Thanh tra Chính phủ quy định các trường hợp chưa "duyệt" đi nước ngoài
(Dân trí) - Thanh tra Chính phủ quy định các trường hợp tạm thời chưa xét duyệt cho công chức, viên chức, người lao động nghỉ đi nước ngoài giải quyết việc riêng.
Thanh tra Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 333/QĐ-TTCP quy định về chế độ nghỉ hàng năm, nghỉ lễ, nghỉ ốm đau, thai sản, nghỉ việc riêng đối với công chức, viên chức và người lao động (gọi tắt là công chức) thuộc cơ quan này.
Quyết định nêu rõ, trường hợp xin nghỉ hàng năm đi nước ngoài để giải quyết công việc riêng, công chức phải đăng ký kế hoạch với cục, vụ, đơn vị công tác để tổng hợp, xây dựng kế hoạch gửi Vụ Tổ chức cán bộ trước ngày 31/1.
Công chức phải báo cáo nhiều nội dung trong đơn xin đi nước ngoài (mục đích, nguồn kinh phí cho chuyến đi, quy định của đảng về công tác bảo vệ chính trị nội bộ) và gửi đơn vị công tác, Vụ Tổ chức cán bộ và Cục Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (Cục IV) để phục vụ công tác kiểm soát tài sản, thu nhập.
Trường hợp xin nghỉ đi khám, chữa bệnh, công chức phải nộp giấy tờ ở nước ngoài để chứng minh khi về nước, gửi cho Vụ Tổ chức cán bộ.
Các trường hợp không đăng ký kế hoạch đi nước ngoài để giải quyết công việc riêng, Thanh tra Chính phủ không xem xét giải quyết; trường hợp đặc biệt, có lý do chính đáng sẽ phải báo cáo Tổng Thanh tra Chính phủ xem xét, quyết định.
Việc đi nước ngoài trong thời gian nghỉ lễ, nghỉ Tết, nghỉ ốm đau, nghỉ thai sản,… chỉ thực hiện khi có quyết định của Thanh tra Chính phủ.
Quyết định số 333 nhấn mạnh, công chức thuộc các trường hợp sau tạm thời chưa xét duyệt nghỉ đi nước ngoài giải quyết việc riêng:
- Đang trong thời gian bị kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm, xem xét xử lý kỷ luật; đang bị xem xét khởi tố, điều tra về hành vi vi phạm pháp luật; có vấn đề chính trị cần xem xét theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước; đang bị đình chỉ công tác, tạm đình chỉ công tác.
- Thuộc đối tượng tạm hoãn xuất cảnh, cấm xuất cảnh, không được xuất cảnh theo quy định pháp luật.
- Đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc có liên quan đến công tác điều tra tội phạm (kể cả trường hợp được tại ngoại); đang có liên quan trong tranh chấp bản án hình sự.
- Công chức, viên chức đang trực tiếp tham gia đoàn thanh tra, tổ kiểm tra, xác minh, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng chống tham nhũng chưa hoàn thành công việc được giao theo kế hoạch, chưa có báo cáo kết quả thanh tra, kiểm tra, dự thảo kết luận (đối với trưởng đoàn, phó trưởng đoàn, tổ trưởng, tổ phó).
Ngoài ra, Thanh tra Chính phủ quy định công chức, viên chức, người lao động là đảng viên đi nước ngoài có trách nhiệm thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các quy định của đảng về nhiệm vụ của đảng viên và công tác quản lý đảng viên ở nước ngoài. Thực hiện đúng Quy định về bảo vệ chính trị nội bộ đảng, đảng viên phải báo cáo và được sự đồng ý của cấp ủy trực tiếp trước khi thực hiện.
Cụ thể hơn, lãnh đạo Thanh tra Chính phủ khi nghỉ phép hàng năm đi nước ngoài giải quyết việc riêng thực hiện theo Quy định 58/2022 của Bộ Chính trị quy định một số vấn đề về bảo vệ chính trị nội bộ đảng và quy định về phân cấp quản lý cán bộ. Trường hợp đi khám, chữa bệnh ở nước ngoài thực hiện theo Quyết định 257/2014 của Ban Chấp hành Trung ương về việc ban hành Quy trình giải quyết thủ tục đi khám, chữa bệnh ở nước ngoài đối với cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý.
Đối với công chức là Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Đảng ủy viên Đảng ủy Thanh tra Chính phủ, cấp ủy viên các đảng bộ, chi bộ trực thuộc Đảng bộ Thanh tra Chính phủ, đảng viên phải xin ý kiến của cấp ủy trực tiếp quản lý theo Quy định số 86/2022 của Ban Bí thư quy định về nhiệm vụ của đảng viên và công tác quản lý đảng viên ở nước ngoài.
"Trong thời hạn không quá 15 ngày làm việc, sau khi nhập cảnh về nước, đảng viên phải báo cáo đầy đủ, trung thực bằng văn bản với cấp ủy trực tiếp quản lý", Thanh tra Chính phủ nêu rõ.