Thấp thỏm vì bỏ hàng chục triệu mua huyệt mộ ở nghĩa địa tự phát tại TPHCM
(Dân trí) - Nhiều người xuống tiền mua huyệt mộ tại khu đất sau chùa Chơn Sơn trên đường liên ấp 2-6, xã Vĩnh Lộc A (huyện Bình Chánh), chưa biết thân nhân qua đời có còn được mai táng nơi này hay không.
Những ngày qua, nhiều người sống trên đường liên ấp 2-6, xã Vĩnh Lộc A (huyện Bình Chánh) vẫn còn bàn tán khi biết khu đất nông nghiệp 3.000m2 phía sau chùa Chơn Sơn vừa bị lực lượng chức năng kiểm tra vì xây dựng trái phép hơn 100 ngôi mộ.
Lấy đất sau chùa làm nghĩa trang
Ông Đ. (60 tuổi, ngụ địa phương) cho biết, tình trạng mai táng tại khu vực sau chùa Chơn Sơn diễn ra rầm rộ khoảng 3 năm trở về trước, khi dịch Covid-19 bùng phát.
Mảnh đất trên thuộc quản lý của ông Huỳnh Văn Lánh (90 tuổi). Ông này có vợ và 6 người con (4 trai, 2 gái), sống tại khu vực ấp 1, xã Vĩnh Lộc A.
Trong số các con của ông Lánh, có ông H. xuất gia theo đạo Phật. Hơn 10 năm trước, ông H. đến khu vực đất trên đường liên ấp 2-6, ấp 18 (xã Vĩnh Lộc A) lập ngôi chùa nhỏ, lấy tên Chơn Sơn.
Tuy nhiên, vài năm sau, ông H. qua đời. Từ đó, ông Lánh thay con trai tiếp quản ngôi chùa và lo hương khói đến nay.
Theo ông Đ., hơn 10 năm về trước, phía sau chùa Chơn Sơn đã có mộ nhưng không nhiều. Qua các năm, việc mai táng ở nơi này diễn ra rầm rộ hơn. Thân nhân của các phần mộ này là người địa phương và nơi khác.
"Khu vực chùa và nghĩa địa tự phát trước đây là đầm nước, cỏ dại mọc um tùm. Sau này, gia đình ông Lánh sang lấp mặt bằng, làm chùa như hiện nay. Mọi người biết sau chùa có nghĩa địa nên ai cũng muốn có một chỗ để chôn cất người thân khi qua đời", ông Đ. nói.
Trong khi đó, ông M. (45 tuổi, ngụ gần chùa) cho biết, thời gian trước, cứ mỗi tháng, ông thỉnh thoảng phát hiện xe tang chở người mất vào sau chùa mai táng. Có tháng, 4-5 người được mai táng.
Người nào muốn chôn cất thân nhân sau chùa, họ phải trả một số tiền thỏa thuận cho ông Lánh. "Những huyệt có nắp đậy trong khu nghĩa trang đều đã có người mua, chờ đem thân nhân mất đến chôn. Nếu cơ quan chức năng không kiểm tra kịp thời, khu nghĩa địa này sẽ mở rộng hơn nữa", ông M. nói.
Người mua huyệt mộ lo lắng
Hay tin nghĩa trang tự phát sau chùa Chơn Sơn bị cơ quan chức năng vào cuộc điều tra, vợ chồng ông N.V.T. (SN 1965, ngụ ấp 1, xã Vĩnh Lộc A) tá hỏa chạy xe máy đến hỏi thăm tình hình.
Ông T. cho biết năm 2017, gia đình ông mua huyệt mộ diện tích 13m2 của ông Lánh với giá 57 triệu đồng, chôn vĩnh viễn. Khi người thân mất, ông T. đưa đến đây mai táng. Huyệt mộ chưa sử dụng, ông bất ngờ khi biết nghĩa địa này xây tự phát trên đất nông nghiệp.
"Tôi mua huyệt mộ của ông Lánh, giấy trắng mực đen có ông ấy đóng dấu rõ ràng. Biết ông Lánh là chủ ngôi chùa, gia đình tôi mới tin tưởng xuống tiền. Lúc đó, mẹ tôi yếu quá nên mới mua huyệt gấp như vậy", ông T. nói.
Người đàn ông cho biết hôm nay lên chùa, ông muốn làm rõ sau này người thân mất, liệu có được chôn ở mảnh đất đã mua hay không để còn biết cách xử lý. Nếu không chôn được, gia đình mong chùa trả lại số tiền trên. "Phía chùa nói gia đình cứ yên tâm, tôi cũng không biết thế nào", ông T. nói.
Theo ghi nhận của phóng viên, không chỉ gia đình ông T., nhiều người khác mua huyệt phía sau chùa Chơn Sơn cũng trong tâm trạng lo lắng tương tự.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, đại diện UBND huyện Bình Chánh cho biết, huyện đang có chỉ đạo UBND xã Vĩnh Lộc A phối hợp với Phòng Tài nguyên Môi trường tham mưu, đề xuất giải quyết vụ khoảng 100 ngôi mộ tự phát trên đất nông nghiệp sau chùa Chơn Sơn.
"Dự kiến trong tuần này, địa phương sẽ có báo cáo đề xuất cách giải quyết và thông tin đến báo chí", vị này nói.
Trong khi đó, một lãnh đạo Công an huyện Bình Chánh cho biết, đơn vị này chưa nắm được có hay không việc phân lô bán huyệt mộ tại khu đất 3.000m2 sau chùa Chơn Sơn.
Theo ông Phùng Quốc Việt, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Lộc A, phần lớn những ngôi mộ trên đất nông nghiệp vừa được báo chí phản ánh đã có hơn 10 năm trước.
Phong tục tập quán của người dân từ xưa, thường hay mai táng thân nhân trong vườn nhà. Đợt dịch Covid-19 vừa qua, người dân mất nhiều cũng được mai táng tại khu đất này khiến các ngôi mộ tăng lên.
"Năm 2022, khi tôi về làm Chủ tịch xã Vĩnh Lộc A, tôi nắm được khu vực có nhiều phức tạp về mai táng, đã chỉ đạo lực lượng cắm bản và quản lý đến giờ. Vừa qua có 2 trường hợp đào đất để xây kim tĩnh, UBND xã đã kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý", ông Việt nói.
Chủ tịch UBND xã Vĩnh Lộc A cho biết, vị trí khu đất liên quan đến các ngôi mộ thuộc thửa 02, 08, 11 tờ bản đồ số 39 tại ấp 18, xã Vĩnh Lộc A. Khu này chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và do ông Huỳnh Văn Lánh (90 tuổi) đăng ký kê khai sử dụng trên nền tài liệu bản đồ địa chính. Khu đất có khoảng 100 ngôi mộ và khoảng 20 nhà mồ, gần chùa Chơn Sơn (chùa của ông Lánh, tu tại gia gần 20 năm nay).