1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Thi công dự án hơn 2.100 tỷ đồng để xây mới 9 cầu ở ĐBSCL

Nguyễn Cường

(Dân trí) - Dự án xây mới 9 cầu, cải tạo 1 cầu và phá dỡ 1 cầu sẽ đảm bảo những tuyến đường thủy nội địa ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đủ điều kiện cho tàu container lưu thông.

Ngày 6/1, Bộ Giao thông Vận tải phối hợp UBND tỉnh Bến Tre tổ chức Lễ triển khai thi công Dự án Nâng cao tĩnh không các cầu đường bộ cắt qua tuyến đường thủy nội địa quốc gia - giai đoạn 1 (khu vực phía Nam). Dự án do Ban Quản lý các dự án đường thủy (Bộ GTVT) làm chủ đầu tư.

Dự án sẽ xây dựng mới 9 cầu, nâng cấp cải tạo 1 cầu và tháo dỡ 1 cầu. Với tổng mức đầu tư hơn 2.155 tỷ đồng từ ngân sách Nhà nước, dự án nhằm cải thiện hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông khu vực ĐBSCL.

Thi công dự án hơn 2.100 tỷ đồng để xây mới 9 cầu ở ĐBSCL - 1

Sà lan chở 27 container mắc kẹt dưới gầm cầu Măng Thít đầu tháng 3/2023 (Ảnh: CTV).

9 cầu được xây mới gồm:

Cầu Ô Môn và cầu Thới Lai bắc qua sông Ô Môn.

Cầu Đông Thuận và cầu Đông Bình bắc qua kênh Thị Đội - Ô Môn.

Cầu Mộc Hóa, bắc qua sông Vàm Cỏ Tây.

Cầu Sa Đéc bắc qua kênh Lấp Vò - Sa Đéc.

Cầu Hồng Ngự bắc qua kênh Trung Ương.

Cầu Vàm Xáng - Thị Đội bắc qua kênh Thốt Nốt.

Cầu Mỏ Cày bắc qua kênh Thom và hai tuyến đường dẫn kết nối với tuyến tránh Quốc lộ 60.

Công trình được cải tạo là cầu Giồng Găng bắc qua kênh Hồng Ngự - Vĩnh Hưng.

Công trình bị tháo dỡ là cầu Măng Thít cũ bắc qua sông Măng Thít.

Các công trình này đang hạn chế cả bề rộng và chiều cao thông thuyền, cản trở vận tải hàng hóa đường thủy.

Dự án triển khai đồng loạt trên các tỉnh thành gồm: Long An, Bến Tre, Đồng Tháp, Cần Thơ, Kiên Giang, Vĩnh Long. Bộ GTVT quyết tâm hoàn thành dự án trong năm 2025.

Dự án khi hoàn thành sẽ đảm bảo khai thác đồng bộ vận tải đường thủy ở khu vực ĐBSCL, đảm bảo tàu xếp 3-4 lớp container lưu thông được trên những tuyến quan trọng. Điều này góp phần nâng cao năng lực vận tải đường thủy nội địa giữa miền Đông và miền Tây Nam Bộ.