Người mải miết đi tìm “thần chết”
(Dân trí) - Bị ám ảnh từ những vụ nổ bom mìn cướp đi tính mạng của các em nhỏ trong thời bình, ông quyết định dành cả đời để đi tìm, phá hủy những “thần chết” còn sót lại từ thời chiến tranh, giúp hồi sinh những vùng đất chết.
Từ tiếng kêu tuyệt vọng...
“Tiếp xúc với bom mìn, nhất là những quả bon còn sót lại sau chiến tranh, đã gỉ ngoèn, ngòi, kíp lỏng lẻo như khố ông lão, có thể nổ bất cứ lúc nào, tính mạng chúng tôi luôn bị rình rập. Nhưng tận mắt chứng kiến hình ảnh 3 chị em ruột dưới 10 tuổi ở Đắk Lắk theo mẹ lên rẫy khai hoang bị bom nổ cướp đi tính mạng, chẳng phải người chiến sĩ như tôi mà bất kỳ ai cũng muốn làm điều gì đó giúp người dân không còn bị thương vong”, Đại tá Cảnh chia sẻ.
Một thời gian sau cái chết tức tưởi của các em nhỏ ở Đắk Lắk, trên ti vi, ông Cảnh lại thấy một vụ nổ bom mìn "thổi" văng 3 cháu bé, thân hình các cháu rách nát, tử vong tại chỗ. Cảnh quay đó là tại một buổi tiêm chủng mở rộng ở Cam Lộ, Quảng Trị. Tại họa xảy ra khi một cháu bé vô tình đạp phải vật nổ chiến tranh sót lại.
... đến người “mê” phá bom
Từ sau năm 1975 đến nay, Đại tá Cảnh cùng anh em giải phóng hàng trăm nghìn hecta đất đai. Theo người lính này, kết quả trên chưa thấm vào đâu so với thực trạng bom mìn còn sót lại trong lòng đất ở nước ta. “Đến nay mới làm sạch được 3,28% diện tích đất đai bị ô nhiễm bom mìn trên toàn quốc. Theo tiến độ hiện nay, để làm sạch ô nhiễm bom mìn trên đất nươc, phải mất hơn 300 năm nữa mới xong”, ông Cảnh nói.
Không chịu bó tay chờ đợi thời gian phá bom, mìn dài đằng đẵng đến vậy, cùng với việc chứng kiến nhiều đồng đội hi sinh khi dò tìm, xử lý bom mìn bằng phương pháp thủ công. Đại tá Cảnh cùng các chiến sĩ trong đơn vị tổ chức nghiên cứu và thiết kế được phần mềm gắn cho máy dò bom đạn làm cho tiến độ tháo dỡ bom mìn nhanh hơn, hiệu quả hơn và sắc xuất thương vong ít hơn.
“Phần mềm chúng tôi nghiên cứu, sản xuất ra kèm máy tính mini chuyên dùng không kém gì nhập của nước ngoài, dễ dàng nhận dạng, xác định được ngay chủng loại, hình dạng, kích thước, trọng lượng và độ sâu của bom đạn đang nằm trong lòng đất. Thắng lợi này đã động viên khích lệ chúng tôi và cũng là điều kiện tốt để chúng tôi có phương tiện tốt hơn trong dò tìm, xử lý bom mìn”, ông Cảnh nói. Sau đó, đơn vị ông Cảnh lập bản đồ lập bản đồ và giải quyết bom mìn cho 6 tỉnh miền Trung.
Trước những thành công đó, năm 2009, Đại tá cảnh cùng cán bộ của Trung tâm triển khai viết hoàn chỉnh dự thảo: “Chương trình quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh ở Việt Nam giai đoạn 2010-2025” và đã được Thủ tướng thông qua. Theo ông Cảnh nếu bảo đảm được tiến độ, thời gian khắc phục cơ bản hậu quả bom mìn trên đất nước ta sẽ được rút ngắn từ hơn 300 năm xuống còn 50 năm.
Quang Phong