Thiên tai ngày càng khốc liệt và dị thường
(Dân trí) - Ngày 26/7 tại TP Cần Thơ, Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai phối hợp với UBND thành phố cần Thơ và các tỉnh, thành khu vực phía Nam tổ chức hội nghị phòng chống thiên tai khu vực phía Nam năm 2018.
Phát biểu tại hội nghị, ông Trương Quang Hoài Nam – Phó chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho biết: “Nếu như cả năm ngoái địa phương chỉ xảy ra 2 trận lốc xoáy, thì chỉ 7 tháng đầu năm nay tại Cần Thơ đã xảy ra 20 đợt lốc xoáy, gấp 10 lần cả năm 2017.
Trong các trận lốc xoáy đã làm sập 30 căn nhà, tốc mái 156 căn. Ngoài ra, trên địa bàn cũng đã xuất hiện 16 điểm sạt lở, làm sạt lở hoàn toàn 10 nhà và sạt 1 phần của 43 căn nhà, chính vì vậy chúng ta cần có những giải pháp để ứng phó hiệu quả hơn”, ông Nam đề nghị.
Đại diện Tổng cục Phòng chống thiên tai cho biết: Thiên tai diễn biến rất khốc liệt, dị thường cả về cường độ lẫn tần suất gây thiệt hại lớn về người và tài sản, đặc biệt là hạn hán tại ĐBSCL cuối năm 2015 và đầu năm 2016. Năm 2017, bão lụt cả nước làm 386 người chết và mất tích, thiệt hại về kinh tế hơn 60 ngàn tỷ đồng cao gấp 2-3 lần so với các năm trước.
Cụ thể, các trận thiên tai (bao gồm mưa lũ, bão, sạt lở...) xảy ra trong năm ngoái đã làm 8.166 nhà bị cuốn trôi; 610.000 nhà ngập, hư hỏng buộc phải di dời; 364.000 ha lúa, hoa màu bị thiệt hại; 60.400 ha nuôi thủy sản và 76.500 lồng bè bị thiệt hại. Thiên tai cũng làm 386 người chết và mất tích.
Đáng nói hơn, cường độ các trận thiên tai ngày càng khốc liệt hơn và diễn ra ở cả những nơi vốn ít hay bị ảnh hưởng. Chẳng hạn, cơn bão số 12 năm ngoái đã đổ bộ vào tỉnh Khánh Hòa - nơi 20 năm qua chưa có bão - làm 123 người chết và mất tích, 3.550 nhà đổ sập, 134.000 nhà bị tốc mái và 70.900 lồng bè nuôi thủy sản bị hư hại. Tổng thiệt hại lên đến 22.680 tỉ đồng.
Năm 2018, đến thời điểm hiện tại các trận thiên tai tiếp tục làm 109 người chết và mất tích; 483 nhà bị cuốn trôi; 18.568 nhà bị ngập, hư hỏng phải di dời; 90.819 ha lúa, hoa màu bị thiệt hại. Tổng chi phí thiệt hại được ghi nhận từ đầu năm 2018 đến nay là 2.500 tỉ đồng.
Tại Hội nghị, các đại biểu cũng cho rằng để phòng chống thiên tai một cách hiệu quả trong những tháng cuối năm 2018, Tổng Cục Phòng, chống thiên tai cùng các tỉnh, thành phía Nam tập trung rà soát phương án ứng phó với các cấp độ rủi ro thiên tai; phương án ứng phó với bão mạnh, siêu bão; lập phương án kiểm soát tàu thuyền hoạt động trên biển, vùng cửa sông ven biển, đặc biệt là tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long; đầu tư nâng cấp, bổ sung khu neo đậu tàu thuyền...
Bên cạnh đó, cũng sẽ lập phương án sơ tán dân, nhất là khu vực cửa sông, ven biển; trong đó, lập kế hoạch chi tiết sơ tán cụ thể, đầu tư nhà cộng đồng kết hợp sơ tán dân gắn với sử dụng thường xuyên để bảo đảm hiệu quả; tập trung hướng dẫn người dân xây dựng nhà chống bão, chằng chống nhà cửa; lập phương án hỗ trợ người dân thu hoạch, tiêu thụ sản phẩm nhất là thuỷ, hải sản..
Hoàng Tùng