TPHCM:
Thi tuyển thiết kế cho nhà hát giao hưởng Thủ Thiêm 1.500 tỷ đồng
(Dân trí) - Để xây nhà hát giao hưởng 1.500 tỷ đồng tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm, TPHCM sẽ mời 10 đơn vị tư vấn thiết kế nước ngoài có đủ năng lực, uy tín tham gia thi chọn thiết kế.
Theo tờ trình vừa được Sở Quy hoạch và Kiến trúc gửi UBND TPHCM, việc thi tuyển phương án kiến trúc Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch (Khu đô thị mới Thủ Thiêm, quận 2) sẽ được tổ chức từ tháng 7 đến tháng 11 với hình thức thi tuyển quốc tế, kinh phí gần 3,8 tỷ đồng. Đơn vị dự thi đạt giải nhất sẽ nhận phần thưởng 1,2 tỷ đồng.
Hội đồng thi tuyển có đại diện Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Hội Kiến trúc sư TPHCM, ĐH Kiến trúc, Ban Đô thị HĐND thành phố, Sở Xây dựng, Sở Văn hóa - Thể thao...
Sau khi tổ chức thi, chủ đầu tư là Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp (Sở Văn hoá và Thể thao) sẽ trình kết quả để UBND thành phố xem xét phê duyệt.
Dự án ấp ủ 20 năm
Tại kỳ họp lần thứ 10 (kỳ họp bất thường) diễn ra ngày 8/10/2018, HĐND TPHCM đã quyết định thông qua chủ trương đầu tư xây dựng Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2), với tổng mức đầu tư 1.508 tỷ đồng.
Nhà hát này được xây dựng với quy mô 1.700 chỗ, có 2 khán phòng gồm khán phòng lớn 1.200 chỗ và khán phòng nhỏ 500 chỗ. Dự kiến, thời gian thực hiện từ năm 2018-2022. Chủ đầu tư dự án là Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình thuộc Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM.
Trao đổi với PV Dân trí sau kỳ họp, Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm cho biết, việc thành phố chậm triển khai xây dựng Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch là vì chọn địa điểm lý tưởng nhất và đã trải qua quá trình lấy ý kiến, phản biện. Trước đây, thành phố chọn công viên 23/9. Nhà hát được xây dựng trên khuôn viên hẹp chỉ 1,2ha, phòng công năng sẽ âm dưới đất và phần kiến trúc mỹ thuật ở bên trên.
“Nhưng sau đó lấy ý kiến chuyên gia, nhà khoa học, người dân… thì họ không đồng ý. Trung tâm thành phố đã quá chật rồi. Nếu nhà hát mọc lên ở trung tâm thì không đủ không gian để lan tỏa nét đẹp độc đáo của công trình kiến trúc, xung quanh là đường giao thông cũng ảnh hưởng đến chất lượng công trình”, bà Quyết Tâm nói.
Cũng theo Chủ tịch HĐND TPHCM, quyết định vấn đề có nhiều ý kiến từ dư luận xã hội như xây dựng nhà hát tại Thủ Thiêm thì phải lắng nghe, cân nhắc. “Nhưng nếu không đủ bản lĩnh thông qua thì mãi mãi không làm được cái gì lớn”, bà Tâm nói.
Chủ tịch HĐND TPHCM cho rằng nếu có nhanh thì cũng phải năm 2020 mới triển khai được dự án vì phải thi thiết kế, lấy ý kiến nhân dân, chuyên gia… rồi mới đấu thầu xây dựng.
“Với dự án tầm cỡ như vậy thì phải có thời gian để chuẩn bị. Nếu bây giờ mình không làm thì bao giờ mới làm. Tiền càng để lâu càng mất giá”, bà Quyết Tâm nhấn mạnh.
Nhà hát giao hưởng nhạc vũ kịch TP được thành lập từ năm 1993. Đến năm 1999, TPHCM có ý định xây tại khu đất 23 Lê Duẩn (trụ sở Công ty Xổ số kiến thiết TPHCM).
Đến năm 2005, UBND TPHCM quyết định thu hồi và bàn giao khu đất 23 Lê Duẩn để bố trí sử dụng làm nhà hát. Tuy nhiên, việc xây dựng nhà hát tại khu vực này được đánh giá là không phù hợp. Do đó, dự án xây dựng nhà hát bị ngưng trệ. Riêng khu đất 23 Lê Duẩn sau này bán đấu giá được hơn 1.400 tỷ đồng.
Đến năm 2012, chính quyền thành phố khởi động lại dự án nhà hát và chọn địa điểm là công viên 23/9. Tuy nhiên, sau nhiều cuộc hội thảo, tổ chức lấy kiến chuyên gia…, dự án xây dựng nhà hát tại công viên bị phản đối.
Trả lời ý kiến của đại biểu HĐND TPHCM tại kỳ họp năm 2016, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho biết, mấy mươi năm sau giải phóng thành phố chưa đầu tư được nhiều công trình văn hóa. Ông khẳng định quyết tâm xây dựng nhà hát trong nhiệm kỳ này.
Đến tháng 8/2017, UBND TPHCM quyết định chọn khu vực Thủ Thiêm (quận 2) là địa điểm xây nhà hát. Cuối tháng 9/2018, UBND TPHCM chính thức có tờ trình gửi HĐND TPHCM xin thông qua chủ trương đầu tư.
Quốc Anh