1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

“Thi đua nhằm đạt tới sự giải phóng năng lực sáng tạo”

(Dân trí) - Khái quát 2 gương điển hình ở lĩnh vực năng lượng - thực phẩm cho công nghiệp và sản xuất giống lúa - lương thực cho con người, Tổng bí thư Nông Đức Mạnh nhấn mạnh, làm sao để việc thi đua đạt đến sự giải phóng con người, giải phóng năng lực sáng tạo…

Phong trào thi đua khơi dậy sức mạnh, nội lực

Khai mạc Đại hội Thi đua yêu nước lần thứ 8, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng - Chủ tịch Hội đồng Thi đua khen thưởng TƯ khẳng định, kết quả của các phong trào thi đua và công tác khen thưởng 5 năm qua đã góp phần tích cực vào việc thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Việt Nam đã ứng phó có kết quả với những diễn biến phức tạp của khủng hoảng kinh tế thế giới, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô để đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế.
 
“Thi đua nhằm đạt tới sự giải phóng năng lực sáng tạo” - 1
Toàn cảnh phiên khai mạc Đại hội Thi đua yêu nước VIII (ảnh: Chinhphu.vn).

Ông Dũng nhấn mạnh, việc biểu dương tôn vinh những tập thể, cá nhân anh hùng, chiến sĩ thi đua, những tấm gương điển hình tiên tiến giúp khơi dậy, cổ vũ sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân, phát huy nội lực, tranh thủ thời cơ, vượt qua khó khăn, thách thức, giữ vững ổn định chính trị, xã hội đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới.

Đại biểu đầu tiên vinh dự báo cáo trong buổi khai mạc, ông Nguyễn Hữu Tuyến - Tổng giám đốc Vietsovpetro khái quát, những thành tựu to lớn ngành dầu khí đạt được đến giờ là kết quả những phong trào thi đua lao động, sáng tạo phát động tại đơn vị.

Trong phong trào thi đua yêu nước, trong thời gian ngắn kỷ lục các chuyên gia Liên Xô và Việt Nam đã khai thác được dòng dầu đầu tiên từ tầng đá móng nứt nẻ của mỏ Bạch Hổ năm 1986, khi nhiều “đại gia” dầu khí thế giới đã “bó tay”. Đến nay, Việt Nam vẫn đứng đầu thế giới về kỹ thuật khai mỏ này.

Từ phong trào “thi đua giữa người Việt và người Nga” trong liên doanh, đội ngũ cán bộ Việt Nam đã nhanh chóng trưởng thành. Từ một “giàn khoan tự lực” do toàn bộ người Việt Nam đảm nhiệm đầu tiên năm 1989, đến 1994, các chức danh cấp trưởng từ Tổng giám đốc đến các trưởng phòng, giám đốc đơn vị, các giàn trưởng giàn khoan, giàn khai thác, xưởng trưởng, đội trưởng …. đã được chuyển giao cho cán bộ Việt Nam. Kể từ đây, người Việt Nam đã chính thức làm chủ hoàn toàn Ngành công nghiệp dầu khí của mình.
 
“Thi đua nhằm đạt tới sự giải phóng năng lực sáng tạo” - 2
Những đại biểu là người khuyết tật trong "rừng" gương điển hình (ảnh: Quang Phong).

Còn từ phong trào thi đua lao động sáng tạo, nhiều sáng chế, cải tiến kỹ thuật đã được khơi nguồn, giải quyết được những khó khăn tưởng chừng “cụt đường” trong quá trình sản xuất. Mỗi giàn khoan có 16 giếng dầu khai thác nhưng chỉ sau một thời gian hoạt động, nhiều giếng dầu đã giảm, kiệt dầu. Cần chèn thêm 7-8 giếng khoan ở mỗi giàn để thay thế nhưng nguy cơ va chạm, sự cố cháy nổ rất lớn. “Hệ thống cảnh giới trong quá trình khoan” mà các chuyên gia địa vật lý sáng chế ra trên nguyên lý cảm biến siêu âm đã giải quyết bài toán một cách đơn giản mà hiệu quả. Hơn 90 giếng khoan chèn thêm đã được triển khai giúp tiết kiệm hàng chục triệu USD từ sáng chế này.

“Thi đua không phải để khen thưởng”

Một đại biểu khác đến từ lĩnh vực nông nghiệp - PGS.TS Nguyễn Thị Trâm, ĐH Nông nghiệp 1. Trưởng thành trong gian khó, thiếu thốn của chiến tranh, cô giáo Trâm ngoài tuổi 20 mới bước vào đại học, bảo vệ luận án tiến sỹ tại Nga, trở về trường Nông nghiệp 1 công tác khi tuổi đã ngoài 40.

Mày mò làm giống lúa lai trong điều kiện khó khăn thiếu thốn, TS Trâm phải nhờ cả mẹ già giúp tuyển chọn giống, tỉ mỉ suốt thời gian dài. Giống lúa mới tăng trưởng tốt, trổ bông to, nặng hạt vừa giúp bà Trâm nhận thưởng của Bộ trưởng Nông nghiệp thì đổ bệnh bạc lá. Thất bại. Xấu hổ vì phần thưởng đã nhận, bà TS quyết tâm sửa sai khi đã ở tuổi hưu.

Bà Trâm xin tiếp tục ở lại trường làm việc chỉ với mức lương hưu, lại lăn lưng trên 1 mẫu ruộng, miệt mài trong một phòng thí nghiệm thiếu thốn. Cuối cùng những giống lúa vừa năng suất vừa chống chịu sâu bệnh đã thực sự được đưa vào sản xuất. Bán bản quyền cho doanh nghiệp, bà Tiến sĩ 10 năm làm việc ở tuổi nghỉ hưu đã gây dựng được 1 viện nghiên cứu quy mô, mua sắm thiết bị, đưa cán bộ ra nước ngoài tu nghiệp. “Chính tình yêu nghề đã giúp tôi thành công trong giảng dạy, nghiên cứu khoa học” - bà Trâm giản dị chia sẻ khi được tôn vinh trong “đại lễ” Thi đua yêu nước .
“Thi đua nhằm đạt tới sự giải phóng năng lực sáng tạo” - 3
Đoàn chủ tịch trong lễ khai mạc Đại hội (ảnh: Quang Phong).

Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh tỏ ra đặc biệt cảm động với 2 gương điển hình báo cáo trong ngày khai mạc Đại hội. “1 điển hình trong lĩnh vực năng lượng - lương thực cho công nghiệp, 1 trong lĩnh vực nghiên cứu giống lúa - lương thực cho con người. Đó là những đóng góp lớn ở những lực vực đặc biệt quan trọng”, Tổng bí thư đánh giá.

Phân tích những mặt được, chưa được của công tác thi đua khen thưởng 5 năm qua, Tổng Bí thư nhắc nhở, thi đua không phải để khen thưởng nhưng làm tốt công tác khen thưởng thì sẽ kích thích phong trào thi đua tốt hơn.

Người đứng đầu Đảng đặc biệt lưu ý những hạn chế về nhận thức, về trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo của một số cấp uỷ đảng, chính quyền, người đứng đầu cơ quan khiến việc tổ chức phong trào thi đua có nơi, có lúc còn mang tính hình thức, chưa coi trọng công tác kiểm tra, đôn đốc. “Phải tiếp tục tạo chuyển hướng sâu sắc hơn để mọi người ý thức rõ việc thi đua theo tư tưởng chủ tịch Hồ Chí Minh là để đạt đến sự giải phóng con người, giải phóng năng lực sáng tạo”, Tổng Bí thư nhấn mạnh.
 

"Trong 5 năm qua, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đã đẩy mạnh phong trào thi đua chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp và kinh tế nông thôn, nâng cao giá trị sử dụng đất, xây dựng cánh đồng trang trại đạt 50 triệu đồng/ha/năm. Ngành đã góp phần đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, xuất khẩu gần 25 triệu tấn gạo, đạt kim ngạch 10 tỷ USD.

Các ngành công nghiệp, xây dựng, giao thông vận tải, bưu chính viễn thông… đã đẩy mạnh phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, nâng cao năng suất lao động, chất lượng và hạ giá thành sản phẩm; phong trào thi đua liên kết đẩy nhanh tiến độ bảo đảm chất lượng trên các công trình trọng điểm quốc gia.

Các ngành công nghiệp, xây dựng, giao thông vận tải, bưu chính viễn thông… đã đẩy mạnh phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, nâng cao năng suất lao động, chất lượng và hạ giá thành sản phẩm; phong trào thi đua liên kết đẩy nhanh tiến độ bảo đảm chất lượng trên các công trình trọng điểm quốc gia…"

Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan

 

P.Thảo