1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Yêu cầu Ninh Thuận báo cáo Thủ tướng về dự án trên 4.700 tỷ

Thế Kha

(Dân trí) - UBND tỉnh Ninh Thuận phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu, đề xuất cụ thể, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định vấn đề liên quan tới dự án Mũi Dinh Ecopark.

Theo kết luận thanh tra thực hiện pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai; quản lý đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận vừa được ban hành, Tổng Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận chỉ đạo rà soát phương án giá đất cụ thể để giao đất, cho thuê đất; xác định lại giá thuê đất đối với các trường hợp áp dụng không đúng quy định về phương pháp xác định giá đất (dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng Điện lực; dự án Khu du lịch khách sạn và giải trí phức hợp Khánh Hải).

Tiếp tục thực hiện việc xác định lại giá thu tiền sử dụng đất theo văn bản của UBND tỉnh Ninh Thuận (dự án khu đô thị mới Đông Bắc K1; dự án Khu đô thị biển Bình Sơn - Ninh Chữ K2)…

Khẩn trương đưa Dự án cấp nước sinh hoạt cho nhân dân các xã thuộc huyện Ninh Phước và Khu công nghiệp Phước Nam, xây dựng hệ thống cấp nước Cà Ná- Phước Nam (huyện Ninh Phước và huyện Thuận Nam) vào hoạt động, không để lãng phí vốn đầu tư của nhà nước, thất thoát tài sản nhà nước. Có phương án phù hợp để xử lý đối với dự án xây dựng hệ thống thu gom, xử lý và tái sử dụng nước thải thành phố Phan Rang - Tháp Chàm.

Yêu cầu Ninh Thuận báo cáo Thủ tướng về dự án trên 4.700 tỷ - 1

Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, dự án Mũi Dinh Ecopark chồng lấn quy hoạch thăm dò, khai thác chế biến titan và diện tích đất rừng (Ảnh phối cảnh dự án).

Báo cáo Thủ tướng về dự án Mũi Dinh Ecopark

Thanh tra Chính phủ đề nghị Ninh Thuận khắc phục các sai sót, khuyết điểm trong việc thực hiện quy định đối với các dự án theo hình thức xây dựng- chuyển giao (BT); đôn đốc các nhà đầu tư khẩn trương hoàn thành các dự án BT theo hợp đồng đã ký kết để bàn giao, đưa vào sử dụng.

Chấp hành nghiêm Chỉ thị 13-CT/TW của Ban Bí thư và các quy định của pháp luật về bảo vệ rừng đối với các dự án chuyển mục đích sử dụng rừng; thực hiện nghiêm quy định tại Điều 79 Luật tài nguyên, môi trường biển, hải đảo đối với các dự án đã được quyết định đầu tư trước thời điểm luật này có hiệu lực.

Ninh Thuận cũng cần rà soát, xem xét thu hồi giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, thu hồi đất đối với nhà đầu tư không đảm bảo năng lực, vi phạm tiến độ đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư, đất đai, xây dựng, quản lý, chuyển đổi và sử dụng đất rừng theo quy định của pháp luật.

Đặc biệt, kiểm tra, rà soát, xem xét điều chỉnh quyết định chủ trương đầu tư đã cấp đối với một số dự án có diện tích đất chưa được Thủ tướng Chính phủ cho phép chuyển đổi đất rừng và đất khoáng sản titan ra khỏi quy hoạch.

Đối với dự án Mũi Dinh Ecopark , UBND tỉnh Ninh Thuận cần phối hợp với Bộ Công Thương (đơn vị chủ trì), Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu, đề xuất cụ thể, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định (theo nội dung Văn bản Thông báo kết luận số 210/TB-VPCP ngày 22/6/2020 của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại cuộc họp về dự thảo Nghị định về quản lý khoáng sản ở các khu vực dự trữ để phát triển các dự án trên mặt và một số kiến nghị của tỉnh Ninh Thuận).

“Rà soát việc xác định giá đất, nộp tiền sử dụng đất, chấp hành về quy hoạch, xây dựng, huy động vốn, phương án kinh doanh của chủ đầu tư theo đúng quy định của pháp luật đối với một số dự án đã được quyết định chủ trương đầu tư ngoài thời kỳ thanh tra như Dự án SunBay Park Hotel & Resort của Công ty cổ phần SunBay Ninh Thuận…

Được biết, dự án Mũi Dinh Ecopark nằm tại xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam có tổng diện tích lên tới 766 hecta, tổng vốn đầu tư trên 4.725 tỷ đồng do Công ty Cổ phần Mũi Dinh EcoPark làm chủ đầu tư. Dự án bao gồm các khu nghỉ dưỡng, các khách sạn, khu công viên vui chơi giải trí; khu thương mại - dịch vụ tập trung; khu công viên đồi cát bảo tồn; khu bến du thuyền và các khu chức năng đặc thù khác.

Còn dự án Sunbay Park Hotel & Resort nằm tại khu trung tâm công viên biển Bình Sơn, đường Yên Ninh, thành phố Phan Rang, tiếp giáp với đường bờ biển dài 105 km, 3 tòa tháp của dự án được gắn kết nhau với tầm nhìn hướng biển, gần kề công viên biển Bình Sơn rộng 19,3 hecta và công viên nước nội khu với diện tích 4,7 hecta. Dự án được khởi công từ tháng 4/2019 với tổng vốn đầu tư khoảng 4.500 tỷ đồng.

Yêu cầu Ninh Thuận báo cáo Thủ tướng về dự án trên 4.700 tỷ - 2

Dự án điện mặt trời.

Tạm dừng, giãn tiến độ đầu tư dự án điện mặt trời

Thanh tra Chính phủ cũng đề nghị UBND tỉnh Ninh Thuận tiến hành rà soát, xem xét, có phương án thống nhất với nhà đầu tư tạm dừng, giãn tiến độ đầu tư đối với các dự án điện mặt trời đã cấp quyết định chủ trương đầu tư nhưng chưa tiến hành xây dựng. Mục đích để hạn chế tối đa việc các nhà máy năng lượng tái tạo trên địa bàn bị giảm công suất phát điện khi vận hành thương mại. Trước mắt đảm bảo 15 dự án đã vận hành thương mại và 5 dự án hoàn thành trong năm 2019 giải toả 100% công suất.

Rà soát, xử lý theo quy định đối với 7 dự án điện gió đã cấp quyền quyết định chủ trương đầu tư nhưng chưa được Bộ Công Thương thẩm định, phê duyệt quy hoạch phương án đấu nối.

Đồng thời rà soát các dự án điện mặt trời đang trình thẩm định bổ sung quy hoạch, đề nghị Bộ Công Thương xem xét thẩm định đối với các dự án có khả năng giải toả 100% công suất, các dự án bổ sung quy hoạch còn lại căn cứ khả năng giải toả công suất của hệ thống hạ tầng truyền tải điện đã đầu tư để tiếp tục đề nghị Bộ Công Thương thẩm định.

Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng giao Bộ Công Thương phối hợp, chỉ đạo các đơn vị liên quan có giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện đầu tư xây dựng đối với các công trình hạ tầng lưới điện truyền tải nhằm đáp ứng khả năng truyền tải, giải toả công suất các dự án năng lượng tái tạo trên địa bàn Ninh Thuận.

Phối hợp với các bộ, ngành liên quan rà soát các quy định về hoạt động truyền tải điện tại các văn bản pháp luật hiện hành, nghiên cứu, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ xem xét, trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung quy định cho phép áp dụng xã hội hoá đối với chủ đầu tư xây dựng lưới điện truyền tải, đảm bảo an ninh năng lượng, an ninh quốc gia và đáp ứng khả năng truyền tải, giải toả công suất của các dự án nhà máy sản xuất điện (trong đó có các dự án năng lượng tái tạo).