Tháo dỡ hệ thống làm sạch sông Tô Lịch, di chuyển đàn cá Koi sang Hồ Tây
(Dân trí) - Tổ chức xúc tiến Thương mại-Môi trường Nhật Bản đã bắt đầu tiến hành tháo dỡ các thiết bị thí điểm làm sạch ở sông Tô Lịch và di chuyển toàn bộ cá Koi Nhật Bản, cá chép đỏ Việt Nam tại đây sang khu thí điểm ở Hồ Tây.
Tối muộn ngày 9/11, Tổ chức xúc tiến Thương mại-Môi trường Nhật Bản đã phát đi thông cáo báo chí có nội dung: Bắt đầu từ ngày 9/11 đến ngày 12/11, đơn vị này tiến hành tháo dỡ toàn bộ hệ thống thiết bị thí điểm làm sạch đoạn sông Tô Lịch bằng công nghệ Nano-Bioreactor Nhật Bản.
Ngoài ra, đàn cá Koi Nhật Bản và cá chép đỏ Việt Nam được thả trước đó tại khu thí điểm tại sông Tô Lịch nói trên sẽ được di chuyển sang khu thí điểm ở Hồ Tây (một góc Hồ Tây khoảng 1.000m2 đang được thí điểm làm sạch bằng công nghệ Nano-Bioreactor Nhật Bản).
Đàn cá Koi và cá chép đỏ Việt Nam sau gần 2 tháng được thả xuống khu thí điểm làm sạch bằng công nghệ Nhật Bản ở sông Tô Lịch vẫn khỏe mạnh.
Ngày 9/11, Tổ chức xúc tiến Thương mại-Môi trường Nhật Bản đã cho người di chuyển toàn bộ đàn cá Koi và cá chép đỏ Việt Nam sang khu thí điểm ở Hồ Tây.
"Đến nay đã gần 2 tháng kể từ ngày thả cá Koi Nhật Bản và cá chép đỏ Việt Nam xuống khu thí điểm trên sông Tô Lịch, cá sống rất khỏe và chúng tôi đã chuyển toàn bộ số cá Koi và cá chép này sang khu vực thí điểm tại Hồ Tây" - nội dung thông cáo cho biết.
Nội dung thông cáo báo chí cho biết thêm: Đơn vị này đã báo cáo tới Thủ tướng Chính phủ Việt Nam tại văn bản số 398/2019/JEBO ngày 16 tháng 9 năm 2019 về việc tiếp tục duy trì khu thí điểm tại Hồ Tây để chứng minh khả năng không bị tái ô nhiễm.
"Việc giữ lại khu thí điểm Hồ Tây để chứng minh việc sau khi xử lý chất lượng nước Hồ Tây đã đạt QCVN 08 MT:2015/BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường thì không cần vận hành máy nano (thời gian vận hành: 0/24h). Nước bên trong khu thí điểm vẫn không bị tái ô nhiễm, cá sẽ không bị chết mặc dù thời tiết có thay đổi đột ngột dẫn đến hiện tượng cá chết hàng loạt như đã xảy ra tại bên ngoài khu thí điểm tại Hồ Tây và một số hồ khác trên địa bàn thành phố trong suốt vài năm gần đây" - nội dung thông cáo nhấn mạnh.
Trước đó, ngày 16/5, TP Hà Nội khởi động dự án thí điểm làm sạch một đoạn sông Tô Lịch và góc Hồ Tây bằng công nghệ Nano -Bioreactor. Sau một thời gian thí điểm, bước đầu nước sông Tô Lịch, Hồ Tây tại khu vực thí điểm có cải thiện theo chiều hướng tích cực, bớt mùi hôi và nước trong hơn.
Công nhân tiến hành lắp đặt thiết bị làm sạch sông Tô Lịch bằng công nghệ Nhật Bản ở sông Tô Lịch, sáng 16/5.
Trưa ngày 30/10, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã đến xem công nghệ xử lý môi trường tại khu thí điểm làm sạch nguồn nước bằng công nghệ Nano - Bioreactor Nhật Bản ở Hồ Tây (Hà Nội).
Tại đây, ông Hà đã được nghe Tiến sĩ Tadashi Yamamura, chuyên gia Liên hợp quốc về môi trường, Chủ tịch Tổ chức Xúc tiến Thương mại-Môi trường Nhật Bản giới thiệu về công nghệ xử lý nguồn nước ô nhiễm bằng công nghệ Nano - Bioreactor Nhật Bản đang áp dụng thí điểm tại Hồ Tây và sông Tô Lịch.
Sau khi vị chuyên gia trên giới thiệu, ông Hà đã đưa ra những đánh giá ban đầu về công nghệ này.
"Khi có đầy đủ các thông tin thì chúng ta sẽ đưa ra đánh giá một cách đầy đủ. Nhưng với phương pháp này tôi cho rằng đã được các cơ quan của Nhật Bản chứng nhận về mức độ an toàn, tính tin cậy thì chúng ta hoàn toàn có thể áp dụng được" - ông Hà nói.
Về kết quả của dự án thí điểm nói trên, Tiến sĩ Tadashi Yamamura cho biết: Chất lượng nước ở khu thả cá Koi trên sông Tô Lịch và Hồ Tây 36/36 chỉ tiêu đạt QCVN; Mùi hôi thối sông Tô Lịch giảm 200 lần, Hồ Tây giảm 30 lần; Nước khu xử lý thả cá Koi tại sông Tô Lịch: Vi khuẩn có hại Coliform giảm hơn 61 triệu lần, E.coli giảm 1100 lần; Nước khu xử lý thả cá Koi tại Hồ Tây: Vi sinh vật có lợi Bacillus tăng 738 lần, tổng vi sinh vật hiếu khí tăng 47 lần; Bùn sông Tô Lịch giảm nhiều nhất 76,3cm về 15cm, bùn Hồ Tây giảm nhiều nhất về 0 cm;...
Nguyễn Dương