Nghệ An:
Thông tuyến quốc lộ 48D, động lực phát triển các huyện miền Tây xứ Nghệ
(Dân trí) - Sau khi được thông xe, tuyến quốc lộ 1A - Nghĩa Đàn - thị xã Thái Hòa (quốc lộ 48D) nối vùng kinh tế Nam Thanh - Bắc Nghệ với các huyện Miền tây Nghệ An, sẽ là trục giao thông trọng điểm tạo động lực phát triển kinh tế cho các huyện miền núi xứ Nghệ.
Sáng ngày 3/9, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức lễ thông xe tuyến quốc lộ 1A - Nghĩa Đàn - thị xã Thái Hòa (quốc lộ 48D). Tham dự có ông Vương Đình Huệ - Phó thủ tướng Chính phủ, ông Phan Đình Trạc - Trưởng Ban Nội chính Trung ương...
Với tổng chiều dài 29 km, nối từ quốc lộ 1A đến quốc lộ 48, chạy qua địa bàn các huyện Nghĩa Đàn, TX Thái Hòa và TX trẻ Hoàng Mai. Cung đường được đầu tư xây dựng với 2 làn xe, bề rộng làn đường 9 m, tổng mức đầu tư là 855 tỷ đồng.
Tuyến đường sẽ là trục giao thông ngắn nhất từ các huyện Miền tây xứ Nghệ đến vùng kinh tế Nam Thanh - Bắc Nghệ. Cùng với quốc lộ 48, quốc lộ 1A đây sẽ là trục giao thông trọng điểm góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế ở các huyện Nghĩa Đàn, TX Thái Hòa, huyện Quỳ Hợp, huyện Quỳ Châu và Quế Phong.
Báo cáo về quá trình thực hiện dự án, ông Nguyễn Hồng Kỳ - GĐ Sở GTVT Nghệ An cho biết: Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là về nguồn vốn, nhưng được sự quan tâm của các Bộ, Ban, Ngành Trung ương nên tuyến đường đã hoàn thành và chính thức thông xe đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân.
Đặc biệt là rút ngắn khoảng cách giữa các vùng miền, kết nối sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, giao lưu kinh tế văn hóa của nhân dân các vùng.
Cũng trong buổi sáng nay (ngày 3/9) Phó thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã tham dự lễ cắt băng khánh thành Nhà máy chế biến gỗ Nghệ An thuộc tập đoàn TH. Đây cũng là một trong những nhà máy được đầu tư xây dựng nằm trên tuyến nối từ quốc lộ 1A - Nghĩa Đàn - Thái Hòa.
Phát biểu tại buổi Lễ, ông Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ ghi nhận sự nỗ lực của tỉnh Nghệ An, của nhà đầu tư vào để nhà máy hoàn thành đảm bảo tiến độ. Chúc mừng tỉnh Nghệ An, chúc mừng nhà đầu tư có Nhà máy công nghệ hiện đại sẽ tích cực góp phần thúc đẩy kinh tế miền Tây Nghệ An phát triển, phó Thủ tướng cũng mong muốn tỉnh Nghệ An và nhà đầu tư phối chặt chẽ để tạo ra vùng nguyên liệu bền vững, năng suất, hiệu quả kinh tế cao cho nhà máy, góp phần tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp của tỉnh.
Nhà máy chế biến gỗ Nghệ An nằm trong khuôn khổ dự án “Nhà máy chế biến gỗ và phát triển rừng bền vững tại Nghệ An” với tổng số vốn đầu tư 300 triệu USD.
Giai đoạn 1 của dự án với tổng mức đầu tư hơn 100 triệu USD, gồm 2 dây chuyền: Dây chuyền chế biến gỗ thanh với công suất 12.000 m3/năm, dây chuyền chế biến ván sợi MDF với công suất 130.000 m3/năm.
Kết hợp với việc phát triển vùng nguyên liệu bền vững, sau khi đi vào hoạt động nhà máy sẽ là nơi bao tiêu sản phẩm, tạo công ăn việc làm ổn định cho hàng ngàn hộ dân trên địa bàn. Góp phần phát triển kinh tế, xã hội, đặc biệt sẽ mở ra một hướng phát triển kinh tế rừng bền vững gắn với bảo vệ môi trường.
Nguyễn Duy