Đôi cầu Long Kiểng TPHCM: Cầu mới gần 600 tỷ đồng sắp xong, cầu cũ lại hỏng
(Dân trí) - Trong khi dự án cầu Long Kiểng mới đang được gấp rút hoàn thành, cây cầu sắt cũ nằm sát bên cũng được công nhân tất bật sửa chữa để thông suốt giao thông đường Lê Văn Lương (huyện Nhà Bè, TPHCM).
Ngày 6/8, gần 10 công nhân thuộc Công ty CP Công trình cầu phà TPHCM tất bật bảo trì cây cầu sắt Long Kiểng nối hai xã Nhơn Đức và Phước Kiển (huyện Nhà Bè, TPHCM).
"Còn chưa đầy một tháng nữa thông xe cây cầu mới, nhưng không thể bỏ mặc cầu cũ hỏng hóc vì người dân vẫn phải đi rất nhiều qua đây. Chừng nào cầu mới chưa xong, nếu cầu cũ hỏng đến đâu thì vẫn phải sửa đến đó", một công nhân chia sẻ với phóng viên.
Cầu nằm trên trục đường Lê Văn Lương, là tuyến giao thông huyết mạch kết nối TPHCM với tỉnh Long An. Đây là lối độc đạo bắc ngang con rạch Long Kiểng này. Cũng vì thế, lượng xe cộ đông đúc qua lại mỗi ngày khiến cây cầu ngày càng ọp ẹp, thường xuyên hư hỏng.
Cầu Long Kiểng cũ có từ năm 1976. Cây cầu sắt này dài hơn 100m, rộng 3m, tải trọng thấp, hiện đã xuống cấp nghiêm trọng. Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TPHCM từng xác định chiếc cầu này cần được thay thế khẩn cấp.
Theo trải nghiệm lái xe của phóng viên và lời kể của người dân sống quanh đây, bề mặt cầu sắt rất trơn, ngày nào cũng có người ngã xe. Xe qua lại lâu ngày làm nhẵn bóng bề mặt tấm đan, càng trơn trượt nhất là vào hôm mưa gió.
Ngoài giờ tan tầm hay buổi sáng, bất cứ lúc nào cũng có thể kẹt xe trên cầu. Lưu lượng phương tiện đông đi trên cầu hẹp, chỉ cần một xe máy bị ngã xuống cũng khiến dòng xe bị ùn ứ cả hai chiều.
Trước đây, cầu sắt từng bị sập do tài xế cho xe có tải trọng 15 tấn chạy qua vào đêm 19/1/2018. Cầu Long Kiểng cũng nằm trên tuyến giao thông thủy của TPHCM, năm 2015 từng bị một chiếc xà lan va vào cầu gây hư hỏng nặng.
Để thay thế cầu Long Kiểng cũ, dự án cầu Long Kiểng mới được phê duyệt vào năm 2001, khởi công năm 2018, sau đó bị dừng thi công từ năm 2019 vì vướng mặt bằng.
Đến tháng 9/2022, UBND huyện Nhà Bè phối hợp với Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông (Ban Giao thông - thuộc Sở GTVT TPHCM) mới tổ chức lễ bàn giao, tiếp nhận mặt bằng để tiếp tục triển khai dự án.
Sau gần 23 năm chờ đợi, cầu Long Kiểng mới đang được hoàn thiện những hạng mục cuối cùng. Theo báo cáo của Ban Giao thông, tổng khối lượng công việc đến nay đã đạt hơn 98%.
Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Giao thông (chủ đầu tư) cho biết, với tiến độ khả quan, dự án cầu Long Kiểng sẽ được thông xe vào dịp 2/9 tới đây, sớm hơn 3 tháng so với tiến độ đặt ra.
Thiết kế cầu Long Kiểng mới có chiều dài 318m, rộng 15m gấp 5 lần cầu cũ; phần đường dẫn có tổng chiều dài 661m, chiều rộng 18-29m, cùng hệ thống thoát nước, cây xanh, chiếu sáng... với vốn đầu tư 589 tỷ đồng.
Theo ghi nhận ngày 5/8, mặt cầu Long Kiểng mới đã được trải thảm nhựa, lề bộ hành đã được lát đá; hệ thống chiếu sáng, lan trên cầu cũng đã được lắp đặt; và dần hoàn thiện.
Công trình do Ban Giao thông làm chủ đầu tư và được thi công bởi 3 nhà thầu: Công ty CP Cầu 7 Thăng Long, Tổng công ty Cơ khí xây dựng Thăng Long, Công ty TNHH TMDV TC xây dựng cầu đường Hồng An.
Tuyến đường Lê Văn Lương từ đại lộ Nguyễn Văn Linh (quận 7, TPHCM) đến giáp ranh huyện Cần Giuộc (Long An) dài khoảng 7km, trong đó có 4 cây cầu sắt: Rạch Đỉa, Long Kiểng, Rạch Tôm và Rạch Dơi.
Bốn cây cầu này đều đã cũ, nhỏ, hẹp và đang xuống cấp nghiêm trọng, khiến việc lưu thông của người dân khó khăn và hạn chế về giao thông hàng hóa đường bộ lẫn đường thủy do độ tĩnh không của cầu thấp.
Cầu Long Kiểng mới nằm trong các dự án giao thông quan trọng của TPHCM được phấn đấu về đích trong năm 2023-2024.
Bên cạnh đó năm 2023 Ban Giao thông dự kiến có 30 dự án được bàn giao mặt bằng để tiếp tục thực hiện, trong đó có cầu Rạch Đĩa, cầu Phước Long (nối quận 7, huyện Nhà Bè), cầu Nam Lý, cầu Tăng Long, cầu Ông Nhiêu (TP Thủ Đức)... đều đang đẩy nhanh tiến độ.