1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Thanh tra Chính phủ phát hiện rất nhiều dự án ở Hải Phòng “đội vốn khủng”

(Dân trí) - Kết luận của Thanh tra Chính phủ về quản lý nhà nước và thực hiện pháp luật về đầu tư xây dựng tại TP Hải Phòng từ nguồn vốn ngân sách, nguồn vốn vay giai đoạn 2010-2017 đã chỉ ra hàng loạt dự án “đội vốn” đầu tư rất lớn, trong đó có dự án “đội” hàng nghìn tỉ đồng.

Trụ sở UBND TP Hải Phòng.
Trụ sở UBND TP Hải Phòng.

Nguồn tin của PV Dân trí cho biết Thanh tra Chính phủ vừa có Kết luận thanh tra về quản lý nhà nước và thực hiện pháp luật về đầu tư xây dựng tại TP Hải Phòng từ nguồn vốn ngân sách, nguồn vốn vay giai đoạn 2010-2017.

“Đội vốn” nghìn tỷ đồng

Trong giai đoạn thanh tra, UBND TP Hải Phòng thực hiện phê duyệt nhiều dự án đầu tư trên các lĩnh vực, đã xây dựng thứ tự ưu tiên đầu tư để tập trung phân bổ vốn cho các mục tiêu, nhiệm vụ. Qua kiểm tra giai đoạn trước Luật Đầu tư công có hiệu lực (2015), việc phân bổ đầu tư bộc lộ nhiều hạn chế do bố trí vốn dàn trải, không tập trung, nhiều dự án kéo dài do kế hoạch vốn được duyệt không đáp ứng được yêu cầu tiến độ, thiếu vốn đầu tư, hiệu quả đầu tư chưa đáp ứng được mục tiêu của dự án.

Đơn cử như Dự án đê biển Bạch Đằng được phê duyệt năm 2010, thời gian thực hiện 2010-2015, đến thời điểm thanh tra đã thực hiện một số gói thầu xây lắp số 4, số 5, số 6; giai đoạn điều chỉnh dự án tại gói thầu xây lắp số 13 xây lắp cứng hoá đê biển Km8+750- Km13+420 đấu thầu và ký hợp đồng năm 2012 với giá trị gói thầu gần 63 tỷ đồng, thời gian thực hiện 12 tháng, đến năm 2014 khối lượng hoàn thành trên 9 tỷ đồng và phải dừng thi công từ đó tới nay do không bố trí được vốn.

Dự án đê tả Lạch Tray được phê duyệt năm 2010 với tổng mức đầu tư trên 182,6 tỷ đồng, đến thời điểm thanh tra số vốn được cấp và thanh toán 97,5 tỷ đồng, một số gói thầu chưa thực hiện xong do không có vốn.

Dự án Cải tạo nâng cấp đường 356 được phê duyệt năm 2010 với tổng mức đầu tư gần 315 tỷ đồng, thời gian thực hiện 2010-2014 nhưng đã điều chỉnh tổng mức đầu tư vào năm 2012 lên tới gần 1.311 tỷ đồng, thời gian thực hiện tới năm 2017 nhưng vốn bố trí cho dự án đến hết năm 2016 mới đạt trên 290 tỷ đồng (22,1%).

Đường 356 (Ảnh: Báo Hải Phòng)
Đường 356 (Ảnh: Báo Hải Phòng)

Thanh tra Chính phủ khẳng định việc xác định cơ cấu nguồn vốn chưa có cơ sở thực hiện ở một số dự án. Trong đó, dự án Đường bao phía Đông Nam quận Hải An phê duyệt năm 2009 với tổng mức đầu tư 886,5 tỷ đồng, điều chỉnh dự án năm 2012 với tổng mức đầu tư 2.066 tỷ đồng. Đến năm 2016 bố trí vốn trên 507 tỷ đồng, khối lượng thực hiện đạt 30% phải điều chỉnh kéo dài gian thực hiện tới năm 2020. Trong đó xác định nguồn vốn Trung ương là 1.300 tỷ đồng, thực tế bố trí được 360 tỷ đồng; vốn từ nguồn đấu giá quyền sử dụng đất 566,5 tỷ đồng nhưng đến nay không thực hiện được, dự án kéo dài 9 năm.

Dự án Đê biển Nam Đình Vũ phê duyệt năm 2010 với tổng mức đầu tư 998,4 tỷ đồng, thời gian thực hiện 2011-2013 nhưng cuối năm 2013 đã điều chỉnh với tổng mức đầu tư gần 3.249 tỷ đồng. Trong đó xác định nguồn vốn Trung ương 848 tỷ đồng, bố trí đến năm 2016 trên 113 tỷ đồng; vốn địa phương 2.400 tỷ đồng không bố trí được, tổng số vốn bố trí cho dự án đến nay đạt 3,5%. Đến thời điểm thanh tra dự án mới thực hiện các gói thầu rà phá bom mìn, vật liệu nổ, với giá trị 71,71 tỷ đồng, các gói thầu xây lắp đang dừng thực hiện do không có vốn và chờ điều chỉnh quy hoạch.

Dự án tuyến đường trục chính 100m Lạch Tray- Hồ Đông phê duyệt năm 2007 với tổng mức đầu tư trên 4.834 tỷ đồng, thời gian thực hiện từ năm 2008-2018 nhưng đến nay vốn bố trí mới được 124,9 tỷ đồng (2,8%), trong đó vốn địa phương 114,9 tỷ đồng và vốn có hỗ trợ mục tiêu của Chính phủ 10 tỷ đồng. Dự án không đạt mục tiêu đầu tư.

“Việc xác định cơ cấu nguồn vốn không đúng, không có cơ sở, việc quyết định đầu tư vượt khả năng cân đối vốn, dẫn đến triển khai dự án gặp khó khăn, chậm tiến độ kéo dài, đầu tư dài trải, hiệu quả đầu tư kém, gây lãng phí ngân sách nhà nước và nợ đọng xây dựng ở nhiều dự án, trong đó có một số gói thầu xây lắp đã phải dừng thi công”- Thanh tra Chính phủ nhấn mạnh.

Ngoài ra, Thanh tra Chính phủ phát hiện tại Dự án hạ tầng kỹ thuật, chung cư tái định cư phường Đông Khê nợ đọng xây dựng đến nay là 164,6 tỷ đồng; Dự án tuyến đường trục chính 100m Lạch Tray- Hồ Đông nợ đọng xây dựng trên 291 tỷ đồng.

Không xin ý kiến Thủ tướng, không tiếp thu ý kiến bộ ngành

Kết luận của Thanh tra Chính phủ cho biết, giai đoạn 2010-2016 UBND TP Hải Phòng đã tổ chức lập, thẩm định và phê duyệt mới 282 dự án với tổng mức đầu tư trên 51.159 tỷ đồng; điều chỉnh 236 lượt dự án.

Trong quá trình tổ chức thực hiện còn tồn tại, hạn chế, thiếu sót ở một số khâu như: Trình tự thủ tục phê duyệt dự án đầu tư chưa chấp hành đúng quy định, nội dung phê duyệt và phê duyệt điều chỉnh dự án đầu tư chưa phù hợp về thời gian thực hiện và nội dung phê duyệt một số chi phí không đúng quy định.

Cơ quan thanh tra dẫn chứng việc phê duyệt đầu tư chưa có Báo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) ở Dự án đường trục chính Tây Nam khu công nghiệp Đình Vũ, Dự án Đê biển Nam Đình Vũ, Dự án khu tái định cư quận Ngô Quyền.

Phê duyệt chi phí dự phòng không phù hợp như thực hiện tại dự án đường trục Khu công nghiệp Bến Rừng, tại thời điểm phê duyệt đã sắp hết thời hạn thực hiện dự án nhưng đã phê duyệt tăng chi phí dự phòng lên tới 66 tỷ đồng (trong đó dự phòng trượt giá gần 31 tỷ đồng) không có cơ sở.

Công trường thi công cầu Hoàng Văn Thụ (Ảnh: ANHP).
Công trường thi công cầu Hoàng Văn Thụ (Ảnh: ANHP).

Tại Dự án đầu tư xây dựng cầu Khuể, Thủ tướng Chính phủ có văn bản đồng ý chủ trương đầu tư theo hình thức BT (xây dựng- chuyển giao) nhưng quá trình thực hiện theo hình thức này gặp khó khăn, UBND TP Hải Phòng có văn bản đồng ý thực hiện dự án với hình thức đầu tư từ nguồn vốn ngân sách nhưng không báo cáo xin chủ trương của Thủ tướng về việc thay đổi hình thức đầu tư.

Dự án đầu tư xây dựng cầu Hàn, cầu Đăng thực hiện theo yêu cầu cấp bách, lệnh khẩn cấp được Thủ tướng Chính phủ đồng ý. Tuy nhiên công tác chuẩn bị đầu tư tính từ ngày 24/4/2017 nghiệm thu kết quả khảo sát bước lập báo cáo nghiên cứu khả thi tới ngày 28/4/2017 phê duyệt dự án đầu tư có 4 ngày cho chuẩn bị và hoàn thành công tác lập, thẩm tra, thẩm định và phê duyệt dự án là không đảm bảo thời gian yêu cầu chất lượng của việc lập, thẩm tra, thẩm định và phê duyệt.

“Công trình cầu Hoàng Văn Thụ thuộc dự án Khu đô thị Bắc sông Cấm không tiếp thu ý kiến các bộ ngành để thực hiện phương án thi tuyển kiến trúc đối với công trình cấp đặc biệt, mà áp dụng hình thức tuyển chọn 1 trong 3 phương án kiến trúc do nhà thầu thực hiện”- kết luận thanh tra nêu rõ.

Kiểm tra nhiều dự án, Thanh tra Chính phủ phát hiện công tác thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công còn hạn chế, đặc biệt giai đoạn trước Luật xây dựng 2014 có hiệu lực, thiết kế bản vẽ thi công và dự toán do chủ đầu tư tự thẩm định, phê duyệt và chịu trách nhiệm. Do vậy việc thay đổi điều chỉnh thiết kế làm tăng chi phí đầu tư không thực hiện việc báo cáo người quyết định đầu tư, gây khó khăn trong công tác quản lý.

Nhiều dự án "đội vốn" hàng trăm tỷ đồng

Thanh tra Chính phủ khẳng định, tổng mức đầu tư một số dự án chất lượng tư vấn khảo sát, thiết kế và thẩm định còn hạn chế, phải thực hiện điều chỉnh dự án bổ sung, cắt giảm hạng mục, tăng giảm khối lượng, điều chỉnh đơn giá vật liệu, nhân công máy ảnh hướng tới tiến độ dự án và hiệu quả đầu tư dự án.

Trong đó, Dự án khu neo đậu tầu cá Cát Bà được phê duyệt năm 2005 với tổng mức đầu tư trên 64 tỷ đồng, sau 4 lần phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư được phê duyệt lần cuối năm 2013 lên tới 185 tỷ đồng, tăng cấp 3 lần và kéo dài thực hiện tới năm 2017 (chậm 8 năm).

Dự án đầu tư xây dựng Trường THPT chuyên Trần Phú (giai đoạn 1) được phê duyệt năm 2008 với tổng mức đầu tư trên 240 tỷ đồng, đến năm 2016 điều chỉnh lên thành 356 tỷ đồng- tăng gần 116 tỷ đồng, thời gian thực hiện kéo dài thêm 4 năm.

Dự án đầu tư xây dựng cầu Khuể được phê duyệt năm 2007 với tổng mức đầu tư trên 236,4 tỷ đồng, sau 3 lần điều chỉnh, phê duyệt lần cuối năm 2016 đã có tổng mức đầu tư 479 tỷ đồng (tăng gần 236 tỷ đồng), điều chỉnh tiến độ hoàn thành chậm 7 năm.

Dự án xây dựng công trình khu nhà ở sinh viên giai đoạn 1 được phê duyệt năm 2009 với tổng mức đầu tư trên 177,6 tỷ đồng, sau 5 lần điều chỉnh, trong đó có 3 lần điều chỉnh tổng mức đầu tư đã lên tới 368 tỷ đồng- tăng 190,4 tỷ đồng.

Thế Kha