"Thôn, tổ dân phố không phải là một cấp chính quyền"
(Dân trí) - Bộ Nội vụ khẳng định thôn, tổ dân phố là tổ chức tự quản của cộng đồng dân cư, không phải một cấp chính quyền. Bộ này thông tin những điểm mới cơ bản của Nghị định 33/2023 vừa ban hành.
Sáng 10/6, Bộ Nội vụ thông tin những điểm mới cơ bản của Nghị định 33/2023 của Chính phủ quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố.
Thôn, tổ dân phố là tổ chức tự quản của cộng đồng dân cư
Nghị định 33 không còn quy định chức danh công chức Trưởng công an xã, do đã bố trí công an chính quy ở cấp xã.
Trên cơ sở khoán tổng số lượng cán bộ, công chức cấp xã theo quy định hiện hành (phường loại I - II - III tương ứng là 23 - 21 - 19 người; đối với xã và thị trấn loại I - II - III tương ứng là 22 - 20 - 18 người) và khoán tổng số lượng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã theo quy định hiện hành (cấp xã loại I - II - III tương ứng là 14 - 12 - 10 người), Nghị định 33 bổ sung quy định tăng thêm (không khống chế tối đa) số lượng công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã có quy mô dân số, diện tích tự nhiên cao hơn so với tiêu chuẩn quy định tại Nghị quyết 1211/2016 của Quốc hội (sửa đổi, bổ sung tại Nghị quyết 27/2022).
Nghị định 33 cũng quy định việc khoán cho từng địa phương (cấp tỉnh) và phân cấp cho UBND cấp tỉnh trình HĐND cùng cấp quyết định cụ thể số lượng cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã.
Căn cứ tổng số lượng được HĐND cấp tỉnh giao, UBND cấp huyện quyết định số lượng và bố trí cụ thể cho phù hợp với yêu cầu của thực tiễn. Việc này phải bảo đảm không vượt quá tổng số lượng cán bộ ở cấp xã do HĐND cấp tỉnh giao.
Bộ Nội vụ khẳng định thôn, tổ dân phố là tổ chức tự quản của cộng đồng dân cư, không phải là một cấp chính quyền. Vì thế, Nghị định 33 tiếp tục quy định 3 chức danh người hoạt động không chuyên trách gồm Bí thư chi bộ, Trưởng thôn hoặc Tổ trưởng tổ dân phố, Trưởng Ban công tác Mặt trận và những người trực tiếp tham gia hoạt động ở thôn, tổ dân phố.
Phân cấp cho UBND cấp tỉnh trình HĐND cùng cấp quy định cụ thể chức danh, số lượng người trực tiếp tham gia hoạt động ở thôn, tổ dân phố thuộc phạm vi quản lý cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn.
Tăng chế độ phụ cấp
Nghị định mới đã tăng mức khoán quỹ phụ cấp người hoạt động không chuyên trách ở mỗi đơn vị hành chính cấp xã loại I - II - III tương ứng từ 16,0 - 13,7 - 11,4 lần mức lương cơ sở lên 21 - 18 - 15 lần mức lương cơ sở (tăng trung bình từ 1,14 lần mức lương cơ sở/một người lên mức 1,5 lần mức lương cơ sở/người).
Ngoài mức khoán quỹ phụ cấp này, đối với những xã có quy mô dân số, diện tích tự nhiên cao hơn so với tiêu chuẩn được tăng thêm người hoạt động không chuyên trách thì cứ tăng 1 người hoạt động không chuyên trách so với quy định được tăng quỹ phụ cấp khoán 1,5 lần mức lương cơ sở/người tăng thêm.
Tăng mức khoán quỹ phụ cấp từ 3,0 - 5,0 lần mức lương cơ sở đối với mỗi loại thôn, tổ dân phố hiện nay lên mức 4,5 - 6,0 lần mức lương cơ sở.
Trong đó, mức khoán 6,0 lần mức lương cơ sở áp dụng đối với thôn có từ 350 hộ gia đình trở lên; tổ dân phố có từ 500 hộ gia đình trở lên; thôn, tổ dân phố thuộc đơn vị hành chính cấp xã trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền và thôn, tổ dân phố thuộc xã biên giới, hải đảo.
Mức khoán 4,5 lần mức lương cơ sở áp dụng đối với các thôn, tổ dân phố còn lại.
Đối với cấp huyện không tổ chức đơn vị hành chính cấp xã thì thôn, tổ dân phố được xác định theo đơn vị hành chính cấp huyện đó.
UBND cấp tỉnh trình HĐND cùng cấp quy định cụ thể mức phụ cấp đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố và mức chi hỗ trợ đối với những người trực tiếp tham gia.
Việc UBND cấp tỉnh trình HĐND cùng cấp quy định cụ thể mức phụ cấp của từng chức danh người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố không phải xin ý kiến các Bộ, cơ quan trung ương.
Thay thế 4 nghị định và các quy định pháp luật liên quan
Nghị định 33 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/8 tới, thay thế 4 nghị định của Chính phủ và các quy định của pháp luật có liên quan.
Cụ thể gồm: Nghị định số 114/2003 về cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn; Nghị định số 92/2009 về chức danh, số lượng, một số chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã; Nghị định 112/2011 về công chức xã, phường, thị trấn; Nghị định 34/2019 về việc sửa đổi, bổ sung một số quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố.
Các văn bản hướng dẫn thực hiện 4 nghị định nêu trên cũng bị thay thế.