nay nhưng đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.
(Dân trí) - Lãnh đạo Tổng cục Thi hành án dân sự (Bộ Tư pháp) nói về những vụ "đại án" có số lượng tiền phải thu hồi lớn nhất hiện nay nhưng đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.
Bà Trần Thị Phương Hoa - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự (Bộ Tư pháp) trao đổi với Dân trí về việc thu hồi tài sản tham nhũng và những vụ đang khiến cơ quan thi hành án "đau đầu".
5 tháng đầu năm 2023, dù số việc thụ lý mới tăng trên 58.000 việc (tương đương trên 84.700 tỷ đồng - tăng 50,7% so với cùng kỳ năm 2022) và số thụ lý mới án tham nhũng, kinh tế tăng 324 việc (tương ứng tăng gần 14.400 tỷ đồng - tăng 190% so với cùng kỳ năm 2022) nhưng kết quả thi hành án lại rất khả quan. Cụ thể đã thi hành xong số tiền trên 45.000 tỷ đồng (tăng trên 19.900 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2022); án tham nhũng kinh tế đã thi hành xong 651 việc với số tiền trên 17.383 tỷ đồng (tăng gần 11.900 tỷ đồng so với cùng kỳ). Đâu là những nguyên nhân chính dẫn tới kết quả đáng khích lệ này, thưa bà?
- Có thể thấy có nhiều nguyên nhân dẫn đến công tác thi hành án dân sự nói chung và công tác thu hồi tài sản tham nhũng nói riêng đạt kết quả như vậy.
Trong đó, Luật sửa đổi, bổ sung một số luật trong đó có Luật Thi hành án dân sự (bổ sung Điều 55, 56, 57 quy định về ủy thác xử lý tài sản) đã góp phần khắc phục những bất cập trong cơ chế ủy thác hiện hành, đẩy nhanh tiến độ thi hành án, xử lý tài sản.
Đối với công tác thu hồi tài sản tham nhũng, để thu hồi tối đa tài sản cho Nhà nước, Bộ Tư pháp và Tổng cục Thi hành án dân sự đã kịp thời quán triệt, chỉ đạo các cơ quan thi hành án dân sự khẩn trương áp dụng quy định mới của Luật Thi hành án dân sự về ủy thác xử lý tài sản thi hành án.
Tổng cục Thi hành án dân sự thường xuyên đôn đốc, chỉ đạo, kiểm tra sát sao đối với từng vụ việc phức tạp, vụ việc thuộc diện Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi. Chúng tôi đã phối hợp với các bộ, ban, ngành, liên ngành để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thi hành án.
Tham mưu cho Ban cán sự Đảng Bộ Tư pháp có văn bản gửi Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực các tỉnh, thành phố quan tâm chỉ đạo thực hiện công tác thi hành án dân sự nói chung và công tác thu hồi tài sản tham nhũng tại các địa phương.
Do đó, công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, công tác phối hợp giữa các cơ quan thi hành án dân sự với các cơ quan, ban, ngành địa phương ngày càng chặt chẽ, linh hoạt, hiệu quả.
Hơn nữa, các cơ quan tố tụng, đặc biệt là cơ quan điều tra đã quan tâm hơn đến công tác thu hồi, kê biên, ngăn chặn tẩu tán tài sản kịp thời.
Các bản án, quyết định của tòa án được thi hành kịp thời, bảo đảm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân.
Đó là chưa kể, nhận thức và hành động của các cấp ủy, chính quyền, cơ quan, tổ chức và người dân về công tác thi hành án nói chung, công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực và thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế nói riêng đã có những chuyển biến rõ rệt.
Tổ chức bộ máy của các cơ quan thi hành án cũng từng bước được củng cố, kiện toàn. Phẩm chất chính trị, trình độ chuyên môn của đội ngũ công chức lãnh đạo quản lý, của đội ngũ Chấp hành viên, công chức thi hành án dân sự không ngừng được nâng lên, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của ngành và của từng địa phương trong tình hình mới…
Nhưng thực tế vẫn còn nhiều vụ việc có khối lượng tiền phải thi hành án, phải thu hồi rất lớn?
- Đúng là như vậy. Tôi có thể kể ra những vụ việc có khối lượng tiền phải thi hành án, thu hồi rất lớn hiện nay.
Vụ án "Huỳnh Thị Huyền Như và đồng phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tham ô tài sản..." xảy ra tại Phòng giao dịch Ngân hàng Công thương Việt Nam - Chi nhánh TPHCM có tổng số tiền phải thi hành trên 15.141 tỷ đồng, đến nay đã thi hành xong trên 409 tỷ đồng. Số tiền còn phải thi hành lên tới trên 14.732 tỷ đồng.
Tài sản còn lại trong vụ án này đang xử lý, đã định giá khoảng 200 tỷ đồng. Số tiền còn lại không có điều kiện thi hành án.
Hay vụ án "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản" liên quan đến hành vi của bà Hứa Thị Phấn. Tổng số tiền, giá trị tài sản phải thi hành lên tới 42.759 tỷ đồng; đã thi hành xong trên 28.114 tỷ đồng, còn phải thi hành trên 14.644 tỷ đồng.
Thế nhưng Dự án bệnh viện Đa khoa Phú Mỹ được bản án tuyên để đảm bảo thi hành án trên thực tế chưa hoàn thành, cơ quan thi hành án chưa thể xử lý tài sản.
Ngoài ra, hiện nay, bà Hứa Thị Phấn đã chết, cơ quan thi hành án dân sự phải làm các thủ tục chuyển giao quyền, nghĩa vụ thi hành án theo quy định của Luật Thi hành án dân sự. Trong khi đó các con của bà Phấn lại đang ở nước ngoài, nên rất khó khăn thi hành án.
Vụ án của Trần Phương Bình và đồng phạm phạm tội Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản, Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, xảy ra tại Ngân hàng cổ phần Đông Á (DAB) cũng nhiều khó khăn. Tổng số phải thi hành trên 3.978 tỷ đồng nhưng mới thi hành xong gần 248 tỷ đồng, còn phải thi hành trên 3.730 tỷ đồng.
Cơ quan thi hành án dân sự chưa thể xử lý 123 triệu cổ phiếu đã bị kê biên của Ngân hàng thương mại cổ phần Đông Á (DAB) do ngân hàng này đang trong thời gian kiểm soát đặc biệt, phương án cơ cấu lại chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Còn trong vụ Phạm Công Danh và đồng phạm Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam (giai đoạn I) số tiền phải thi hành án lên tới hơn 11.743 tỷ đồng, mới thi hành xong hơn 6.235 tỷ đồng và còn phải thi hành trên 6.226 tỷ đồng.
Khó khăn ở vụ này hiện nay là Khu phức hợp thương mại và dịch vụ sân vận động Chi Lăng (Đà Nẵng) được bản án tuyên kê biên đảm bảo thi hành án có khó khăn, vướng mắc cơ quan nên chưa thể xử lý được...
Từ nay đến cuối năm 2023, Tổng cục Thi hành án dân sự sẽ có những giải pháp nào để đảm bảo việc thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế đạt kết quả cao nhất, hoàn thành chỉ tiêu đề ra?
- Chúng tôi sẽ kịp thời báo cáo Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực để có ý kiến đối với Ban cán sự Đảng TAND tối cao về quan điểm hướng dẫn thống nhất trong các cơ quan tòa án liên quan đến quan điểm xử lý tài sản bản án đã tuyên kê biên để bảo đảm thi hành án.
Bên cạnh đó, sẽ chủ động và phát huy hiệu quả công tác phối hợp với các bộ, ngành, các tỉnh/thành ủy, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các cơ quan thi hành án dân sự trong quá trình tổ chức thi hành các vụ án về tham nhũng, kinh tế.
Tranh thủ kịp thời và tối đa sự chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương nhất là sự vào cuộc chỉ đạo của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh đối với công tác thu hồi tài sản tham nhũng, kinh tế.
Tổng cục Thi hành án dân sự cũng sẽ tham mưu cho Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp có văn bản đề nghị Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy - Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh quan tâm, phối hợp chỉ đạo công tác thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế.
Về lâu dài, Bộ Tư pháp sẽ nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền quy định trình tự, thủ tục riêng về thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế. Có thể là xây dựng một luật riêng hoặc đưa ra một chế định riêng trong Luật Thi hành án dân sự sửa đổi, bổ sung.
Từ kinh nghiệm đã có khi thu hồi tài sản trong đại án trước đây, Tổng cục Thi hành án dân sự sẽ có những định hướng, thay đổi như thế nào khi một loạt các đại án đã xét xử hoặc sắp được xét xử, bản án sắp có hiệu lực?
- Tổng cục Thi hành án dân sự sẽ tiếp tục đôn đốc, chỉ đạo, kiểm tra sát sao đối với từng vụ việc thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế nhất là các vụ việc thuộc diện Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo.
Bên cạnh đó, sẽ tích cực phối hợp liên ngành ở cả Trung ương và địa phương để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình xử lý tài sản, bảo đảm sớm thu hồi tài sản của nhà nước bị thất thoát, chiếm đoạt.
Qua tiễn thu hồi tài sản tham nhũng, kinh tế trong thời gian qua, chúng tôi cũng rút ra một số kinh nghiệm. Đó là phải tranh thủ sự chỉ đạo kịp thời của Ban Chỉ đạo Trung ương, Ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Đồng thời tăng cường sự phối hợp giữa Bộ Tư pháp với các cơ quan có liên quan như VKSND tối cao, TAND tối cao, đặc biệt là cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh.
Việc nâng cao trách nhiệm, kỹ năng giải quyết, xử lý hồ sơ thi hành án liên quan đến các vụ án tham nhũng, kinh tế cho Chấp hành viên, cơ quan thi hành án dân sự cũng cần được nâng lên.
Cục Thi hành án dân sự Hà Nội và TPHCM đóng vai trò rất lớn trong việc hoàn thành các chỉ tiêu thi hành án của toàn ngành. Tổng cục Thi hành án dân sự đã và sẽ đốc thúc, giám sát đặc biệt như thế nào với hai địa phương này?
- Chắc chắn phải tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành theo hướng sâu sát, quyết liệt, bám sát cơ sở; tổ chức các buổi làm việc và các đợt kiểm tra để đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.
Chúng tôi cũng hướng dẫn, chỉ đạo Cục Thi hành án dân sự Hà Nội, TPHCM thực hiện nghiêm túc, đầy đủ trách nhiệm theo dõi thi hành án hành chính theo đúng quy định của Luật Tố tụng hành chính năm 2015 và Nghị định số 71/2016/NĐ-CP.
Chỉ đạo 2 Cục này tiếp tục phối hợp chặt chẽ với tòa án, viện kiểm sát và các cơ quan có liên quan tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác thi hành án dân sự, thi hành án hành chính. Tranh thủ tối đa sự ủng hộ của cấp ủy, chính quyền địa phương.
Bên cạnh tăng cường kỷ luật, kỷ cương công vụ thì phải tập trung thi hành dứt điểm các vụ án trọng điểm có giá trị phải thi hành lớn, có điều kiện thi hành án, trong đó chú trọng xử lý tài sản bảo đảm.
Đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp chậm hoặc cố tình trì hoãn việc thi hành án, nhất là những vụ việc có điều kiện thi hành án, đủ điều kiện xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án.
Xin cảm ơn bà!
"XEM XÉT TRÁCH NHIỆM ĐỐI VỚI CỤC TRƯỞNG NẾU BUÔNG LỎNG QUẢN LÝ DẪN ĐẾN SAI PHẠM"
Tổng cục Thi hành án dân sự dự báo những tháng cuối năm 2023 số lượng việc và số tiền phải thi hành án sẽ có xu hướng tăng, tình hình kinh tế gặp nhiều khó khăn, thị trường bất động sản trầm lắng… ảnh hưởng không nhỏ đến thi hành án.
Vì thế, mới đây Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự Nguyễn Quang Thái đã yêu cầu Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự các địa phương chỉ đạo rà soát toàn bộ nhiệm vụ năm 2023, phân tích làm rõ nguyên nhân của tồn tại, hạn chế. Kiên quyết loại bỏ tư tưởng chạy theo thành tích, bỏ qua quy trình, thực hiện trái quy định của pháp luật.
"Tập trung kiểm tra 100% hồ sơ đang tổ chức thi hành án của từng chấp hành viên. Trường hợp hồ sơ chậm thực hiện thì phải khắc phục ngay. Nếu cố tình vi phạm thì kiểm điểm xử lý nghiêm. Đến mức kỷ luật thì phải xử lý kỷ luật, nếu không đáp ứng yêu cầu thì miễn nhiệm chấp hành viên", ông Thái nêu rõ quan điểm.
Đặc biệt phải kiểm soát chặt chẽ, thường xuyên đối với án có điều kiện trên 1 năm chưa thi hành xong. Nghiêm cấm tình trạng "quên việc, bỏ hồ sơ"
"Xem xét trách nhiệm đối với Cục trưởng nếu buông lỏng quản lý dẫn đến sai phạm, tồn tại, yếu kém", Tổng cục trưởng Nguyễn Quang Thái nói.
Đối với vụ việc thu tiền cho ngân sách Nhà nước, Cục trưởng Thi hành án dân sự địa phương phải chỉ đạo chấp hành viên định kỳ xác minh điều kiện, tuyệt đối không được để tình trạng án chưa có điều kiện thì không tác nghiệp.
Đặc biệt, các địa phương phải thực hiện hiệu quả công tác thu hồi tiền, tài sản trong các vụ án kinh tế, tham nhũng, nhất là các vụ án thuộc diện Ban chỉ đạo Trung ương, Ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo, xác định đây là nhiệm vụ mang tính chính trị, ưu tiên hàng đầu của toàn hệ thống.
Nội dung: Thế Kha
Ảnh: Nguyễn Hải - Xuân Duy
Thiết kế: Thủy Tiên