Thiếu đường ống dẫn nước sạch, hàng nghìn hộ dân chịu "cơn khát" mùa khô
(Dân trí) - Nhà máy nước sạch 35 tỷ đồng ở xã Bình Nghi (huyện Tây Sơn, Bình Định) vận hành tháng 9/2023, đến nay hàng nghìn hộ dân vẫn khát nước. Hiện địa phương bổ sung thêm 5,5 tỷ đồng để cấp nước cho dân.
Theo tìm hiểu, công trình cấp nước sinh hoạt tại xã Bình Nghi do UBND huyện Tây Sơn (Bình Định) làm chủ đầu tư với tổng vốn 35 tỷ đồng, thời gian thực hiện 2017-2021.
Công trình có trạm xử lý nước công suất 2.500 m3/ngày đêm, cung cấp nước sạch cho hơn chục nghìn hộ dân. Tháng 9/2023, công trình bắt đầu được đưa vào sử dụng nhưng đến nay mới cấp nước được cho vài trăm hộ dọc 2 bên tuyến đường chính.
Bởi vậy, hàng nghìn hộ dân xã Bình Nghi vẫn từng ngày mòn mỏi chờ nước sạch. Trong khi đó, mùa khô đang cận kề, các giếng đào, giếng khoan sẽ cạn nước nếu nắng hạn kéo dài.
Nhiều năm qua, gia đình bà Nguyễn Thị Đông (63 tuổi, thôn Thủ Thiện Thượng, xã Bình Nghi, Tây Sơn) phải chi ít nhất 300.000 đồng mua nước sạch đóng bình để uống vì nước giếng khoan nhiễm phèn.
"Bây giờ ung thư nhiều quá, ai cũng sợ nên phải mua nước sạch đóng bình về uống. Nhà tôi chỉ 3 người nhưng 3-4 ngày uống hết một bình (10.000 đồng/bình 20 lít), mùa nắng 2 ngày hết một bình", bà Đông nói.
Gia đình bà Đông ở cách nhà máy nước sạch chỉ 300m, là một trong những hộ đăng ký sử dụng nước sạch từ rất sớm, nhưng đến nay không hiểu vì sao nhà máy chưa cấp nước.
Ông Nguyễn Ngọc Như (79 tuổi, thôn Thủ Thiện Thượng) cho hay người dân ở đây rất mong có nước sạch để dùng nhưng đợi mãi chưa có. Nhiều hộ chờ lâu quá phải bỏ tiền 25-30 triệu đồng đóng giếng khoan để giải quyết cơn "khát nước".
Còn gia đình anh Nguyễn Văn Phúc (ở xóm 7, thôn 2, xã Bình Nghi), nhà cách đường trục chính khoảng 700m nên không có khả năng tự bỏ tiền lắp đường ống dẫn nước vào nhà.
"Để lắp đường ống dẫn từ đường chính vào nhà phải mất vài chục triệu đồng thì người dân không có khả năng. Hiện tại chúng tôi vẫn phải dùng nước giếng khoan, nếu nắng hạn giếng cạn thì đi mua nước sử dụng", anh Phúc nói.
Theo ông Đặng Văn Mười, Trưởng thôn Thủ Thiện Thượng, bức bách của người dân địa phương là đường ống dẫn nước mới lắp ở các tuyến đường chính, còn các ngã rẽ vào xóm chưa có. Người dân muốn sử dụng nước sạch phải bỏ số tiền lớn nên nhiều hộ không có khả năng.
"Làm sao phải như cấp điện, nhà nước lo chi phí trước đồng hồ, còn sau đồng hồ nhà dân chịu. Hiện nay, người dân muốn sử dụng nước sạch phải mua đồng hồ, chi phí lắp đường ống từ đường chính vào. Rất mong nhà nước tính toán có phương án hỗ trợ người dân", ông Mười nói.
Cũng theo ông Mười, đến mùa khô hạn kéo dài, các xóm phía tây của xã như thôn Lai Nghi, thôn 2, nhiều hộ ở thôn 1 và thôn 3 sẽ thiếu nước nghiêm trọng.
Ông Phan Chí Hùng, Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn (Bình Định), chia sẻ vấn đề chậm cấp nước sạch ở xã Bình Nghi cũng là vấn đề khó khăn của địa phương. Bởi trước đây, hệ thống nhà máy nước cũ chỉ làm đường ống lớn tại một số tuyến chính.
Năm 2023, huyện đã bố trí kinh phí để mở mạng, đến nay đã cấp được vài trăm hộ, tập trung ở khu đông dân cư trước. Hiện tại huyện đang hoàn tất thủ tục phê duyệt bố trí thêm 5,5 tỷ đồng, lắp đặt tuyến ống nhánh để cấp nước sạch cho người dân.
"Huyện đang lập hồ sơ phê duyệt, sau đó tổ chức mời thầu, đấu thầu mất khoảng 30 ngày, có kết quả sẽ triển khai ngay. Thuận lợi bây giờ là mở tuyến ống tới đâu, cấp nước cho bà con tới đó. Chúng tôi cố gắng mùa nắng này sẽ giải quyết cơ bản cho người dân", ông Hùng nói.