Thông xe cầu Long Kiểng: Nhìn lại hơn 2 thập kỷ "lận đận"
(Dân trí) - Sáng 8/9, cầu Long Kiểng nối hai xã Nhơn Đức và Phước Kiển (huyện Nhà Bè, TPHCM) chính thức thông xe, sau 23 năm được phê duyệt, ngưng trệ thi công.
Nửa thế kỷ bắc ngang rạch Long Kiểng
Ông Nguyễn Văn Trà (52 tuổi), từ lúc lọt lòng đến bây giờ vẫn sống trong con hẻm ngay dưới chân cầu rẽ vào, là người chứng kiến sự đổi thay của cây cầu từng ngày.
Hồi tưởng lại ngày ông còn nhỏ, bắc ngang đôi bờ rạch Long Kiểng là cây cầu ván gỗ, song hành cùng những chuyến đò ngang nối hai bên rạch dừa.
Năm ông Trà 5 tuổi, chiếc cầu sắt được thay thế kiên cố vào năm 1976. Cầu sắt Long Kiểng dài hơn 100m, rộng 3m, được sử dụng từ đó đến nay.
"Trên cầu sắt xe chạy rầm rầm sáng đêm nhức cả đầu. Chỉ có đến đêm, các hoạt động lắng xuống, xe cộ ít lại mới đỡ. Nhưng nếu có chiếc xe máy chạy nhẹ qua cũng đủ dội ra âm thanh lớn giữa khu dân cư thưa thớt này", ông Trà kể.
Theo trải nghiệm lái xe của phóng viên và lời kể của người dân sống quanh đây, bề mặt cầu sắt rất trơn, ngày nào cũng có người ngã xe. Xe qua lại lâu ngày làm nhẵn bóng bề mặt tấm đan, càng trơn trượt nhất là vào hôm mưa gió. Bánh xe lăn qua, tấm sắt va vào khung cầu tạo ra âm thanh chát chúa.
Ngoài giờ tan tầm hay buổi sáng, bất cứ lúc nào cũng có thể kẹt xe trên cầu. Lưu lượng phương tiện đông đi trên cầu hẹp, chỉ cần một xe máy bị ngã xuống cũng khiến dòng xe bị ùn ứ cả hai chiều.
"Ngày nào cũng phải qua cầu giao đá bia, mỗi lần kẹt xe đá tan chảy hết, cũng đành quay về lấy đá mới giao cho người ta", ông Giang (40 tuổi) kinh doanh bia, nước ngọt và đá lạnh gần 30 năm ngay mặt tiền dưới chân cầu Long Kiểng nói với phóng viên.
Trước đây, cầu sắt từng bị sập do tài xế cho xe có tải trọng 15 tấn chạy qua vào đêm 19/1/2018. Cầu Long Kiểng cũng nằm trên tuyến giao thông thủy của TPHCM, năm 2015 từng bị một chiếc xà lan va vào cầu gây hư hỏng nặng.
Ngày 5/8, gần 10 công nhân thuộc Công ty CP Công trình cầu phà TPHCM tất bật bảo trì cây cầu sắt Long Kiểng. Nhóm công nhân cho biết, công việc sửa cầu diễn ra thường xuyên nhiều năm nay.
"Sắp thông xe cây cầu mới nhưng không thể bỏ mặc cầu cũ hỏng hóc vì người dân vẫn phải đi rất nhiều qua đây. Chừng nào cầu mới chưa xong, nếu cầu cũ hỏng đến đâu thì vẫn phải sửa đến đó", một công nhân chia sẻ với phóng viên.
Thành phố tính đến nhu cầu kết nối vùng, hàng loạt dự án xung quanh khu vực này trong tương lai sẽ mọc lên khiến nhu cầu giao thông ngày càng tăng. Do đó, năm 2001, dự án cầu Long Kiểng bằng bê tông cốt thép rộng hơn, cao hơn đã được UBND TPHCM phê duyệt.
Hơn nữa, do cầu sắt có tải trọng thấp và xuống cấp nghiêm trọng theo thời gian, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TPHCM từng xác định chiếc cầu này cần được thay thế khẩn cấp.
Chờ cầu hơn hai thập kỷ
Ông Giang là một trong những người tiên phong đồng thuận chấp nhận giao đất cho dự án cầu Long Kiểng mới (năm 2006). Việc giao đá lạnh bị tan chảy do kẹt xe cầu Long Kiểng nhiều năm qua không ảnh hưởng mấy đến đại cục cuộc sống gia đình ông Giang.
"Dự án bị đình trệ. Những người đầu tiên giao đất như chúng tôi cảm thấy bị thiệt thòi vì chờ quá lâu giá đất ngày càng lên, tài sản cũng hao hụt nhiều chứ", ông Giang tâm sự.
Được thành phố phê duyệt từ năm 2001. Năm 2007, địa phương mới bồi thường giải phóng mặt bằng một số hộ dân. Hơn 10 năm sau, tháng 8/2018, cầu Long Kiểng mới được khởi công và dự kiến hoàn thành vào năm 2019. Nhưng đến giữa năm 2022, dự án vẫn còn dở dang, tại công trường chỉ có 7 trụ bê tông trơ trọi giữa sông.
Chính quyền địa phương chậm giao mặt bằng - ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TPHCM (Ban Giao thông - chủ đầu tư), cho biết nguyên nhân tiến độ dự án bị kéo dài.
Dự án cầu Long Kiểng ảnh hưởng đến 128 hộ dân. Trong đó, 46 hộ thuộc diện phải tái định cư và 15 trường hợp giải tỏa toàn bộ có nhà, đất không đủ điều kiện tái định cư. Song, UBND huyện Nhà Bè không đủ quỹ đất để bố trí nên chuyển sang phương án chi trả bằng tiền.
Đến giữa năm 2021, cơ quan chức năng đã ban hành các quyết định thu hồi đất, phê duyệt chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và các quyết định có liên quan. Đã có 103 hộ dân bị ảnh hưởng đã được bồi thường, hỗ trợ, tái định cư với số tiền tổng cộng 311,7 tỷ đồng.
Sau khi khởi công, các nhà thầu đã thi công trong phạm vi mặt bằng đã được UBND huyện Nhà Bè bàn giao. Tuy nhiên, từ tháng 12/2019, mặt bằng chưa được bàn giao tiếp tục, nhà thầu phải tạm ngưng thi công.
Tròn một năm trước, ngày 8/9/2022, dự án cầu Long Kiểng được tái khởi động sau 3 năm tạm dừng. UBND huyện Nhà Bè và Ban Giao thông chính thức tổ chức bàn giao - tiếp nhận mặt bằng để thi công trở lại.
Theo lời cam kết của ông Lương Minh Phúc, sau khi được bàn giao mặt bằng, dự án sẽ được đưa vào sử dụng vào cuối năm 2023.
Với tiến độ khả quan, ông Phúc cho biết dự án cầu Long Kiểng sẽ thông xe năm nay vào tháng 9, sớm hơn 3 tháng so với tiến độ đặt ra. Dự án này đã kéo dài gần 23 năm kể từ khi UBND TP phê duyệt dự án.
Đúng hẹn, sáng nay 8/9, cầu Long Kiểng mới chính thức được thông xe.
"Chủ đầu tư đã có quyết định dứt khoát triển khai thi công cầu Long Kiểng trên phần đất đã được giao, thay vì chờ đợi "đất trống". Đây có thể là bài học kinh nghiệm dành cho các dự án khác của thành phố, tránh chờ đợi dẫn đến ảnh hưởng tiến độ, phát sinh nhiều chi phí và lãng phí thời gian", Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ khẳng định.
Thiết kế cầu Long Kiểng mới có chiều dài 318m, rộng 15m gấp 5 lần cầu cũ; phần đường dẫn có tổng chiều dài 661m, chiều rộng 18-29m, cùng hệ thống thoát nước, cây xanh, chiếu sáng... với vốn đầu tư 589 tỷ đồng.
Công trình do Ban Giao thông làm chủ đầu tư và được thi công bởi 3 nhà thầu: Công ty CP Cầu 7 Thăng Long, Tổng công ty Cơ khí xây dựng Thăng Long, Công ty TNHH TMDV TC xây dựng cầu đường Hồng An.
Cầu mới được xây, loạt hạ tầng xung quanh cũng được nâng cấp. Phần đường dẫn ở hai đầu cầu Long Kiểng được mở rộng lên 18-29m. Vỉa hè được lát gạch mới khang trang. Sau khi hoàn thành, các phần đường này sẽ được thảm nhựa và trồng cây xanh ở vỉa hè.