TPHCM:

Thanh tra toàn diện, truy thu tiền trợ giá xe buýt bị thất thoát

(Dân trí) - Hàng năm TP chi một khoản tiền lớn để trợ giá xe buýt. Nhưng công tác quản lý nguồn vốn trợ giá này còn hời hợt, lỏng lẻo, nhiều sai phạm, kể cả làm hồ sơ quyết toán khống...

Theo Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân, hàng năm kế hoạch ngân sách TP chi một khoản tiền lớn để trợ giá hoạt động vận chuyển hành khách công cộng bằng xe buýt. Tuy nhiên, kết quả thanh tra của Sở GTVT TP cho thấy công tác quản lý nguồn vốn trợ giá này của cơ quan quản lý nhà nước trong thời gian qua còn hời hợt, lỏng lẻo, nhiều sai phạm, kể cả làm hồ sơ quyết toán khống. Thậm chí, từ năm 2011 đến năm 2014 chưa quyết toán được.

Thanh tra toàn diện, truy thu tiền trợ giá xe buýt bị thất thoát
Chủ tịch UBND TP chỉ đạo Thanh tra toàn diện việc trợ giá xe buýt trên địa bàn thành phố. (ảnh minh họa)

Chủ tịch UBND TP đánh giá, báo cáo kết quả thanh tra chỉ mới dừng lại ở việc phát hiện sai phạm của các đơn vị vận tải và cơ quan trực tiếp giao kế hoạch, điều hành (Trung tâm Quản lý - Điều hành vận tải hành khách công cộng TP) mà chưa đánh giá hết những hạn chế, thiếu hiệu quả, thậm chí “bỏ quên” nhiệm vụ kiểm tra, giám sát của cơ quan chức năng TP có liên quan.

Chính vì vậy, để chấn chỉnh ngay những tồn tại yếu kém, trên cơ sở kết quả thanh tra của Sở GTVT TP, Chủ tịch UBND TP giao Thanh tra TP lập Đoàn kiểm tra liên ngành TP để tổ chức thanh tra toàn diện các mặt quản lý đối với việc trợ giá xe buýt trên địa bàn thành phố thời gian qua.

“Cần xây dựng đề cương, trưng tập cán bộ của các sở ngành để thực hiện thanh tra trên diện rộng, bảo đảm xử lý triệt để các tồn đọng, chấn chỉnh hoạt động quản lý, ngăn chặn và truy thu những khoản tiền đã bị thất thoát, tiêu cực…; đánh giá rút ra những bài học lớn (đã để xảy ra lãng phí, thiệt hại mà không ai, cơ quan nào chịu trách nhiệm)”, ông Lê Hoàng Quân nhấn mạnh.

Người đứng đầu chính quyền thành phố giao Sở GTVT TP chỉ đạo tổ chức kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan. Trước mắt phải chấn chỉnh ngay việc tổ chức đưa rước học sinh, công nhân phải đảm bảo đúng quy định. Đồng thời, phối hợp với Sở GD&ĐT căn cứ kết quả thanh tra đã có, xây dựng lại kế hoạch trợ giá cho hoạt động đưa rước học sinh – sinh viên trong năm học 2014 – 2015. Xác định và giao trách nhiệm cho Ban giám hiệu các trường có học sinh đi xe đưa rước để quản lý chặt chẽ chi phí trợ giá. Nội dung kế hoạch phải làm rõ sản lượng, số lượng học sinh sử dụng dịch vụ này, cự ly vận chuyển, chi phí, trợ giá… đảm bảo phục vụ đúng mục đích, đối tượng của chương trình.

Song song đó, Chủ tịch UBND TP giao lãnh đạo Công an thành phố chỉ đạo Cơ quan Cảnh sát điều tra sớm hoàn thành điều tra, báo cáo kết quả cho UBND TP theo quy định.

Qua kết quả thanh tra, Sở GTVT TP thừa nhận, Trung tâm Quản lý - Điều hành vận tải hành khách công cộng đã để xảy ra nhiều sai phạm nghiêm trọng trong hoạt động trợ giá đưa rước học sinh từ năm 2011 đến nay. Trung tâm đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý, không thực hiện việc kiểm tra, giám sát, đối chiếu thường xuyên, để các doanh nghiệp ký hợp đồng vận chuyển tự “vẽ” số lượng hành khách được trợ giá gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước.

Theo kết quả thanh tra, hoạt động trợ giá cho xe đưa rước công nhân đối với Công ty TNHH MTV Xe khách Sài Gòn (Sài Gòn Bus) cũng xảy ra nhiều sai phạm. Theo hợp đồng ký kết giữa đơn vị này với các doanh nghiệp sử dụng dịch vụ đưa rước công nhân từ năm 2011 đến năm 2013 có nội dung thỏa thuận: “Khi giá xăng dầu tăng hoặc giảm từ 1.000 đồng/lít so với thời điểm thỏa thuận giá gần nhất thì hai bên sẽ điều chỉnh tăng hoặc giảm giá thuê xe”.

Tuy nhiên, Trung tâm Quản lý - Điều hành vận tải hành khách công cộng thiếu kiểm tra nội dung hợp đồng này nên đã thanh toán cho Sài Gòn Bus chi phí nhiên liệu phát sinh khi giá xăng dầu tăng dù đơn vị này đã nhận tiền từ các doanh nghiệp, gây thất thoát tổng số tiền là 3,7 tỉ đồng.

Trong khi đó, theo kết quả thanh tra cho thấy, tại Trường Tiểu học Trần Hưng Đạo (quận 1) và Trường THCS Ngô Tất Tố (quận Phú Nhuận) có dấu hiệu kê khống thêm sản lượng vận chuyển học sinh để quyết toán. Nghiêm trọng hơn, Liên danh công ty TNHH MTV sản xuất thương mại dịch vụ Châu Cường - HTX Phương Lâm có dấu hiệu làm giả con dấu nhà trường, chữ ký hiệu trưởng Trường Tiểu học Bàu Sen (quận 5) và THCS Độc Lập (quận Phú Nhuận) để lập hồ sơ chiếm đoạt tiền trợ giá đưa rước học sinh gần 300 triệu đồng.

Liên quan đến sai phạm trong việc thực hiện chủ trương trợ giá xe buýt đưa đón học sinh, công nhân, 5 cán bộ của Sở GTVT TP và Trung tâm Quản lý - Điều hành Vận tải hành khách công cộng đã bị kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo và khiển trách.

Quốc Anh