1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Tốn tiền cấp 21 triệu thẻ căn cước cho trẻ dưới 15 tuổi để làm gì?

(Dân trí) - “Người dưới 15 tuổi chủ yếu đi học - độ tuổi này giấy khai sinh là quan trọng nhất. Có hợp lý hay không khi bỏ ra một số tiền không nhỏ làm khoảng trên 21 triệu thẻ căn cước cho người dưới 15 tuổi chỉ để… cất giữ?”, đại biểu Đỗ Ngọc Niễn nói.

Ngày 19/8, thảo luận tại hội trường về dự án Luật căn cước công dân, nhiều đại biểu tỏ ra hoài nghi với việc thẻ căn cước công dân có thể thay thế giấy khai sinh cho người dưới 15 tuổi. Trong khi đó lại phải bỏ ra một số tiền không hề nhỏ làm khoảng trên 21 triệu thẻ căn cước công dân cho người dưới 15 tuổi, chiếm 24% dân số, để cất giữ, không quan hệ giao dịch gì phổ biến.

Đồng loạt bác quy định cấp thẻ căn cước cho trẻ dưới 15 tuổi

“Liệu thẻ căn cước công dân có thể thay thế giấy khai sinh được không. Tôi thấy vấn đề này cần phải được thảo luận để làm rõ hơn, tính toán hợp lý hơn. Người ở độ tuổi dưới 15 chủ yếu là đi học và không tự giao dịch được mà cần nhờ đến vai trò của người giám hộ. Vậy cấp thẻ căn cước công dân cho người dưới 15 tuổi để làm gì, nhất là đối với trẻ sơ sinh và các cháu ở bậc mẫu giáo, bậc tiểu học?”, đại biểu Đỗ Ngọc Niễn (Bình Thuận) nói.

Tốn tiền cấp 21 triệu thẻ căn cước cho trẻ dưới 15 tuổi để làm gì?
Theo đại biểu Đỗ Ngọc Niễn, người dưới 15 tuổi chủ yếu đi học - độ tuổi này giấy khai sinh là quan trọng nhất

Từ những phân tích trên, đại biểu Niễn băn khoăn rằng, có hợp lý hay không khi bỏ ra một số tiền không hề nhỏ làm khoảng trên 21 triệu thẻ căn cước công dân cho người dưới 15 tuổi, chiếm 24% dân số, để cất giữ. Đại biểu đề nghị xem xét lại việc cấp thẻ căn cước công dân ngay khi mới sinh; chỉ cấp thẻ căn cước công dân cho người đủ 14 tuổi trở lên như quy định hiện hành.

Cùng vấn đề trên, đại biểu Đặng Thị Kim Liên (Yên Bái) cũng đề nghị cân nhắc kỹ có nên quy định việc cấp thẻ đối với trẻ dưới 14 tuổi với lý do trẻ dưới 14 tuổi đặc điểm nhận dạng chưa ổn định, chưa phải chịu trách nhiệm về hình sự và trong các giao dịch dân sự cũng cần có cha mẹ hay người dám hộ nào đại diện. Ngoài ra, việc này còn tạo sự phiền hà cho công dân, trẻ sinh ra đã được đăng ký khai sinh.

“Cấp thẻ căn cước công dân cho trẻ từ khi sinh ra là thêm thủ tục cho công dân. Tạo sự tốn kém không cần thiết. Theo tôi nên quy định theo hướng trẻ sinh ra, bên cạnh đăng ký khai sinh vẫn đăng ký thông tin vào cơ sở dữ liệu đến khi đủ 14 tuổi sẽ cấp thẻ đầy đủ với định dạng cá nhân như quy định của dự thảo luật” - đại biểu Liên đề nghị.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) cũng không đồng tình với việc cấp căn cước cho công dân dưới 15 tuổi, vì đặc điểm nhân dạng chưa ổn định. Hơn nữa, việc cấp thẻ căn cước cho công dân dưới 15 tuổi không phù hợp và gây phiền hà. Đặc biệt giá của thẻ căn cước này sẽ đắt hơn giấy khai sinh rất nhiều, trong lúc chưa thực sự cần sử dụng đến.

Bấm nút thông qua kéo theo nhiều phức tạp

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) cho biết, ông không đồng tình với việc thay đổi tên gọi chứng minh nhân dân thành căn cước nhân dân. “Quốc hội bấm nút đồng tình để thông qua thì rất đơn giản, nhưng hệ lụy kéo theo rất phức tạp. Ví dụ, tất cả các Bộ, ban, ngành phải thay đổi toàn bộ hồ sơ, lý lịch và những giấy tờ chúng ta đã in sẵn để thay từ chứng minh nhân dân thành căn cước nhân dân thì bao nhiêu là tốn kém”, đại biểu nói.

Đại biểu Nguyễn Đức Chung đề nghị để chứng minh thư chứ không nên để căn cước công dân

Đại biểu Nguyễn Đức Chung đề nghị để chứng minh thư chứ không nên để căn cước công dân (Ảnh Việt Hưng)

Về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Đức Chung (Hà Nội) cho biết, qua tiếp xúc cử tri nhận thấy để chứng minh thư thuận tiện hơn. Hơn nữa, quy định chứng minh thư ở miền bắc được quy định tại nghị định từ năm 1957 và cả nước thống nhất quy định từ năm 1976 đến nay.

“Chúng ta đã làm được 68 triệu dân, khi làm việc với nước ngoài người ta nói đây là cơ sở vô cùng quý báu. Bây giờ chúng ta thay đổi lại toàn bộ phần mềm quản lý này sẽ có những khó khăn nhất định. Từ những lập luận như vậy, tôi đề nghị chúng ta nên để là chứng minh chứ không nên để căn cước công dân”, đại biểu Nguyễn Đức Chung đề nghị.

Đại biểu Trương Hoàng Minh (Cà Mau) cũng cho rằng hiện có 68 triệu người được cấp giấy chứng minh nhân dân 9 số, do vậy việc thay đổi, điều chỉnh rất tốn kém cho người dân.

Phân tích rõ vấn đề trên, đại biểu Vũ Chí Thực (Quảng Ninh) cho rằng, căn cước hay chứng minh, về bản chất của vấn đề này không thay đổi, nội dung mà quản lý trong đó không thay đổi. “Do vậy, nên cứ để là chứng minh, bởi vì cũng dùng quen toàn quốc rồi. Bây giờ tất cả những giao dịch, tất cả những giấy tờ đều in những vấn đề này rồi, tôi cho rằng nên để chứng minh thì thuận tiện hơn”, đại biểu nói.

Quang Phong