Hà Tĩnh:
Thêm nhiều địa phương lên tiếng phản đối trạm BOT Cầu Rác
(Dân trí) - Sau khi các huyện Cẩm Xuyên, Kỳ Anh được Bộ GTVT quyết định miễn phí dịch vụ khi qua trạm thu phí Cầu Rác, ngay sau đó, nhiều địa phương tại Hà Tĩnh tiếp tục phản đối đối trạm thu phí này.
Sau khi người dân 2 huyện Kỳ Anh và Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) được Bộ GTVT có quyết định miễn 100% giá dịch vụ khi đi qua trạm thu phí Cầu Rác, câu chuyện về việc thu phí BOT lại tiếp tục gây bức xúc đối với những địa phương khác.
Những người dân cho rằng, việc thu phí BOT đang tồn tại những bất cập, phi lý. Các Bộ ngành, những đơn vị liên quan cần ngồi lại với nhau để tìm phương hướng giải quyết các vấn đề như việc đặt các trạm thu phí như hiện nay đã hợp lý hay chưa, chứ không phải giải quyết theo kiểu “con khóc mẹ mới cho bú”.
Anh Nguyễn Văn Toàn, trú tại TP Hà Tĩnh, cho biết: “Tôi nhà ở thành phố nhưng công việc thì chủ yếu ở trong Kỳ Anh. Trung bình mỗi ngày tôi phải mất 70 nghìn tiền phí qua trạm Cầu Rác. Tôi nghĩ vấn đề mấu chốt ở đây là vị trí đặt trạm thu phí BOT. Nếu chưa hợp lý thì người dân sẽ vẫn tiếp tục phản ứng vì nó liên quan đến quyền lợi của dân”.
Ông Trần Văn Sỹ, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Cty vận tải ô tô Hà Tĩnh, cho biết, trong quyết định vừa rồi của Bộ GTVT, chỉ miễn phí qua trạm Cầu Rác cho người dân 2 huyện Cẩm Xuyên và Kỳ Anh. Công ty của ông không được miễn trong khi theo ông Sỹ, đáng lẽ người của công ty ông phải là đối tượng cần được xem xét để miễn giảm đầu tiên.
“Công ty hiện có 40 chiếc xe buýt tuyến Hà Tĩnh – Thị xã Kỳ Anh, trung bình một chiếc xe buýt trong một quý (3 tháng) phải nộp hơn 2,8 triệu tiền phí BOT. Và một năm với 40 chiếc xe, công ty phải nộp hơn 430 triệu tiền phí BOT, mặc dù không sử dụng một mét đường BOT nào. Nguyên tắc là anh xây dựng BOT ở đâu thì thu phí ở đó, ai sử dụng thì phải trả tiền, còn ai không tham gia mà phải trả tiền thì rất bất công”, ông Sỹ bức xúc nói.
Còn anh Trần Văn Vũ, trú tại thị xã Kỳ Anh thì gay gắt: “Tại sao huyện Kỳ Anh được miễn giảm mà thị xã Kỳ Anh lại không? Về vị trí địa lý thì người dân thị xã có đi ra đường tránh TP Hà Tĩnh thì cũng phải đi qua huyện Kỳ Anh. Việc giải quyết từ phía chủ đầu tư, của các bộ còn mang tính “con khóc thì mẹ mới cho bú””.
Ngày 28/4, UBND thị xã Kỳ Anh cũng đã có văn bản gửi UBND tỉnh Hà Tĩnh và Cty Sông Đà, trong đó nêu rõ, ngày 26/4/2017 Bộ GTVT có văn bản quyết định giảm 100% giá vé dịch vụ sử dụng đối với các phương tiện của chủ sở hữu có hộ khẩu thường trú tại các huyện Cẩm Xuyên và Kỳ Anh. Trong khi đó, thị xã Kỳ Anh là đơn vị hành chính được chia tách trên cơ sở huyện Kỳ Anh cũ. Các phương tiện thuộc địa bàn thị xã Kỳ Anh khi lưu thông qua Cầu Rác cũng không tham gia tuyến đường BOT giống như huyện Kỳ Anh nhưng lại không nằm trong diện được miễn giảm.
Theo đó, UBND thị xã Kỳ Anh đã đề nghị UBND tỉnh và Cty Sông Đà cần kịp thời có văn bản kiến nghị các Bộ ngành sớm miễn giá dịch vụ sử dụng đường bộ đối với các phương tiện của chủ sở hữu có hộ khẩu thường trú và các doanh nghiệp có trụ sở chính đóng trên địa bàn thị xã Kỳ Anh.
Như Dân trí đã phản ánh, cho rằng mình không đi trên tuyến đường BOT nhưng phải đóng phí, người dân các huyện Cẩm Xuyên và Kỳ Anh đã tập trung phương tiện tại trạm thu phí Cầu Rác để phản đối.
Ngay sau đó, Bộ GTVT đã có văn bản quyết định miễn phí giá dịch vụ đối với các phương tiện khi đi qua trạm thu phí Cầu Rác đối với người dân 2 huyện này.
Xuân Sinh