1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Thống nhất phương án cho xe cá nhân lưu thông qua lại Bình Dương - TPHCM

Trung Kiên

(Dân trí) - UBND tỉnh Bình Dương đã thống nhất phương án cho phép người lao động lưu thông liên tỉnh bằng phương tiện cá nhân như dự thảo của UBND TPHCM đưa ra trước đó.

Sáng 7/10, lãnh đạo tỉnh Bình Dương cho biết đã có phản hồi, góp ý gửi UBND TPHCM về dự thảo phương án lưu thông giữa TPHCM với các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh và Long An.

Theo đó, tỉnh Bình Dương đồng ý với dự thảo của UBND TPHCM về việc cho phép đưa đón chuyên gia, người lao động đi lại làm việc liên tỉnh, cũng như cho phép người dân đi xe cá nhân giữa vùng giáp ranh của hai địa phương, kèm theo một số điều kiện.

Thống nhất phương án cho xe cá nhân lưu thông qua lại Bình Dương - TPHCM - 1

Tỉnh Bình Dương thống nhất phương án cho xe cá nhân lưu thông liên tỉnh như đề xuất trong dự thảo của UBND TPHCM gửi các tỉnh (Ảnh: A.X).

Với phương án đưa đón chuyên gia, người lao động liên tỉnh bằng ôtô, UBND tỉnh Bình Dương thống nhất điều kiện của người ngồi trên xe đưa đón đã tiêm vaccine đủ 2 mũi, hoặc là F0 đã khỏi bệnh trong vòng 6 tháng và có giấy xét nghiệm âm tính 7 ngày/lần.

Nếu tiêm một mũi sau 14 ngày thì phải xét nghiệm 2 lần/tuần và có kết quả âm tính mới được tham gia lưu thông.

Bên cạnh đó, Bình Dương cũng đồng ý cho người lao động sử dụng ô tô cá nhân, xe gắn máy lưu thông qua lại giữa Bình Dương và TPHCM. Tuy nhiên, tỉnh Bình Dương đề nghị điều chỉnh điều kiện phải là người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine hoặc F0 đã khỏi bệnh trong vòng 6 tháng và có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính định kỳ 2 lần/tuần.

Việc tổ chức xét nghiệm và cấp giấy cho công nhân, chuyên gia do cơ quan y tế hoặc doanh nghiệp tự thực hiện và chịu trách nhiệm về kết quả xét nghiệm.

Ngoài ra, phải có giấy xác nhận phục vụ lưu thông cho người lao động với nội dung địa điểm cung đường (theo mẫu thống nhất).

Do thời gian hiện nay dịch bệnh phức tạp, tỉnh Bình Dương đề nghị trước mắt chỉ áp dụng tạm thời đối với người lao động sử dụng phương tiện đi lại giữa 2 địa phương giáp ranh giữa TP Thủ Đức (TPHCM) với TP Thuận An, Dĩ An (Bình Dương).

Sau khi góp ý của Bình Dương gửi TPHCM, các quy định về lưu thông liên tỉnh sẽ được tổng hợp và ban hành văn bản mới, lúc này các quy định mới có hiệu lực áp dụng.

Liên quan đến việc đi lại trên địa bàn, Sở Giao thông Vận tải Bình Dương cũng có văn bản hướng dẫn việc ban hành giấy lưu thông cho người lao động tham gia sản xuất tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trong trạng thái bình thường mới.

Thống nhất phương án cho xe cá nhân lưu thông qua lại Bình Dương - TPHCM - 2

Người dân tham gia lưu thông phải tiêm đủ 2 mũi vaccine; tiêm một mũi vaccine sau 14 ngày hoặc F0 khỏi bệnh hoàn thành cách ly tại nhà 14 ngày (Ảnh A.X).

Cụ thể, người lao động tham gia lưu thông trong phạm vi của từng huyện, thị xã, thành phố phải được tiêm đủ 2 mũi vaccine; tiêm một mũi vaccine sau 14 ngày hoặc F0 khỏi bệnh hoàn thành cách ly tại nhà 14 ngày.

Tham gia giao thông từ vùng một (TP Thuận An, Dĩ An và thị xã Tân Uyên) đến vùng 2 (TP Thủ Dầu Một, thị xã Bến Cát), vùng 3 (huyện Dầu Tiếng, Bàu Bàng, Phú Giáo, Bắc Tân Uyên) và ngược lại người dân phải tiêm đủ 2 mũi vaccine hoặc F0 khỏi bệnh, hoàn thành cách ly tại nhà 14 ngày.

Đồng thời, người dân phải có phiếu xác nhận âm tính được xác nhận điện tử trên PC-Covid còn hiệu lực trong vòng 72 giờ hoặc phiếu xác nhận do doanh nghiệp, cơ sở, hộ sản xuất, kinh doanh cấp cho người lao động theo mẫu của Sở Y tế ban hành.

Ngoài các điều kiện trên, khi tham gia giao thông, người lao động phải có giấy xác nhận lưu thông. Đối với người lao động làm việc trong các doanh nghiệp, giấy xác nhận lưu thông phải được giám đốc doanh nghiệp xác nhận. Người lao động làm việc trong các cơ sở, hộ sản xuất, kinh doanh, giấy xác nhận phải được địa phương nơi cư trú và chủ cơ sở, hộ sử dụng lao động xác nhận.

Tỉnh Bình Dương yêu cầu UBND xã, phường, thị trấn; giám đốc các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh tổ chức xác nhận giấy lưu thông cho người lao động trong 24 giờ kể từ khi tiếp nhận.