Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng xử lý những "vấn đề" của condotel
(Dân trí) - Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo xử lý tình trạng đầu tư, xây dựng và chuyển nhượng quyền sử dụng đất đối với biệt thự du lịch, biệt thự nghỉ dưỡng và căn hộ condotel.
Kết luận thanh tra việc chuyển đổi nhà đất công có vị trí đắc địa sang mục đích khác ở tỉnh Khánh Hòa vừa được Thanh tra Chính phủ công bố cho rằng loại hình biệt thự du lịch, biệt thự nghỉ dưỡng, căn hộ nghỉ dưỡng (tại tỉnh Khánh Hoà gọi là “đất ở không hình thành đơn vị ở”) đã và đang phát triển ngày càng mạnh ở tỉnh Khánh Hoà và nhiều địa phương khác.
Việc đầu tư, xây dựng biệt thự du lịch, biệt thự nghỉ dưỡng đã mang lại một số hiệu quả như thu hút mạnh mẽ dòng vốn đầu tư, thúc đẩy về tăng tốc độ và quy mô phát triển du lịch, dịch vụ, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu ngân sách nhà nước,…
Tuy nhiên quá trình thực hiện đã phát sinh một số bất cập, vướng mắc, chủ yếu do pháp luật hiện hành chưa có quy định về loại đất ở không hình thành đơn vị ở trong khu du lịch nên tiềm ẩn nguy cơ tranh chấp, khiếu kiện trên diện rộng về thời hạn sở hữu tài sản và quyền sử dụng đất đối với nhà đầu tư thứ cấp đã nhận chuyển nhượng; cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản và quyền sử dụng đất; thực hiện quyền cư trú…
Các vấn đề này liên quan đến nhiều lĩnh vực do các luật khác nhau điều chỉnh như Luật Đất đai, Luật Đầu tư, Luật Quy hoạch, Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Du lịch, Luật Cư trú… nên cần phải được nghiên cứu để có giải pháp đồng bộ.
Từ thực tiễn đó, Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương xử lý tình trạng đầu tư, xây dựng và chuyển nhượng quyền sử dụng đất đối với đất ở không hình thành đơn vị ở (biệt thự du lịch, biệt thự nghỉ dưỡng và căn hộ condotel) tại Khánh Hoà và nhiều địa phương khác theo hướng: Khuyến khích thu hút đầu tư, phát triển du lịch, dịch vụ; không gây ách tắc dòng vốn đầu tư đã và đang phát triển mạnh; không gây xáo trộn đột biến ảnh hưởng đến thu hút đầu tư ở những địa phương đã thực hiện; hạn chế đến mức thấp nhất khả năng xảy ra rủi ro cho các nhà đầu tư. Đồng thời có giải pháp giải quyết đồng bộ mà trước hết là hoàn thiện hệ thống pháp luật hiện hành.
“Trước mắt tạm dừng cấp phép dự án codotel cho đến khi hệ thống pháp luật được hoàn thiện theo các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ”- cơ quan thanh tra nêu quan điểm và kiến nghị Thủ tướng giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các bộ ngành liên quan nghiên cứu đề xuất với Thủ tướng giải quyết cụ thể vấn đề condotel trên toàn quốc.
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình mới đây đã có ý kiến đồng ý với kết luận thanh tra và những kiến nghị của Thanh tra Chính phủ.
Bộ Công an kiến nghị không hợp thức hoá
Như Dân trí đã phản ánh trước đó, trong văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công an đã bày tỏ những bất cập trong quy hoạch pháp luật liên quan đến căn hộ du lịch (condotel), biệt thự du lịch, văn phòng kết hợp lưu trú (officetel).
Số liệu của Hiệp hội bất động sản Việt Nam cho thấy, cả nước đang có khoảng 82.902 căn hộ du lịch, 28.099 biệt thự du lịch, 12.617 phòng khách sạn, 15.663 căn shophouse tập trung tại Hà Nội, TPHCM, Quy Nhơn (Bình Định), Bình Thuận, Khánh Hoà, Đà Nẵng, Kiên Giang, Quảng Ninh, Bà Rịa- Vũng Tàu… Khoảng 16.523 căn hộ văn phòng kết hợp lưu trú, tập trung chủ yếu tại Hà Nội, TPHCM.
Bộ Công an đã kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Xây dựng khẩn trương nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Luật Kinh doanh bất động sản. Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật về phân loại đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất đối với các loại hình bất động sản mới để các địa phương có cơ sở thực hiện; không hợp thức hoá các dự án căn hộ du lịch, biệt thự du lịch, văn phòng kết hợp lưu trú thành nhà ở.
Trước mắt, Bộ Công an kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương không phát triển thêm dự án căn hộ du lịch, biệt thự du lịch, không hợp thức các loại hình này thành nhà ở.