1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

Thiếu hụt lao động cục bộ trong ngành xây dựng

Ánh Thúy Toàn Thịnh

(Dân trí) - Trong khi nhiều công trình đình đốn, công nhân xây dựng thất nghiệp; thì cũng có không ít nơi tìm "đỏ mắt" không đủ nhân công.

Công nhân xây dựng: Nơi thất nghiệp, nơi thiếu người

Dưới cái nắng chưa bớt gay gắt của Sài Gòn những tháng cuối năm, anh Phạm Văn Bình luôn tay luôn chân cột dây kẽm, cố định khung thép cho một tòa nhà cao tầng. Anh Bình là chỉ huy trưởng công trình của Công ty Xây dựng Thái Bảo Sài Gòn, chuyên thầu gói thi công kết cấu bê tông cốt thép cho các công ty xây dựng lớn. Nhưng nhiều ngày qua, anh phải trực tiếp làm việc như một công nhân, thậm chí tham gia tăng ca, để kịp tiến độ mà chủ đầu tư đặt ra.

Trái ngược với tình trạng nhiều công trình đình đốn, công nhân xây dựng thất nghiệp; đơn vị của anh lại không tìm đủ số lượng nhân sự cần thiết. Hiện Thái Bảo thầu 3 gói thi công cho một đại dự án tại quận 9. Anh Bình bố trí ở mỗi phân khu 60-80 nhân công/ngày; nhưng vẫn còn thiếu đến 30-40 người/phân khu. Nếu khu nào cần tăng tốc để kịp tiến độ, anh sẽ phải "điều quân" từ các khu khác sang hoặc mượn thêm người của nhà thầu bạn.

"Sau đợt Covid-19 hồi năm ngoái, nhiều anh em công nhân về quê rồi không quay lại, nhân lực mới chưa bù đắp được, nên nhân công rất căng thẳng với các nhà thầu phụ. Bên tôi cũng đang cố gắng tìm nhân lực thay mới, vừa làm vừa đào tạo", anh Bình chia sẻ.

Thiếu hụt lao động cục bộ trong ngành xây dựng - 1
Các công nhân của nhà thầu Thái Bảo đang cố định khung thép cho một công trình (Ảnh: Hữu Khoa).

Những biến động của thị trường bất động sản cũng tác động không nhỏ đến cung - cầu lao động ngành xây dựng. Một số nhà thầu không có dự án hoặc không thể duy trì chế độ đãi ngộ như trước, khiến nhiều công nhân lành nghề chuyển sang làm những công việc khác. Anh Đoàn Thành An - Chỉ huy trưởng tại dự án Vinhomes Grand Park của Coteccons - cho biết, tình trạng nhiều dự án tạm dừng thi công, công nhân bị cho nghỉ không rõ thời hạn cũng thúc ép nhiều người bỏ nghề.

Là một trong số ít công ty xây dựng "lội ngược dòng" trong bối cảnh hiện tại, đại diện Coteccons cho biết vừa qua vẫn trúng thầu thêm nhiều dự án, đòi hỏi lực lượng nhân công triển khai rất lớn. Nhưng nhờ nguồn lực "truyền thống" - những nhà thầu phụ đã gắn bó với doanh nghiệp trong nhiều năm liền - nên việc huy động nhân sự tương đối thuận lợi.

Thiếu hụt lao động cục bộ trong ngành xây dựng - 2
Anh Đoàn Thành An - Chỉ huy trưởng dự án Vinhomes Grand Park của Coteccons (thứ 2 từ phải sang) - trao đổi với lực lượng thi công (Ảnh: Hữu Khoa).

Các công trình gắn logo Coteccons trên khắp cả nước đang tập trung hơn 20.000 lao động. Riêng với dự án Vinhomes Grand Park tại quận 9, đơn vị này đang duy trì lực lượng nhân công khoảng 1.200-1.300 người.

"Đa phần lực lượng thi công của Coteccons là những đơn vị chuyên thầu, đã tin tưởng và đi cùng Coteccons từ dự án này qua dự án kia. Do đã làm việc với nhau thời gian dài nên công nhân biết rằng Coteccons luôn đảm bảo thanh toán hay điều kiện an toàn khi làm việc. Họ cũng muốn làm cho Coteccons hơn. Nhưng về lâu dài, sự thiếu hụt lao động trên thị trường chung cũng là một thách thức cho tốc độ phát triển của Coteccons", anh An nói.

Thiếu hụt lao động cục bộ trong ngành xây dựng - 3
Công trường xây dựng dự án Vinhomes Grand Park tại quận 9 (Ảnh: Hữu Khoa).

Theo ông Ngô Xuân Liễu - Giám đốc Trung tâm Quốc gia về Dịch vụ Việc làm (Cục Việc làm, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), lực lượng lao động ngành xây dựng đang thiếu hụt nghiêm trọng, từ công nhân cho đến lao động trình độ cao như kỹ sư. Nhiều công trình lớn dang dở vì thiếu nhân công, kỹ sư ngành xây dựng thì cứ đào tạo ra đến đâu là hết đến đó.

Nguyên nhân, theo ông Liễu, do nhu cầu xây dựng hiện nay rất lớn, từ các dự án dân doanh đến đầu tư công quy mô hàng nghìn tỷ, đòi hỏi nguồn lao động dồi dào. Trong khi, lĩnh vực này có điều kiện làm việc khá vất vả, thậm chí nguy hiểm, không là lựa chọn ưu tiên của thanh niên.

"Nhiều chủ đầu tư, đặc biệt là chủ đầu tư các công trình vừa xây vừa kêu gọi vốn, luôn trong tình trạng thiếu hụt vốn dẫn đến nợ lương công nhân, buộc họ phải chuyển nghề. Nhân lực ngành xây dựng sẽ còn khan hiếm nữa, đặc biệt trong bối cảnh đẩy mạnh đầu tư công từ giao thông vận tải cho đến hạ tầng đô thị", ông Liễu dự báo.

"Tuyển dụng lao động: Ngành khác khó một, xây dựng khó mười"

Nhìn lại thị trường lao động Việt Nam những năm gần đây, đặc biệt là từ khi Covid-19 xuất hiện, ông Phạm Anh Thắng - Phó chánh văn phòng Bộ Lao động Thương Binh và Xã hội, Trưởng đại diện Văn phòng Bộ tại TPHCM - đánh giá, thị trường lao động ngành xây dựng diễn biến rất khác so với các ngành nghề còn lại. Nếu các ngành nghề như chế tạo, dệt may, da giày… chịu ảnh hưởng tiêu cực từ đại dịch; thì nhu cầu lao động xây dựng trong những năm qua tương đối ổn định.

Ông Thắng cho biết, cả nước đang có khoảng 7 triệu lao động làm việc trong lĩnh vực xây dựng, trong khi nhu cầu có thể đạt tới con số 12-13 triệu người vào năm 2030. Không chỉ thiếu về số lượng, chất lượng nhân lực cũng chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Số liệu của Học viện Cán bộ Quản lý Xây dựng và Đô thị (Bộ Xây dựng) cho biết, số lượng lao động có trình độ cao đẳng, trung cấp nghề chỉ chiếm tỷ lệ 11,8%; số thợ bậc cao (bậc 6, 7) chỉ chiếm khoảng 7% nhân lực ngành xây dựng.

Thiếu hụt lao động cục bộ trong ngành xây dựng - 4
Ông Phạm Anh Thắng - Phó chánh văn phòng Bộ Lao động Thương Binh và Xã hội, Trưởng đại diện Văn phòng Bộ tại TPHCM.

Tuy nhiên, ông Thắng cũng nhấn mạnh, sự thiếu hụt công nhân xây dựng hiện tại là thiếu hụt cục bộ. Không phải toàn bộ ngành xây dựng đều thiếu hụt lao động, mà thiếu hụt giữa các công việc khác nhau - tức đã xuất hiện tình trạng thừa thợ này mà thiếu thợ kia.

Để giải quyết bài toán thiếu hụt lao động ngành xây dựng trong tương lai, ông cho rằng, cần những giải pháp đồng bộ từ định hướng chuyển đổi cơ cấu ngành nghề, đào tạo cho đến cải thiện điều kiện làm việc.

Thiếu hụt lao động cục bộ trong ngành xây dựng - 5
Đặc thù ngành xây dựng là điều kiện làm việc khá vất vả, nguy hiểm (Ảnh: Hữu Khoa).

Cụ thể, trong chuyển đổi cơ cấu ngành nghề, các trung tâm giới thiệu việc làm cần quan tâm hơn nữa đến lĩnh vực xây dựng để định hướng tư vấn nghề nghiệp. Các đơn vị đào tạo nên kết hợp doanh nghiệp để nâng cao tay nghề cho công nhân, tăng tỷ lệ lao động xây dựng qua đào tạo. Còn doanh nghiệp đóng vai trò then chốt trong việc cải thiện điều kiện làm việc và đảm bảo đời sống, an sinh xã hội cho người lao động.

"Công nhân may mặc hay da giày làm việc trong nhà máy, xí nghiệp - nắng không tới mặt, mưa không tới đầu. Còn công nhân xây dựng thì làm việc ngoài trời, trong điều kiện nguy hiểm như trên cao hoặc dưới tầng hầm. Các doanh nghiệp phải có chính sách làm sao để lao động thấy rằng, ngành nghề này tuy vất vả nhưng mà đãi ngộ tốt và họ được đảm bảo an toàn. Có như vậy thì mới thu hút và giữ nhân công được. Tôi nhấn mạnh, trong thu hút nhân lực, ngành khác khó một thì xây dựng khó mười", ông kết luận.

Dòng sự kiện: Xây Tết cùng Coteccons

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm