Thanh tra Chính phủ kiến nghị dừng, giãn tiến độ các dự án điện mặt trời
(Dân trí) - Ninh Thuận tiến hành rà soát, có phương án thống nhất với nhà đầu tư tạm dừng, giãn tiến độ đầu tư đối với các dự án điện mặt trời đã cấp quyết định chủ trương đầu tư nhưng chưa tiến hành xây dựng.
Kết luận của Thanh tra Chính phủ cho biết, đến tháng 9/2019 UBND tỉnh Ninh Thuận đã cấp quyết định chủ trương đầu tư cho 13 dự án điện gió với quy mô công suất 630,63 MW, tổng vốn đầu tư đăng ký 25.856 tỷ đồng; 31 dự án điện mặt trời với quy mô công suất trên 1.816 MW, tổng vốn đầu tư đăng ký trên 46.312 tỷ đồng.
Trong đó có 18 dự án năng lượng tái tạo đang vận hành thương mại với công suất 1.180 MW; 2 dự án điện mặt trời đã hoàn thành nhưng chưa vận hành thương mại do đang thi công đường dây; 12 dự án đã khởi công xây dựng, đến nay chưa hoàn thành…
Chưa tính đến khả năng giải toả công suất của hệ thống truyền tải
Theo báo cáo của Sở Công Thương tỉnh Ninh Thuận, với hiện trạng lưới điện truyền tải hiện hữu trên địa bàn tỉnh này thì khả năng giải toả công suất chỉ đáp ứng khoảng 800 MW.
Với 18 dự án năng lượng tái tạo đang vận hành thương mại với tổng công suất 1.180 MW (gồm 15 dự án điện mặt trời công suất 1.063 MW, 3 dự án điện gió công suất 117 MW) đã làm quá tải lưới điện 110 kV.
Do đó, để đảm bảo ổn định hệ thống lưới điện, có 10 dự án điện gió, điện mặt trời đấu nối lưới điện 110 kV có thời điểm phải thực hiện giảm phát đến 60% công suất. Ước giảm phát 6 tháng cuối năm 2019 trên 224.647 kWh, tương đương 479,4 tỷ đồng, ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả đầu tư của các dự án, gây lãng phí, thiệt hại cho nhà đầu tư.
Dự kiến đến cuối năm 2020 có thêm 11 dự án điện mặt trời công suất 564 MW đã và đang triển khai các thủ tục đầu tư để khởi công, đưa vào vận hành thương mại. Và đến cuối năm 2021 có thêm 10 dự án điện gió công suất trên 513,6 MW đưa vào vận hành.
Để giải toả công suất các nhà máy điện năng lượng tái tạo, UBND tỉnh Ninh Thuận đã có 11 văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương cho Bộ Công Thương và các đơn vị liên quan triển khai đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng truyền tải điện trong giai đoạn đến 2020. Tuy nhiên đến thời điểm thanh tra các công trình lưới điện truyền tải 220 kV và 500 kV vẫn chưa được đầu tư. Hầu hết các dự án đầu tư công trình lưới điện 110 kV, 220 kV theo quy hoạch đang triển khai chậm tiến độ.
“Như vậy, việc bổ sung quy hoạch và cấp chủ trương đầu tư dự án điện mặt trời, điện gió chưa tính đến khả năng giải toả công suất của hệ thống truyền tải. Việc giải toả công suất 1.934 MW của các nhà máy điện mặt trời và điện gió đến hết 2020 và giải toả công suất 2.447,6 MW đến hết năm 2021 trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận là không khả thi nếu không có giải pháp đột phá”- Thanh tra Chính phủ nhận định.
Từ đó cơ quan thanh tra kiến nghị UBND tỉnh Ninh Thuận tiến hành rà soát, xem xét, có phương án thống nhất với nhà đầu tư tạm dừng, giãn tiến độ đầu tư đối với các dự án điện mặt trời đã cấp quyết định chủ trương đầu tư nhưng chưa tiến hành xây dựng. Việc này nhằm hạn chế tối đa việc các nhà máy năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận bị giảm công suất phát điện khi vận hành thương mại.
Hồ sơ đề xuất của nhà đầu tư chưa thể hiện rõ năng lực tài chính
Thanh tra Chính phủ phát hiện các sở ngành chuyên môn đã tham gia ý kiến về một số dự án còn chung chung, chưa thể hiện rõ điều kiện cần và đủ theo chuyên ngành để Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp báo cáo UBND tỉnh Ninh Thuận xem xét, quyết định. Hơn nữa, hồ sơ đề xuất của nhà đầu tư chưa thể hiện rõ năng lực tài chính. Điều này xảy ra tại Dự án nhà máy điện mặt trời Mỹ Sơn - Hoàn Lộc Việt; Dự án nhà máy điện mặt trời Adani Phước Minh; Dự án Nhà máy điện gió Mũi Dinh; Dự án Nhà máy điện mặt trời Xuân Thiện- Thuận Bắc; Dự án điện gió Đầm Nại; Dự án trang trại điện mặt trời SP Infra-Ninh Thuận…
Hơn nữa, quyết định chủ trương đầu tư một số dự án nhà máy điện mặt trời có sử dụng đất nông nghiệp thuộc vùng tưới hiện hữu, quy hoạch vùng tưới: Nhà máy điện mặt trời CMX Renewable Energy (200 ha); Nhà máy điện điện mặt trời Thiên Tân Solar Ninh Thuận (105 ha), Nhà máy điện mặt trời Trung Nam Thuận Bắc (264 ha); Dự án điện mặt trời Thuận Nam 12 (60 ha),…
Đối với các dự án đầu tư nhà máy điện mặt trời có sử dụng đất nông nghiệp thuộc vùng tưới hiện hữu và thuộc quy hoạch vùng tưới của các dự án công trình thuỷ lợi, Thanh tra Chính phủ đã đề nghị UBND tỉnh Ninh Thuận chỉ đạo lấy ý kiến của chủ đầu tư các công trình thuỷ lợi để không ảnh hưởng đến hiệu quả của công trình thuỷ lợi.
Đồng thời rà soát các dự án có khả năng cung cấp nước tưới phải kết hợp đầu tư phát triển điện mặt trời với đầu tư nông nghiệp công nghệ cao nhằm sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên đất đai.