1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Thẻ căn cước sẽ dùng thay nhiều loại giấy tờ tùy thân?

(Dân trí) - Ngày 14/7, Luật Căn cước công dân một lần nữa được đưa ra thảo luận tại UB Thường vụ Quốc hội. Trả lời câu hỏi, luật giúp giảm thiểu bao nhiêu loại giấy tờ công dân? Phó Chủ tịch Quốc hội nhận định có giảm nhưng không nhiều.

Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai băn khoăn, khi có Luật Căn cước công dân thì sẽ loại bỏ bao nhiêu giấy tờ, còn tồn tại bao nhiêu giấy tờ? Câu hỏi này, bà Mai nhận định, cơ quan soạn thảo chưa có trả lời, giải trình thỏa đáng.

Trả lời câu hỏi này, đại diện Bộ Công an - Thiếu tướng Trần Văn Vệ, Phó trưởng ban soạn thảo Luật Căn cước công dân cho biết, theo đề án 896 đang được triển khai, khi luật này được triển khai sẽ bỏ nhiều loại giấy tờ như hộ khẩu, giấy khai sinh.

Ông Vệ cho biết qua thí điểm ở Hải Phòng, Hà Nội… có thể khẳng định dự án cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư sẽ thành công. Cơ sở dữ liệu về căn cước đã có đầy đủ và chỉ cần phê duyệt sẽ nhập vào dữ liệu. Cơ sở dữ liệu chỉ quy định với 16 thông tin cơ bản nhất, đặc điểm nhận dạng, vân tay cũng không được đưa vào đây.

Thẻ căn cước sẽ dùng thay nhiều loại giấy tờ tùy thân?

Nhiều ý kiến vẫn băn khoăn vì thẻ căn cước công dân và chứng minh thư nhân dân mẫu mới có nhiều điểm chồng lấn.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng nhận định thêm, thẻ căn cước sẽ thay thế một số loại giấy tờ nào đó thôi chứ không phải thay thế hết tất cả các loại giấy tờ của công dân. Ông Lưu nhấn mạnh, luật tạo điều kiện thuận lợi cho dân song vẫn phải đảm bảo yêu cầu quản lý nhà nước.

Chủ nhiệm UB Quốc phòng An ninh Nguyễn Kim Khoa khẳng định, với việc Luật Căn cước ra đời sẽ giảm các thủ tục, giấy tờ cho nhân dân. Ông Khoa cũng lấy ví dụ: “Tôi làm giấy tờ nhà đất ở quận Thanh Xuân mà cũng phải mất tới 8 tháng mới làm xong. Người ta đòi hỏi hết giấy khai sinh đến giấy đăng ký kết hôn… Cải cách hành chính là tư tưởng đổi mới rất lớn. Đây là yêu cầu không phải cá nhân mà toàn dân đang bức xúc”.

Đi sâu vào vấn đề “hạt nhân” của cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư – số định danh cá nhân, các thành viên trong Thường vụ Quốc hội cũng chưa yên tâm về căn cứ đưa ra để xây dựng hệ 12 số. Trong khi đó, ở nhiều nước, mã số công dân chỉ 6-8 số.

Ông Vệ giải thích, dãy số định danh gồm 12 số nhưng trong đó chỉ có thì chỉ có 6 số là thể hiện danh tính công dân, 6 số trước đó là mã hoá các thông tin để phân biệt về giới tính (nam/nữ), năm sinh, nơi sinh… Ông Vệ thông tin, hệ mã 12 số được xây dựng trên cơ sở tham khảo ý kiến các bộ ngành, các nhà toán học…

Chủ nhiệm UB Văn hoá, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Đào Trọng Thi nghi ngờ, nếu xây dựng hệ mã số để mã hoá cá nhân với quy mô dân số 100 triệu người như của Việt Nam tới đây thì tối thiểu dãy số để tránh lặp lại ở mỗi cá nhân cần ít nhất 9 số chứ không phải là 6 số. Ông Thi bộc bạch, không tin việc cơ quan soạn thảo có hỏi ý kiến các nhà toán học vì không nhà toán học nào lại không biết bài toán luỹ thừa đơn giản này.

 Liên quan đến nội dung này, cơ quan thẩm tra dự án luật – UB Quốc phòng An ninh đề nghị quy định số định danh cá nhân được ghi vào thẻ căn cước công dân. Cơ quan thẩm tra cho rằng, số định danh cá nhân gồm 12 chữ số là phù hợp quy mô dân số trước mắt và lâu dài, đã được xử lý theo  nguyên tắc toán học.

Theo đó, số định danh cá nhân có chứa mã đơn vị hành chính cấp tỉnh hoặc mã quốc gia đối với người sinh ra ở nước ngoài, là nơi công dân đăng ký khai sinh, năm sinh, giới tính của công dân.

Chủ nhiệm UB Quốc phòng An ninh Nguyễn Kim Khoa giải thích, việc cấp số định danh cá nhân từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư gắn với việc đối sánh qua ảnh chân dung và đặc điểm sinh trắc học từ cơ sở dữ liệu căn cước công dân sẽ đảm bảo cho việc truy nguyên từng cá nhân, khẳng định tính duy nhất của số định danh cá nhân.

Đánh giá dự án luật là cải cách lớn về thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân song Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng lo lắng khi chưa hình dung nổi khi luật ra đời thì sẽ tác động thế nào.

Chủ tịch Quốc hội cũng đồng ý với quan điểm của cơ quan thẩm tra và nhiều vị khác là cấp thẻ căn cước từ khi sinh ra và không cần cấp giấy khai sinh.

“Thay giấy khai sinh bằng căn cước là đúng rồi, già rồi cũng hỏi giấy khai sinh, mua vé cũng hỏi, đó là lạm dụng, luật này phải cắt hết”  - Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng quán triệt quan điểm.

Nhấn mạnh dữ liệu công dân phải được cập nhật trực tuyến, Chủ nhiệm Đào Trọng Thi cho rằng thẻ căn cước công dân hay giấy khai sinh chẳng qua là cách gọi, nhưng dù gọi thế nào thì chỉ cấp một cái thôi. Và thẻ căn cước cấp cho trẻ dưới 14 tuổi cần phải có tên bố mẹ.

Đồng ý cấp thẻ căn cước cho công dân từ khi sinh ra, Chủ nhiệm UB Pháp luật Phan Trung Lý nhấn mạnh việc này có lãng phí hay không, có khả thi hay không phụ thuộc rất nhiều vào công tác tổ chức thực hiện.

P.Thảo

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm