1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Cải tạo kênh rạch ô nhiễm ở TPHCM

Thí điểm dân bầu chủ tịch xã rồi mới sửa luật

(Dân trí) - “Chúng ta tổ chức thí điểm thực hiện rồi sau đó một vài năm, chúng ta đánh giá, tổng kết, xem hiệu quả và tính hợp lý như thế nào rồi lúc đó chúng ta sẽ sửa luật”, Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu cho biết.

Thưa ông, để có thể thực hiện việc thí điểm người dân trực tiếp bầu Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã, chúng ta sẽ phải sửa luật?

Vấn đề người dân trực tiếp bầu chủ tịch xã, Trung ương đã có Nghị quyết. Chúng ta phải làm thí điểm ở một số địa phương, một số tỉnh, để trên cơ sở tổng kết, đúc rút lại rồi mới sửa luật.

Hiện nay luật vẫn quy định, Hội đồng nhân dân (HĐND) bầu ra chủ tịch và tất cả các huyện, quận thì phải có HĐND. Hơn nữa, vấn đề này cũng liên quan đến Hiến pháp vì trong Hiến pháp cũng quy định HĐND phải ở các cấp và HĐND bầu ra Chủ tịch Uỷ ban nhân dân (UBND).

Bây giờ người dân trực tiếp bầu chủ tịch UBND xã thì trái với luật mà chưa sửa luật nên Quốc hội phải có một Nghị quyết cho phép, trên cơ sở đó Chính phủ mới triển khai được.

Vậy quan điểm của ông đối với việc người dân bầu trực tiếp chủ tịch UBND xã?

Tôi nghĩ chủ trương này hoàn toàn hợp lý vì vấn đề tổ chức HĐND, UBND và vấn đề dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện ấy chúng ta đã bàn ở nhiều kỳ rồi. Lần này chúng ta tổ chức thí điểm thực hiện rồi sau đó một vài năm, chúng ta đánh giá, tổng kết, xem hiệu quả và tính hợp lý như thế nào rồi lúc đó chúng ta sẽ sửa luật.

Lâu nay HĐND phê chuẩn các chức danh của UBND, tới đây thí điểm không có HĐND cấp quận, huyện thì ai phê chuẩn các chức danh của UBND?

Tất nhiên lúc đó phải tính, ví dụ như ở những nơi không có HĐND nữa thì các chức danh đó thì có thể giao HĐND cấp trên, hoặc có thể Chủ tịch UBND cấp trên có quyền bổ nhiệm các chức danh đó. Vấn đề này đề án phải làm và xác định các phương án rồi tính sau.

Thưa ông, tại sao khi xây dựng Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân, UBND không đặt ra vấn đề này?

Lúc đó cũng đã đưa ra bàn trong quá trình xây dựng Luật đó rồi. Tuy nhiên, lúc đó trong bối cảnh điều kiện xã hội, chúng ta vẫn đề cao nền dân chủ đại diện, vai trò cá nhân cũng chưa đề cập đến, trách nhiệm cá nhân cũng chưa được đề cao lắm, cho nên chúng ta vẫn nghĩ rằng phải để cơ chế tập thể. Nhưng đến thời điểm này, chúng ta đang tiến hành cải cách hành chính, muốn đề cao trách nhiệm, vai trò của một số vị trí như Chủ tịch UBND cơ quan hành chính cấp xã chẳng hạn nên Trung ương mới bàn để cho chủ trương thí điểm.

Người dân bầu trực tiếp Chủ tịch UBND xã thì người dân cũng có thể tự ứng cử?

Quyền ứng cử, tự ứng cử, đề cử là quyền luật định rồi. Tất nhiên cũng không ai hạn chế quyền tự ứng cử cả. Nhưng ứng cử phải có thủ tục, phải theo quy định của pháp luật.

Với việc người dân được bầu Chủ tịch UBND xã, chúng ta có tránh được bệnh hình thức trong bầu cử?

Bầu cử trực tiếp thì người dân thể hiện ý chí của họ và trên cơ sở các điều kiện của chức danh đó, người dân sẽ dùng lá phiếu của mình để lựa chọn người đại diện để quản lý, điều hành ở xã của mình.

Ở xã, phường có thể tồn tại những dòng họ lớn, thậm chí áp đảo so với các dòng họ còn lại và như vậy thì chức chủ tịch UBND khó “thoát khỏi” khỏi người của dòng họ đó?

Điều các bạn nêu là hoàn toàn hợp lý và vấn đề đó chúng ta phải quan tâm. Bây giờ chúng ta mới nói làm thí điểm cũng là để tránh những trường hợp ở một số địa phương nào đó, không loại trừ phần lớn dân cư ở đó là thuộc một dòng họ, một gia tộc nào đó, nếu như người ta không công tâm, không vì lợi ích chung người ta chỉ bỏ phiếu cho người thuộc dòng họ của người ta.

Xin cảm ơn ông!

Mạnh Cường (ghi)