1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Đắk Nông:

Thiếu ăn nhiều ngày, thanh niên vẫn quyết chia nửa tiền cho người khó khăn

Đặng Dương

(Dân trí) - Trên đường đạp xe về quê, dù bụng đói cồn cào, nhưng khi được hỗ trợ 200.000 đồng, Phúc chỉ xin giữ một nửa, số còn lại nam thanh niên nhờ lực lượng chức năng gửi đến những người khó khăn hơn mình.

Anh Đỗ Văn Trung, Phó Bí thư Đoàn xã Đắk Ru (huyện Đắk R'lấp, tỉnh Đắk Nông) đã ghi lại câu chuyện về một nam thanh niên đi xe đạp từ TPHCM về Đắk Lắk (quãng đường khoảng 400 km) khi đi qua tỉnh Đắk Nông.

Thiếu ăn nhiều ngày, thanh niên vẫn quyết chia nửa tiền cho người khó khăn

Đó là anh Trương Ngọc Phúc (sinh năm 2001, trú huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk), một mình đi xe đạp từ Quận 7, TPHCM để trở về nhà. Dù thiếu ăn nhiều ngày, thế nhưng khi được tặng 200.000 đồng, Phúc chỉ xin nhận một nửa, một nửa còn lại nhường cho người khác.

Theo anh Trung, thời điểm Phúc đến chốt kiểm soát dịch là chiều muộn ngày 30/7, khi trời đổ mưa lớn, người đã ướt sũng. Do đã chịu đói từ tối hôm trước nên Phúc được thanh niên tình nguyện phát cho một suất ăn cùng với nước uống.

Thiếu ăn nhiều ngày, thanh niên vẫn quyết chia nửa tiền cho người khó khăn - 1

Trương Ngọc Phúc (bên trái) cương quyết xin chỉ nhận một nửa số tiền được giúp trên đường đi từ TPHCM về nhà.

Sau khi được ăn uống xong, Phúc cho biết, nhà ở huyện Krông Năng, Đắk Lắk. Học xong lớp 11, vì gia đình khó khăn quá, nam thanh niên đi học nghề thợ điện, sau đó vào TPHCM để làm việc. Gần một tháng thành phố thực hiện Chỉ thị 16, nam thanh chỉ ở quanh quẩn trong nhà trọ và ăn cơm với mì tôm cho đến khi không còn tiền trong túi.

Sáng 29/7, sau khi test nhanh có kết quả âm tính với SARS-CoV-2, Phúc đã tự đi xe đạp từ TPHCM về tỉnh Đắk Lắk. Hành trang chỉ có một chiếc xe đạp cùng mấy bộ quần áo, một chai nước uống và giấy tờ tùy thân.

Tối 29/7, do không có chỗ nghỉ nên Phúc tìm một quán hàng bỏ trống tại tỉnh Bình Phước nằm ngủ. Đến mờ sáng 30/7, Phúc tiếp tục hành trình về quê nhà. Sau hơn 13 giờ thì đạp xe đến địa bàn tỉnh Đắk Nông.

Thiếu ăn nhiều ngày, thanh niên vẫn quyết chia nửa tiền cho người khó khăn - 2
Phúc cho biết, số tiền còn lại muốn dành cho những người khó khăn hơn.

"Sau khi nghe Phúc trình bày hoàn cảnh, lực lượng thanh niên tình nguyện còn tặng Phúc 200.000 đồng để làm lộ phí. Tuy nhiên, Phúc cương quyết xin chỉ nhận 100.000 đồng, số tiền còn lại, Phúc nhờ chúng tôi chia sẻ với người cùng cảnh ngộ", anh Đỗ Văn Trung, Phó Bí thư Đoàn Thanh niên xã Đắk Ru nói.

Trao đổi thêm với Phúc, nam thanh niên tâm sự, gia đình rất khó khăn, bố bị bệnh còn mẹ thì tuổi đã cao. Do vậy, học xong lớp 11, Phúc đi học nghề thợ điện, kiếm tiền lo cho gia đình.

Ở TPHCM làm thuê, thời gian đầu công việc thuận tiện, tháng nào Phúc cũng gửi tiền về giúp đỡ bố mẹ. Tuy nhiên, vài tháng trở lại đây, việc làm gián đoạn, thậm chí không có việc, tiền tiết kiệm cạn dần nên Phúc quyết định về quê.

Thiếu ăn nhiều ngày, thanh niên vẫn quyết chia nửa tiền cho người khó khăn - 3
Anh Trần Văn Khánh bật khóc khi nhận được sự trợ giúp từ người dân Đắk Nông.

Trước đó, anh Trần Văn Khánh (SN 1987, ở thị trấn Thứ 11, huyện An Minh, tỉnh Kiên Giang)  đi bộ ròng rã 16 ngày từ Đắk Lắk để về tỉnh Bình Phước. Do không có tiền nên đi đường ai cho ăn gì thì ăn nấy, ngủ vật vã ở nhà dân ven đường.

Đến ngày 24/7, khi đến thị trấn Kiến Đức (huyện Đắk R'lấp), người dân địa phương đã kêu gọi và quyên góp được hơn 7 triệu đồng hỗ trợ anh Khánh. Tuy nhiên, người đàn ông khắc khổ đã từ chối nhận tiền, chỉ xin được lên xe và ít lộ phí để ăn dọc đường.