1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Thu hồi hay thỏa thuận bồi thường đất đều phải an toàn cho người dân

(Dân trí) - Dự án vì lợi ích công cộng, muốn được thu hồi đất nhất định phải thông qua HĐND xác định. Dự án kinh doanh thương mại, DN phải chấp nhận rủi ro nếu không thỏa thuận được với toàn bộ người dân, kể cả đã đạt tới 90-95%...

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải khẳng định nguyên tắc này khi trao đổi về quy định thu hồi, định giá đất tới đây.

Quốc hội sắp thông qua Hiến pháp sửa đổi và Luật Đất đai sửa đổi, nhưng vấn đề thu hồi đất hiện nay vẫn còn nhiều ý kiến băn khoăn. Làm sao để việc thu hồi đất không bị lạm dụng, nhất là thu hồi đất vì mục đích phát triển kinh tế-xã hội?

Để tránh bị lạm dụng, sau này Nghị định hướng dẫn chi tiết sẽ quy định cụ thể. Nhưng lần này sửa luật Đất đai sửa đổi rõ ràng đã xử lý được vấn đề lớn nhất là không có chuyện giao cho doanh nghiệp (DN) đi thỏa thuận về đất với dân. Trước đây chúng ta có tình trạng như thế, ưu điểm của cách làm này là nhanh nhưng nhược điểm là những trường hợp bị vướng thì Nhà nước lại vào để thu hồi đất, như vậy là không rõ. Một khi đã thỏa thuận thì phải là thỏa thuận, còn đã thu hồi thì phải là thu hồi, mục tiêu phải rất rõ.

Chúng ta nói những dự án để phát triển kinh tế xã hội, vậy những dự án lớn nhất phải được xác định như thế là nào vì lợi ích quốc dân, vì lợi ích công cộng và phải được HĐND ở cấp địa phương đó  thẩm định. Quy định như vậy sẽ thuận lợi hơn rất nhiều việc định thu hồi đất mà lại nói là vì lợi ích công cộng. Nếu đúng vậy, chủ trương phải được HĐND ở đó biết và thông qua. Đây là bước để tránh hiện tượng tùy tiện trong thu hồi đất, tránh việc dự án nào cũng được nói là vì lợi ích công cộng. Nhưng chúng ta cần hiểu nếu hạn chế hoàn toàn, không cho thu hồi đất để làm các dự án phát triển kinh tế xã hội cũng rất khó vì sẽ rất có nhiều dự án đúng là có phục vụ lợi ích công cộng không triển khai được.

Thu hồi hay thỏa thuận bồi thường đất đều phải an toàn cho người dân
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải: "Nhà nước không thể chạy theo giá đất trôi nổi, giá đất "nghe nói" (ảnh: Việt Hưng).

Ngoài HĐND, còn công cụ nào chốt cửa, để tránh việc suy diễn, áp dụng luật khác nhau cũng như lạm dụng quy định để trục lợi?

Luật lần này cũng rõ ràng hơn, nếu là thỏa thuận thì là thuần túy thỏa thuận, mang tính dân sự, lúc đó sẽ không có thu hồi đất như hàng trăm, hàng ngàn trường hợp hiện nay đang làm.

Thực tế, chúng ta cứ bàn về các dự án Nhà nước thu hồi đất nhưng thực tế phần lớn ngoài xã hội là các dự án có sự thỏa thuận. Vì trong các quyền sử dụng đất của người dân, quyền chuyển nhượng là quyền của người sử dụng đất. Họ có quyền chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo quy định của luật dân sự. Và giao dịch đó mới nhiều, những hình thức khác không phổ biến.

Khi đã thực hiện mua bán, chuyển nhượng, anh thỏa thuận được thì làm dự án, không thì thôi. Nhà đầu tư khi đó phải biết tự tính toán.

Giải quyết được vấn đề này, Luật Đất đai sửa đổi cũng xử lý được những vướng mắc hiện hành. Hiện nay, khi thỏa thuận được với 70-80% nhóm cư dân mất đất là được, số còn lại không đồng ý thì lại vào thu hồi, cưỡng chế. Việc đó cũng tạo ra bức xúc của người dân. Bây giờ luật sửa đổi xác định rõ, nếu đã xác định là dự án vì lợi ích côn cộng thì phải đưa ra HĐND, được HĐND thông qua thì mới được thu hồi đất, còn lại những dự án thuần túy là dân sự sẽ hoàn toàn do thỏa thuận giữa nhà đầu tư và người dân. Như vậy sẽ tiết kiệm được vấn đề sử dụng đất đai cũng như tạo được sự thoải mái, không còn bức xúc trong chuyển nhượng quyền sử dụng đất.

Như vậy sẽ nhiều khả năng không ít các dự án không thể nhích chân dù chỉ còn phần ít người có đất không đồng tình?

Dĩ nhiên, các nhà đầu tư có thể gặp phải rủi ro là chỉ thỏa thuận được 90% người dân chẳng hạn. Nhưng đó là yêu cầu để các nhà đầu tư ngày càng phải đưa việc đầu tư vào quy chuẩn, phải chuẩn bị thật đầy đủ các điều kiện rồi mới quyết định đầu tư, chứ không phải dở ra làm rồi lại ngã ngửa than “chết rồi” vì không thỏa thuận được. Đây là yêu cầu bắt buộc các nhà đầu tư phải tính toán hết sức chuyên nghiệp, chắc chắn.

Những trường hợp nào vì lợi ích công cộng thì đã xử lý riêng, còn những trường hợp nào thuần túy là thỏa thuận thì phải thỏa thuận. Trước đây dân bức xúc vì có những trường hợp được gọi là thỏa thuận nhưng sao Nhà nước lại nhảy vào can thiệp, giờ sẽ không còn làm như vậy nữa.

Việc đó cũng đòi hỏi người lãnh đạo ở địa phương phải tư duy rất rõ ràng, đâu là dự án vì công cộng, đâu là dự án thương mại để gắn trách nhiệm vào. Đã là dự án thương mại thì kể cả đã thỏa thuận được 95% mà không xong thì vẫn phải chịu, phải chấp nhận điều đó.

Phiên thảo luận về dự thảo sửa đổi Hiến pháp vừa qua, rất nhiều ý kiến ĐBQH đề xuất khi Nhà nước thu hồi đất thì vì bất cứ mục địch nào cũng phải đền bù cho dân theo sát giá thị trường. Ý kiến của Phó Thủ tướng về vấn đề này?

Hiện tại chúng ta vẫn đang theo quy định giá đất theo giá thị trường đấy chứ. Giá thị trường mà chúng ta đang áp dụng là bảng giá đất theo công ty tư vấn, hoặc của Sở Tài chính xây dựng. Đó là giá gần với thị trường chứ. Còn cứ nghe ông A nói giá này, ông B nói giá kia thì không thể có một Nhà nước nào cứ chạy theo giá đất trôi nổi để định là giá thị trường được. Đó là giá đất “nghe nói”. Các quốc gia khi làm việc định giá đất đều cố gắng tiệm cận giá thị trường, khi cơ chế thị trường càng tốt, giá sẽ càng minh bạch hơn, đầy đủ hơn. Các yếu tố thị trường đầy đủ hơn thì giá đất sẽ rõ ràng hơn. Hiện nay chúng ta chưa có đủ các yếu tố đó, giá đền bù đất vẫn tính theo biểu giá đất trên cơ sở giá thị trường, được áp dụng trong đền bù thu hồi đất cho mọi mục đích. Nhưng dần dần cơ chế giá sẽ tốt hơn.

Xin cảm ơn Phó Thủ tướng!

P.Thảo (ghi)