Thanh tra Chính phủ “tự xử” cán bộ trong ngành dính chàm

(Dân trí) - Trong 3 năm, ngành thanh tra xử lý kỷ luật 82 cán bộ nhưng chỉ 11 người trong số đó bị xử lý hình sự về hành vi tham nhũng. Ở cấp Trung ương, Thanh tra xử lý kỷ luật 12 công chức nhưng chỉ 1 trường hợp bị phát hiện “bán” thông tin...

Ngay trước phiên chất vấn, ngày 9/6, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh gửi tới Quốc hội báo cáo về những nhóm vấn đề phải trả lời khi đăng đàn. Phiên chất vấn Tổng Thanh tra Chính phủ dự kiến xoay quanh 2 vấn đề: Công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo tồn đọng, kéo dài; Công tác thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng; công tác phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng của Thanh tra các cấp trong thời gian qua; công tác phòng, chống tham nhũng trong nội bộ ngành thanh tra; công tác phối hợp với cơ quan tiến hành tố tụng; công tác phối hợp, tổng hợp, đánh giá, dự báo và kiến nghị giải pháp trong công tác phòng, chống tham nhũng.

Báo cáo của Tổng Thanh tra nêu cụ thể mục tiêu hoàn thành giải quyết nốt 36 vụ việc khiếu kiện tồn đọng kéo dài trong số 528 vụ được Thủ tướng giao rà soát, xử lý từ năm… 2012; tiếp tục rà soát các vụ việc khác theo kế hoạch năm 2013.

Thanh tra Chính phủ “tự xử” cán bộ trong ngành dính chàm

Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh và 2 người đồng cấp (Bộ trưởng GTVT, Bộ trưởng Công an) tại diễn đàn Quốc hội (ảnh: Việt Hưng).

Dành dung lượng lớn hơn trong báo cáo cho công tác phòng chống tham nhũng, Tổng Thanh tra khái quát công việc, hàng năm đã tổ chức thanh kiểm tra trách nhiệm đối với thủ trưởng các cơ quan quản lý Nhà nước về phòng chống tham nhũng. Thanh tra Chính phủ cũng tiến hành thanh, kiểm tra trách nhiệm phòng chống tham nhũng tại các bộ, ngành, tỉnh thành, tập đoàn kinh tế, TCty 91.

Theo đó, năm 2011, thanh tra đã phát hiện 150 vụ tham nhũng, 320 người có hành vi liên quan đến tham nhũng với số tài sản gần 270 tỷ đồng, xử lý trách nhiệm 32 người đứng đầu. Năm 2012 phát hiện 89 vụ, 107 đối tượng có hành vi liên quan đến tham nhũng, xử lý trách nhiệm 44 người đứng đầu. Năm 2013, con số này lần lượt là 80 vụ, 90 đối tượng, 41 người đứng đầu.

Dù vậy, Tổng Thanh tra Huỳnh Phong Tranh thừa nhận, số vụ việc tham nhũng được phát hiện, xử lý vẫn còn ít.

Báo cáo của người đứng đầu cơ quan thanh tra cũng dành riêng một phần trình bày về kết quả công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng trong nội bộ ngành.

Ông Huỳnh Phong Tranh nhận định, thanh tra là một hoạt động nhạy cảm, thường xuyên tiếp xúc với những cám dỗ về vật chất. Đối tượng thanh tra thường muốn giảm nhẹ tính chất, mức độ vi phạm được phát hiện nên nếu cán bộ thanh tra không có bản lĩnh chính trị vững vàng thì rất dễ xảy ra vi phạm.

Trong 3 năm qua (2011-2013), ngành thanh tra đã tiến hành xử lý kỷ luật 82 cán bộ, công chức, chiếm 0,3% trên tổng số 28.000 cán bộ, công chức trong ngành. Trong đó, có 71 người bị xử lý hành chính, 11 người có dấu hiệu và hành vi tham nhũng bị xử lý hình sự.

Riêng Thanh tra Chính phủ đã xử lý kỷ luật 12 công chức (buộc thôi việc 1 công chức do vi phạm pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước, cách chức 1 người do vi phạm pháp luật về giao thông và chống người thi hành công vụ, khiển trách 10 công chức do vi phạm về quy trình nghiệp vụ và sinh con thứ 3).

Tổng Thanh tra khẳng định đã ban hành đồng bộ nhiều quy trình, quy chế nhằm chủ động phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi vi phạm của cán bộ công chức trong ngành; chấn chỉnh tác phong, lề lối làm việc, nâng cao chất lượng công tác, thực hiện nghiêm túc các quy định về văn hoá công sở, quy tắc ứng xử; đảm bảo xây dựng đội ngũ cán bộ thanh tra gương mẫu, trách nhiệm và liêm chính…

Về công tác tham mưu, dự báo tình hình, Tổng Thanh tra Huỳnh Phong Tranh nhận định, thực trạng tình hình tham nhũng rất khó đánh giá, đo lường chính xác, nhưng có thể khẳng định, tính chất, thủ đoạn tham nhũng ngày càng tinh vi, rất khó phát hiện, xử lý. Tình trạng nhũng nhiễu, vòi vĩnh chưa giảm. Tham nhũng trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính, ngân sách, dự án đầu tư, cấp phép xây dựng, giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất… vẫn còn xảy ra, chưa thấy có dấu hiệu giảm.

Thời gian tới, thanh tra sẽ chú trọng tới các lĩnh vực cho nguy cơ tham nhũng cao như đầu tư xây dựng, quản lý đất đai, tài nguyên, khoáng sản, tín dụng – ngân hàng, quản lý tài chính, tài sản công, tổ chức cán bộ, DNNN. Thanh tra cũng kiến nghị tăng cường tính công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan nhà nước, cải cách chế độ tiền lương.

9 nhóm giải pháp trong thời gian tới được lãnh đạo Thanh tra Chính phủ đưa ra, trong đó có việc áp dụng triệt để quy định về kê khai tài sản, thu nhập; xử lý trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng…

Lãnh đạo Thanh tra Chính phủ cũng hứa tăng cường phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong việc cung cấp thông tin cho báo chí, không để tình trạng thông tin sai sự thật, tạo dư luận không đúng về tình hình và những nỗ lực phòng chống tham nhũng của Việt Nam.

P.Thảo