Thành phố Thủ Đức ra sao sau một năm thành lập?
(Dân trí) - Sau một năm thành lập, thành phố Thủ Đức đã đạt được những thành quả nhất định trong phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, đơn vị hành chính đặc biệt này cũng còn nhiều vấn đề cần cải thiện.
Sau tròn một năm công bố thành lập, thành phố Thủ Đức đã đạt được những thành quả nhất định trong việc phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, với ảnh hưởng lớn từ đại dịch Covid-19 cùng nhiều nguyên nhân khác, thành phố trực thuộc TPHCM còn nhiều vấn đề cần cải thiện để xứng tầm với kỳ vọng lớn của người dân và các cấp chính quyền.
"Chúng ta phải thẳng thắn nhìn nhận một số vấn đề còn hạn chế và chặng đường phục hồi kinh tế phía trước sẽ còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, nếu không có giải pháp phù hợp trong thời gian tới", ông Hoàng Tùng, Chủ tịch UBND thành phố Thủ Đức, chỉ rõ tại hội nghị tổng kết năm 2021 của thành phố Thủ Đức.
Năm đầu tiên của đơn vị hành chính đặc biệt
Năm 2021, thành phố Thủ Đức có tổng thu ngân sách Nhà nước là 10.350 tỷ đồng, đạt 124% so với chỉ tiêu, thu ngân sách địa phương đạt hơn 182% dự toán và bằng 113,24% so với cùng kỳ năm trước. Trong một năm dịch Covid-19 khiến mọi lĩnh vực bị đình trệ, thành phố Thủ Đức đã để lại điểm nhấn đầu tiên trong quá trình hình thành và phát triển qua kết quả thu ngân sách.
Ngoài ra, các công trình trong năm có tỷ lệ giải ngân đạt hơn 96%, đạt chỉ tiêu được thành phố giao. Với định hướng trở thành trung tâm khởi nghiệp lớn nhất TPHCM, trong năm 2021, thành phố Thủ Đức có 4.092 doanh nghiệp thành lập mới với tổng vốn đăng ký hơn 62.000 tỷ đồng, nâng tổng số doanh nghiệp đang hoạt động tại đây lên 4`.320 đơn vị.
Bên cạnh đó, công tác quy hoạch, chỉnh trang và phát triển đô thị của thành phố mới tiếp tục chuyển biến. Địa bàn đã trồng mới 391.782 cây xanh, đạt tỷ lệ 156,71% so với kế hoạch năm 2021, tạo diện mạo của đô thị hiện đại.
"Sau một năm nhìn lại, tôi vui mừng chia sẻ rằng trong bối cảnh khó khăn và thách thức, tình hình kinh tế - xã hội của thành phố được giữ vững, đã đạt được nhiều kết quả tích cực, khá toàn diện trên các lĩnh vực", Chủ tịch UBND thành phố Thủ Đức nhìn nhận.
Mặc dù đã đạt được những kết quả tích cực bước đầu trong năm đầu tiên hình thành, phát triển, ông Hoàng Tùng, Chủ tịch UBND thành phố Thủ Đức cũng chỉ rõ, địa phương này chưa đạt nhiều chỉ tiêu do ảnh hưởng của đại dịch. Trong đó, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất ngành thương mại dịch vụ âm 18%, hồ sơ hành chính đúng hạn chưa đạt chỉ tiêu.
Ngoài ra, các chỉ tiêu về y tế cũng chưa hoàn thành nhiệm vụ được giao về số giường bệnh/10.000 dân, tỷ lệ gia tăng dân số tự nhiên còn thấp.
"Công tác cải cách hành chính cần tiếp tục có giải pháp khắc phục. Sự phối hợp giải quyết hồ sơ công việc chưa đồng bộ, một số nơi chưa quan tâm nhiều đến kết quả khảo sát hài lòng, có tình trạng hồ sơ giải quyết đúng hạn 100% nhưng tỷ lệ khảo sát hài lòng chưa tương xứng", ông Hoàng Tùng phân tích.
Trao cho dân cái họ cần
Phát biểu định hướng tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Hiếu, Bí thư Thành ủy thành phố Thủ Đức, yêu cầu, lực lượng cán bộ địa phương cần quyết tâm để làm tốt từng phần việc hàng ngày, mang lại kết quả thực chất. Trong đó, mọi hành động cần có sự quyết tâm, nỗ lực, sáng tạo, không mang tính khẩu hiệu.
Đối với người dân, người đứng đầu Đảng bộ thành phố Thủ Đức nhấn mạnh, người dân, doanh nghiệp cần được cung cấp cái họ cần, chứ không phải cái mà địa phương có. Trong đợt dịch vừa qua, chính người dân, doanh nghiệp đã đứng ra hỗ trợ vật tư y tế, máy móc, trang, thiết bị, thuốc men cho chính quyền, bởi vậy, chính quyền cần giải quyết các vấn đề của họ trong thời điểm hiện tại.
Phát biểu chỉ đạo, ông Lê Hòa Bình, Phó chủ tịch UBND TPHCM, cho rằng, ngay trong năm đầu tiên thành lập, thành phố Thủ Đức đã thực hiện một khối lượng công việc khổng lồ. Việc gộp 3 quận thành đơn vị hành chính duy nhất không chỉ là một phép cộng đơn thuần mà liên quan nhiều đến vận hành, tổ chức bộ máy.
"Thành ủy, UBND TPHCM khi đó rất lo lắng về việc quyền lợi, đời sống người dân có bị ảnh hưởng, ách tắc không. Nhưng qua một năm vừa rồi thì các vấn đề đều được thực hiện tốt", lãnh đạo UBND TPHCM chia sẻ.
Sang năm 2022, lãnh đạo UBND TPHCM yêu cầu, thành phố Thủ Đức tiếp tục tập trung đảm bảo tiến độ hoàn thành Đồ án Quy hoạch chung thành phố Thủ Đức đến năm 2040 định hướng 2060. Ngoài ra, đơn vị hành chính này cần khẩn trương thực hiện các nội dung phân cấp, ủy quyền về phương hướng, nhiệm vụ và cơ chế phát triển.
Bên cạnh đó, ông Lê Hòa Bình cũng chỉ đạo chính quyền thành phố Thủ Đức nhanh chóng giải quyết khiếu nại liên quan đến Khu đô thị mới Thủ Thiêm, khu công nghệ cao và đảm bảo tốt việc chăm lo Tết cho người dân, chú trọng đến giải quyết chỗ ở cho người lao động, người thu nhập thấp.
"Thành phố Thủ Đức có nhiều khu công nghiệp, khu công nghệ cao với lượng lớn chuyên gia, công nhân. Chính quyền cần tạo điều kiện để họ về quê ăn Tết cùng gia đình, câu chuyện lương thưởng để họ an tâm về và an tâm quay lại cùng thành phố phát triển", ông Lê Hòa Bình lưu ý.