1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

Thiếu thuốc trầm trọng ở các bệnh viện công vì còn "tâm lý sợ sai"

Hoài Thu

(Dân trí) - Chỉ ra hàng loạt nguyên nhân gây nên tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế ở bệnh viện công, Bộ trưởng Y tế thừa nhận trong đó có phần nguyên nhân chủ quan do "tâm lý sợ sai".

Trong báo cáo trả lời kiến nghị cử tri gửi đến sau kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan đã đề cập đến nhiều vấn đề của ngành y, trong đó có tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị y tế ở các bệnh viện công.

Đây cũng là những vấn đề cử tri hai tỉnh Tây Ninh và Thái Bình quan tâm, kiến nghị và mong Bộ Y tế sớm đưa ra giải pháp khắc phục.

Số người đi khám tăng vọt, vượt quá khả năng cung ứng thuốc

Đề cập đến hiện tượng thiếu thuốc, vật tư y tế ở một số cơ sở y tế công lập trong thời gian qua, Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan chỉ ra nguyên nhân khách quan do thời điểm năm 2021, các cơ sở y tế phải tập trung chống dịch, tăng khối lượng công việc do dịch nên việc xây dựng, thực hiện kế hoạch mua sắm, đấu thầu bị ảnh hưởng.

Bên cạnh đó, nguồn cung nguyên liệu, hàng hóa khan hiếm, giá cả biến động tăng trên quy mô toàn cầu khiến việc mua sắm thuốc, vật tư y tế, hóa chất, các sinh phẩm càng trở nên khó khăn hơn.

Sau đại dịch, số lượng người dân đi khám, chữa bệnh tăng vọt, vượt quá khả năng cung ứng thuốc, hóa chất, vật tư y tế của các cơ sở y tế. Trong khi đó, các hợp đồng cung ứng đã thực hiện những năm trước hết hạn phải chờ kế hoạch đấu thầu mới.

Thiếu thuốc trầm trọng ở các bệnh viện công vì còn tâm lý sợ sai - 1

Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan cho rằng tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị y tế ở một số bệnh viện công do cả nguyên nhân khách quan và chủ quan (Ảnh: Phạm Thắng).

Về chủ quan, Bộ Y tế nhận định nguồn cung bị hạn chế do việc cấp phép, gia hạn giấy phép lưu hành chậm. Đặc biệt, còn có tâm lý e ngại, sợ sai trong tổ chức thực hiện mua sắm, thiếu nhân lực có chuyên môn tổ chức đấu thầu; tiến độ thực hiện mua sắm thuốc thuộc danh mục đấu thầu tập trung thuốc quốc gia, đàm phán giá và đấu thầu tập trung cấp địa phương còn chậm; nhiều gói thầu số lượng ít không thu hút nhà cung cấp…

Để giải quyết tình trạng này, Bộ Y tế cho biết đã triển khai nhiều giải pháp, trong đó vấn đề hoàn thiện hành lang pháp lý được ưu tiên với việc ban hành hàng loạt văn bản, nghị định để tháo gỡ khó khăn cho các cơ sở y tế.

"Hiện nay, Bộ Y tế đang tiếp tục phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bảo hiểm xã hội Việt Nam và bộ, ngành, cơ quan liên quan tham mưu Chính phủ những luật, nghị định liên quan để tạo điều kiện thuận lợi cho công tác mua sắm, đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế", theo bà Đào Hồng Lan.

Cắt giảm thủ tục về gia hạn giấy đăng ký lưu hành thuốc

Về công tác chỉ đạo, điều hành, chuyên môn, Bộ trưởng Đào Hồng Lan khẳng định những năm qua, Bộ Y tế đã quyết liệt triển khai nhiều giải pháp nhằm tăng cường xử lý, giải quyết việc đăng ký lưu hành, gia hạn đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc.

Trong đó, Bộ Y tế tập trung đẩy nhanh tiến độ cấp, gia hạn giấy đăng ký lưu hành theo quy định tại Luật Dược; ban hành một số thông tư liên quan đến công tác đăng ký thuốc, đẩy mạnh việc cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, đặc biệt với các quy định về hồ sơ gia hạn giấy đăng ký lưu hành thuốc; đã tổ chức thêm các đơn vị thẩm định độc lập tại các trường đại học y, dược.

Thiếu thuốc trầm trọng ở các bệnh viện công vì còn tâm lý sợ sai - 2

Nhiều trang thiết bị y tế đắt tiền tại Bệnh viện Bạch Mai hiện "đắp chiếu" (Ảnh: Tố Linh).

Bộ cũng ban hành nhiều văn bản chỉ đạo điều hành về đảm bảo cung ứng thuốc, đặc biệt các thuốc hiếm, khó khăn về nguồn cung, giúp cơ sở khám chữa bệnh nắm được thông tin về nguồn cung thuốc, chủ động trong việc xây dựng kế hoạch đảm bảo cung ứng đủ thuốc phục vụ công tác khám, chữa bệnh.

Cũng theo Tư lệnh ngành Y tế, Bộ đã chỉ đạo thực hiện việc điều chỉnh giá thuốc kê khai, kê khai lại đối với các mặt hàng do tăng giá khách quan; phân cấp toàn diện phê duyệt thẩm quyền quyết định mua sắm, kế hoạch lựa chọn nhà thầu mua thuốc cho các cơ sở y tế trực thuộc Bộ.

Song song với đó, Bộ Y tế đẩy nhanh tiến độ thực hiện mua sắm tập thuốc quốc gia, đàm phán giá. Theo Bộ trưởng Y tế, trong năm 2022, Bộ đã tổ chức thành công 3 gói thầu thuốc thuộc danh mục đấu thầu tập trung cấp quốc gia, giảm giá 1.418 tỷ đồng so với giá kế hoạch (giảm gần 18%); đàm phán giá thành công 61/69 mặt hàng thuốc, giảm giá 1.995 tỷ đồng (xấp xỉ 15%).

Ngoài ra, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết đã có những giải pháp nhằm ổn định tư tưởng cho cán bộ, công chức và chuyên gia thẩm định hồ sơ. Bộ Y tế đồng thời đề xuất giải pháp khắc phục tình trạng công chức và chuyên gia thẩm định xin thôi việc hoặc không tham gia thẩm định hồ sơ; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong việc giải quyết hồ sơ trực tuyến.

Để thúc đẩy các nhiệm vụ đề ra, Bộ Y tế thành lập 4 đoàn kiểm tra, khảo sát tình hình cung ứng, sử dụng thuốc, vật tư, trang thiết bị tại các cơ sở y tế, đồng thời có văn bản yêu cầu các Sở Y tế, bệnh viện Trung ương báo cáo về tình hình cung ứng thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế để đánh giá thực trạng này.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm