Thi hành án "tiền hậu bất nhất": Long An báo cáo Văn phòng Chính phủ

(Dân trí) - Liên quan đến vụ việc thi hành án tỉnh Long An “tiền hậu bất nhất” khiến doanh nghiệp lao đao, UBND tỉnh Long An mới đây đã có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ thông báo về nội dung cuộc họp giải quyết đơn của Công ty cổ phần địa ốc Hồng Phát và Công ty China Policy Limited (CPL).

Cuộc họp do Chủ tịch UBND tỉnh Long An chủ trì, với sự tham dự của lãnh đạo Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tổng cục Thi hành án dân sự (Bộ Tư pháp), đại diện Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan tỉnh Long An.

Kết luận cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Long An đề nghị hai công ty tiếp tục thoả thuận thực hiện phán quyết trọng tài; trong trường hợp hai công ty không thể thoả thuận để thành lập công ty liên doanh thì UBND tỉnh Long An sẽ có báo cáo Phó Thủ tướng Thường trực để xin ý kiến chỉ đạo.

Về việc Công ty CPL đề nghị được tách diện tích 130 ha đất gây ồn ào thời gian qua, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Long An nhấn mạnh “chưa đủ điều kiện theo quy định của pháp luật”.

Về mặt pháp lý thì chủ đầu tư dự án là Công ty Hồng Phát. Nếu hai bên thoả thuận đồng ý với đề nghị của Công ty CPL thì UBND tỉnh Long An sẽ ủng hộ, trên cơ sở quy định của pháp luật sẽ xem xét.

Thi hành án tiền hậu bất nhất: Long An báo cáo Văn phòng Chính phủ - 1

Dự án khu dân cư cao cấp và trường đua ngựa tại huyện Đức Hòa, Long An gây ồn ào dư luận suốt nhiều năm qua (Ảnh: Lao Động).

“Về đề nghị của CPL dùng biện pháp hành chính để yêu cầu Công ty Hồng Phát dừng triển khai thực hiện dự án là không có căn cứ pháp lý và hiện nay UBND tỉnh đang yêu cầu Hồng Phát đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án theo quy định của pháp luật. Nếu trong quá trình triển khai thực hiện dự án Hồng Phát có vi phạm thì UBND tỉnh sẽ xử lý theo quy định của pháp luật về đầu tư”- địa phương này báo cáo Văn phòng Chính phủ.

Công ty cổ phần địa ốc Hồng Phát được UBND tỉnh Long An giao làm chủ đầu tư, thực hiện Dự án khu dân cư cao cấp và trường đua ngựa tại huyện Đức Hòa. Năm 2007, công ty này ký “Thoả thuận khung” với Công ty China Policy Limited (CPL) và dự định ký kết hợp đồng thành lập Công ty liên doanh để thực hiện dự án. Trong đó, Công ty Hồng Phát góp vốn 30% bằng giá trị quyền sử dụng đất, Công ty CPL góp 70% vốn bằng tiền mặt.

Quá trình hợp tác xảy ra tranh chấp, Công ty CPL khởi kiện đến Hội đồng trọng tài thuộc Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC). Ngày 25/4/2013, VIAC ra phán quyết trọng tài yêu cầu hai bên tiếp tục thực hiện thoả thuận khung và sẽ thành lập “Công ty liên doanh”.

Tuy nhiên do quá trình thi hành án “tiền hậu bất nhất” sau đó đã khiến vụ việc rơi vào tình cảnh khiếu tố kéo dài. Đặc biệt là việc Cục Thi hành án dân sự tỉnh Long An ban hành Quyết định số 07/QĐ-CTHADS ngày 18/12/2018 tạm dừng việc đăng ký, chuyển dịch, thay đổi hiện trạng tài sản với 13 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên Công ty Hồng Phát đang bị khiếu kiện, buộc Bộ Tư pháp phải vào cuộc giải quyết.

Trong văn bản trả lời đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng- Phó Trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội xung quanh việc này, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh cho rằng, theo quy định của Luật Đầu tư và pháp luật khác có liên quan, việc thành lập công ty liên doanh phải do ý chí tự nguyện của các bên đương sự; cơ quan, tổ chức, cá nhân khác, kể cả cơ quan thi hành án dân sự không thể thực hiện thay.

Hiện nay Bộ Tư pháp đang phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan kiểm tra xác minh xem xét, giải quyết việc kê biên 13 giấy chứng nhận nêu trên; đồng thời chỉ đạo Tổng cục Thi hành án dân sự theo dõi và chỉ đạo Cục Thi hành án dân sự tỉnh Long An tiếp tục phối hợp với UBND tỉnh Long An vận động các bên thực hiện phán quyết trọng tài theo đúng quy định pháp luật.

Thế Kha