1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

Thanh tra công tác quản lý nhà nước về xuất khẩu gạo trong 35 ngày

(Dân trí) - Thanh tra Chính phủ sẽ tiến hành thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật trong công tác quản lý nhà nước về xuất khẩu gạo trong thời hạn 35 ngày làm việc.

Chiều 24/4, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Bùi Ngọc Lam đã ký quyết định thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật trong công tác quản lý nhà nước về xuất khẩu gạo thời gian qua. Đây là cuộc thanh tra đột xuất được thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Theo đó, Thanh tra Chính phủ sẽ tiến hành thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật trong công tác quản lý nhà nước về xuất khẩu gạo theo Nghị định số 107/2018 của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo và các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 121/TB-VPCP ngày 23/3/2020 và số 2827/VPCP -KTTH ngày 10/4/2020 của Văn phòng Chính phủ.

Thời kỳ thanh tra là từ ngày 1/1/2020 đến ngày 31/5/2020, khi cần thiết có thể thanh tra những nội dung liên quan trước hoặc sau thời kỳ thanh tra. Thời hạn thanh tra là 35 ngày làm việc thực tế tại đơn vị kể từ ngày công bố quyết định thanh tra (không kể ngày nghỉ, ngày lễ theo quy định).

Ông Lê Quang Tiệp - Phó Vụ trưởng Vụ I (Thanh tra Chính phủ) sẽ làm trưởng đoàn thanh tra. Vụ Giám sát, Thẩm định và Xử lý sau thanh tra được giao thực hiện giám sát hoạt động của đoàn thanh tra theo quy định.

Thanh tra công tác quản lý nhà nước về xuất khẩu gạo trong 35 ngày - 1

Thanh tra Chính phủ phải báo cáo kết quả tới Thủ tướng Chính phủ trong tháng 6/2020.

Trước đó, ngày 20/4, Thủ tướng đã giao Thanh tra Chính phủ tiến hành thanh tra đột xuất việc chấp hành các quy định của pháp luật trong công tác quản lý Nhà nước về xuất khẩu gạo, làm rõ có hay không dấu hiệu trục lợi, tiêu cực để xử lý theo quy định của pháp luật.

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ giao Thanh tra Chính phủ tiến hành thanh tra đột xuất việc chấp hành các quy định của pháp luật trong công tác quản lý nhà nước về xuất khẩu gạo trong thời gian vừa qua theo Nghị định số 107/2018 của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo và các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 121/TB-VPCP ngày 23/3/2020 và số 2827/VPCP-KTTH ngày 10/4/2020 của Văn phòng Chính phủ, có hay không dấu hiệu trục lợi, tiêu cực để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Đồng thời, làm rõ những thông tin báo chí phản ánh về việc công khai, minh bạch liên quan đến việc làm thủ tục hải quan và việc đăng ký mở tờ khai hải quan khi xuất khẩu gạo.

Liên quan vụ việc này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cũng đã có văn bản gửi Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đề nghị cơ quan này vào cuộc để sự việc được điều tra khách quan nhất.

Tại phiên họp của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sáng 22/4, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thẳng thắn: “Xuất khẩu gạo khó khăn quá, sự lúng túng trong điều hành, quyết định vội vàng gây lãng phí tiền bạc của doanh nghiệp, ảnh hưởng tới người trồng lúa”.

Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, thời gian qua, nhiều cử tri đã có ý kiến, doanh nghiệp có đơn thư kiến nghị, cầu cứu Chính phủ về những bất cập trong điều hành xuất khẩu gạo, gây khó khăn, thiệt hại cho doanh nghiệp, nông dân.

Cơ quan giám sát kiến nghị xem xét, xử lý trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan trong thực thi công vụ, tham mưu các quyết định có ảnh hưởng lớn đến doanh nghiệp và người dân nhưng đã không đánh giá kỹ tác động. Đề nghị nghiên cứu giải pháp hỗ trợ cho các doanh nghiệp bị thiệt hại trong giai đoạn vừa qua như phải bồi thường hợp đồng hoặc tăng chi phí lãi vay, chi phí cho việc lưu kho, bãi do bị ảnh hưởng bởi việc tạm dừng xuất khẩu gạo.

Thế Kha

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm