1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

“Thiếu cơ chế bảo vệ, người tố cáo cảm thấy đơn độc và bị cô lập”

(Dân trí) - Đó là nhận định của PGS.TS Vũ Công Giao (Viện Chính sách công và Pháp luật) tại hội thảo “Bước đầu tiếp cận kết quả 10 năm thực hiện Luật Phòng chống tham nhũng qua một số lĩnh vực” do Viện Chính sách công và Pháp luật phối hợp với Tổ chức Hướng tới Minh bạch tổ chức sáng nay 28/6 tại Hà Nội.

Nhiều ý kiến tại hội thảo cho rằng người dân ngại tố cáo tham nhũng vì cho rằng chẳng thay đổi được gì”, sợ gánh chịu hậu quả” và “sợ bị trả thù” (Ảnh: T.K)
Nhiều ý kiến tại hội thảo cho rằng người dân ngại tố cáo tham nhũng vì cho rằng "chẳng thay đổi được gì”, "sợ gánh chịu hậu quả” và “sợ bị trả thù” (Ảnh: T.K)

TS Nguyễn Văn Thịnh - Cục Pháp chế và Cải cách hành chính tư pháp (Bộ Công an) khẳng định, không thể khuyến khích được quần chúng nhân dân tích cực tham gia giải quyết vụ án hình sự khi chưa có cơ chế bảo vệ người tố cáo trước các hành vi xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của họ.

“Các quy định của pháp luật hiện hành chưa quy định cụ thể về từng biện pháp bảo vệ, trình tự, thủ tục, thẩm quyền quyết định, lực lượng tiến hành bảo vệ, kinh phí để bảo vệ người tố giác, cũng như quy định trong những trường hợp cụ thể nào thì người tố giác và nhân thân của họ được bảo vệ”- ông Thịnh đánh giá.

Điều này đã khiến trong rất nhiều trường hợp người tố cáo không dám hợp tác với các cơ quan tiến hành tố tụng để phát hiện, điều tra, xử lý các vụ án hình sự đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.

Chính vì thế, ông Thịnh cho rằng cần phải có một chương trình bảo vệ người tố giác tội phạm; ở Trung ương đặt dưới sự lãnh đạo của Bộ Công an và có sự tham gia của đại diện VKSND Tối cao, TAND Tối cao, còn ở địa phương đặt dưới sự lãnh đạo của công an tỉnh và có sự tham gia của đại diện VKSND, TAND cùng cấp.

Chương trình bảo vệ sẽ được tiến hành khi có thông tin xác thực về nguy cơ tấn công hoặc xâm hại của tội phạm, đồng bọn, hoặc thân nhân của chúng đối với người tố giác, người làm chứng, bị hại và những người tham gia tố tụng khác. Trường hợp cấp bách cần ngăn chặn ngay sự nguy hiểm của tội phạm đe dọa đến tính mạng, sức khỏe của người được bảo vệ thì Ban chỉ đạo phải áp dụng ngay biện pháp khẩn cấp, cử ngay lực lượng bảo vệ đến nhà ở, nơi làm việc của người được bảo vệ hoặc tạm thời đưa họ đến nơi an toàn.

Đồng quan điểm, PGS.TS Vũ Công Giao (Viện Chính sách công và Pháp luật) dẫn chứng Báo cáo số 180/2015 của Cục Chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ) cho thấy, kể từ khi có Luật Tố cáo 2011 đến tháng 3/2015, các cơ quan có thẩm quyền đã tiếp nhận gần 700 yêu cầu bảo vệ người tố cáo, trong đó có 99 yêu cầu bảo vệ trong các vụ việc tham nhũng. Tuy nhiên chỉ có khoảng 1/3 số yêu cầu (32%) được tiến hành, trong đó chỉ có 21 trường hợp liên quan đến tố cáo tham nhũng.

Trong khảo sát Phong vũ biểu tham nhũng toàn cầu năm 2013 về quan điểm và trải nghiệm của người dân Việt Nam đối với tham nhũng cũng chỉ có 38% số người được hỏi sẵn sàng tố cáo tham nhũng. Lý do phổ biến khiến người dân e ngại tố cáo tham nhũng là “chẳng thay đổi được gì” (51%), và “sợ gánh chịu hậu quả” (28%). Ngoài ra, khảo sát của Thanh tra Chính phủ và Ngân hàng Thế giới gần đây cũng đưa ra con số 62% số người được hỏi trả lời lý do khiến họ không tố cáo tham nhũng là “sợ bị trả thù”.

Bà Khuất Thị Định và bà Hoàng Thị Nguyệt nghẹn ngào sau khi được nhận giấy khen vì thành tích tố cáo sai phạm ở Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức, Hà Nội (Ảnh: Hồng Hải).
Bà Khuất Thị Định và bà Hoàng Thị Nguyệt nghẹn ngào sau khi được nhận giấy khen vì thành tích tố cáo sai phạm ở Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức, Hà Nội (Ảnh: Hồng Hải).

“Đa số các trường hợp tố cáo trong thực tế được phản ánh trên báo chí cũng cho thấy người tố cáo thường là những người có chức vụ, quyền hạn hay thế lực trong xã hội, và người tố cáo ở vị trí yếu thế hơn. Điều này dẫn đến nguy cơ người tố cáo bị trù dập, trả thù. Trong khi đó việc thiếu cơ chế bảo vệ càng khiến người tố cáo cảm thấy đơn độc và bị cô lập”- ông Giao nhận xét.

Theo ông Giao, Luật Tố cáo 2011 quy định UBND các cấp có trách nhiệm bảo vệ người tố cáo đối với trường hợp bảo vệ người tố cáo tại nơi cư trú nhưng trong trường hợp bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người tố cáo thì Luật lại không quy định trách nhiệm chính thuộc về cơ quan nào mà chỉ quy định trách nhiệm phối hợp với cơ quan công an và các cơ quan khác có thẩm quyền.

Đến Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (sửa đổi) lại tiếp tục không có quy định cụ thể về cơ quan có trách nhiệm bảo vệ người tố cáo mà chỉ quy định về cơ quan có thẩm quyền quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ đối với người được bảo vệ (người tố giác tội phạm, người làm chứng, bị hại và người tham gia tố tụng khác) là cơ quan điều tra của Công an nhân dân và cơ quan điều tra trong Quân đội nhân dân. Ngoài ra, VKSND và TAND có thể đề nghị cơ quan điều tra trực tiếp thụ lý vụ án hình sự ra quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ khi cần thiết.

Trong khi đó, Luật Phòng chống tham nhũng tuy là văn bản luật chuyên ngành nhưng chỉ quy định trách nhiệm của các cơ quan, người có thẩm quyền trong việc bảo vệ người tố cáo tham nhũng một cách chung chung.

“Các quy định của pháp luật hiện hành đang có quá nhiều cơ quan có trách nhiệm trong việc bảo vệ người tố cáo, trong khi thẩm quyền của các cơ quan này còn hạn chế và chồng chéo, không có cơ quan chuyên biệt bảo vệ người tố cáo nói chung và người tố cáo tham nhũng nói riêng”- ông Giao nhận định.

Để tố cáo thực sự là công cụ phát hiện tham nhũng hữu hiệu và khuyến khích người dân tham gia phòng chống tham nhũng, ông Giao khuyến nghị việc thành lập một cơ quan chuyên trách bảo vệ người tố cáo tham nhũng với cơ cấu hợp lý. “Căn cứ trên tình hình thực tế Việt Nam, pháp luật có thể giao chức năng chủ trì, điều phối và chuyên trách bảo vệ người tố cáo cho các cơ quan công an, cụ thể là cho lực lượng cảnh sát”- ông nói.

Thế Kha