Bộ Tài nguyên và Môi trường bảo lưu quan điểm về condotel
(Dân trí) - “Luật, nghị định, thông tư hướng dẫn bằng tiếng Việt, trong xã hội lại gọi bằng các từ tiếng Anh (condotel, officetel) nên phải truyền tải từ nội hàm xã hội sang quy định pháp luật là cái gì”.
Tại cuộc họp báo thường kỳ Bộ Tài nguyên và Môi trường sáng 20/7, trả lời câu hỏi của PV Dân trí liên quan đến việc Bộ Công an vừa kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND các địa phương không hợp thức hoá các dự án căn hộ du lịch (condotel) , biệt thự du lịch, văn phòng kết hợp lưu trú (officetel) thành nhà ở, ông Mai Văn Phấn - Phó tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai - vẫn bảo vệ quan điểm tại văn bản số 703/2020/BTNMT-TCQLĐĐ hướng dẫn Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Gặp khó vì quy định thì tiếng Việt, trong xã hội lại gọi tiếng Anh
Theo ông Mai Văn Phấn, căn cứ mà Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành văn bản số 703/2020 là Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, trong đó giao trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn về chế độ sử dụng đất và việc chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng không phải nhà ở.
“Về bản chất mà nói thì quy định pháp luật hiện hành đã có đầy đủ. Các địa phương khó thực hiện vì ngôn ngữ truyền đạt khác nhau. Trong khi luật, nghị định, thông tư hướng dẫn bằng tiếng Việt thì trong xã hội lại gọi đó bằng các từ tiếng Anh - condotel và officetel, nên trách nhiệm của cơ quan nhà nước là phải truyền tải từ nội hàm xã hội sang quy định pháp luật là cái gì”- ông Phấn nói.
Ông Phấn khẳng định, văn bản số 703 của Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ căn cứ trên quy định pháp luật, xác định chế độ sử dụng đất là gì, căn cứ quy định pháp luật thì cấp giấy với loại hình này như thế nào?
“Tôi khẳng định văn bản 703 rất rõ về đối tượng. Chúng tôi nói rõ bên nhận chuyển nhượng là hộ cá nhân hoặc tổ chức. Phạm vi điều chỉnh chỉ cho đối tượng nhận chuyển nhượng; còn chủ đầu tư thì đã được cấp giấy chứng nhận khi được giao đất thực hiện dự án rồi”- ông Phấn nói.
Lãnh đạo Tổng cục Quản lý đất đai phân tích, việc giao thực hiện các dự án phát triển ở địa phương có rất nhiều cơ quan tham gia. Bộ Tài nguyên và Môi trường có quan điểm “đầu vào” phải thượng tôn pháp luật: Giao đất và cho thuê đất đúng quy hoạch, cấp giấy phép xây dựng đúng mục đích sử dụng đất, hoàn công và phòng cháy chữa cháy phải tuân thủ và đủ các điều kiện quy định tại Điều 19 Luật Kinh doanh bất động sản.
“Khi dự án đủ điều kiện theo quy định tại Điều 19 Luật Kinh doanh bất động sản thì sẽ được cấp giấy chứng nhận. Tôi xin khẳng định, hành lang pháp lý từ loại đất, trình tự thủ tục về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đều rất rõ ràng. Loại hình này (condotel và officetel) tham chiếu sang quy định pháp luật rất tường minh rõ ràng. Vướng mắc là khi thực hiện thì danh từ tiếng Anh nên phải tham chiếu sang quy định pháp luật mà thôi”- ông Phấn kết luận.
Kiến nghị không hợp thức hoá
Trong văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ trước đó, Bộ Công an cho rằng văn bản số 703 của Bộ Tài nguyên và Môi trường chưa hướng dẫn rõ việc giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản cho từng người mua căn hộ. Trường hợp cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản cho từng người mua căn hộ trong dự án sẽ phát sinh nhiều vấn đề phức tạp về an ninh trật tự trong quản lý vận hành toà nhà, quản lý hoạt động đầu tư kinh doanh căn hộ; quản lý, thu hồi dự án khi hết thời hạn sử dụng đất của dự án.
Một số địa phương như Đà Nẵng, Bà Rịa - Vũng Tàu đang rà soát, đề xuất chuyển đổi mục đích sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng tài sản căn hộ du lịch cho người mua, dần hợp thức các căn hộ du lịch, biệt thự du lịch thành nhà ở, gây áp lực hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội sẽ phát sinh nhiều vấn đề phức tạp.
Trường hợp cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản cho từng căn hộ sẽ phát sinh việc thế chấp quyền sở hữu tài sản để vay vốn tại các ngân hàng khác nhau. Như vậy sẽ có tình trạng một tài sản sử dụng làm tài sản đảm bảo nhiều lần tại nhiều ngân hàng.
Hơn nữa, văn bản số 703 của Bộ Tài nguyên và Môi trường chưa đề cập việc xác định chế độ sử dụng đất, thời hạn sử dụng đất và việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu đối với loại hình văn phòng kết hợp lưu trú.
Luật Kinh doanh bất động sản 2014 quy định 2 loại hình kinh doanh bất động sản là kinh doanh bất động sản có sẵn và kinh doanh bất động sản hình thành trong tương lai. Tuy nhiên, quy định điều kiện kinh doanh bất động sản hình thành trong tương lai còn lỏng lẻo, chưa rõ vai trò của cơ quan quản lý nhà nước trong việc quản lý hoạt động kinh doanh bất động sản hình thành trong tương lai là căn hộ du lịch, biệt thự du lịch.
Bộ Công an kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND các địa phương không hợp thức hoá các dự án căn hộ du lịch, biệt thự du lịch, văn phòng kết hợp lưu trú thành nhà ở.
Thế Kha