Thành phố phê duyệt đề án giãn dân phố cổ trong tháng 8
(Dân trí) - Đề án giãn dân phố cổ đã được các Sở ngành thẩm định, sang tháng 8 Thành phố sẽ duyệt đề án này. Song song với quá trình di dân phố cổ là kế hoạch cải tạo mặt đứng trên nhiều tuyến phố - Bí thư quận Hoàn Kiếm, Hoàng Công Khôi cho biết.
Đề án giãn dân phố cổ đã bị tắc nhiều năm, đến nay kế hoạch này đã thực hiện đến đâu, liệu đến 2015 có di chuyển được 1800 hộ dân ra khỏi đây không thưa ông?
Như vậy, vấn đề sau đó là tổ chức thực hiện các nhiệm vụ cụ thể như đối tượng giãn dân là thế nào, cơ chế, chính sách giãn dân ra sao, và việc triển khai xây dựng khu đô thị Việt Hưng để đón người dân sang đó.
Kể cả việc giãn dân phố cổ và bảo tồn khu phố, phát huy làng nghề phố cổ giai đoạn này Thành phố sẽ triển khai tích cực để hoàn thành mục tiêu đề ra.
Nhiều người dân sống trong khu phố cổ băn khoăn khi di dời thì nhà họ sử dụng thế nào cho hợp lý, quận đã có kế hoạch về việc này thế nào, thưa ông?
Kế hoạch xác định đối tượng di dời và cơ chế chính sách để phục vụ cho di dời còn phải nghiên cứu kỹ hơn sau đó sẽ đưa ra những vấn đề cụ thể. Đối tượng đầu tiên sang khu đô thị Việt Hưng là những hộ đang nằm trong quy hoạch mặt bằng của các di tích, công sở, trường học và những gia đình đang ở rất chật chội có nhu cầu di dời.
Thái độ của người dân đối với đề này thế nào?
Số hộ dân di dời tương đối lớn. Giai đoạn I di dời sang khu đô thị Việt Hưng rộng 11,12ha mới chỉ đáp ứng được 1800 hộ. So với số dân có nhu cầu đi thì khu đô thị Việt Hưng không thể đáp ứng đủ. Để tiếp tục di dời dân phố cổ Thành phố phải có kế hoạch xây dựng một số khu đô thị mới.
Ngoài việc xây dựng khu đô thị Việt Hưng để giãn dân, Thành phố có chính sách cụ thể nào khác để khuyến khích những hộ dân đi đợt đầu không?
Đầu tháng 8 mới có chính sách cụ thể, khi đó chúng tôi mới công khai cho dân biết.
Thành phố có kế hoạch giảm tải ở khu phố cổ xuống còn bao nhiêu dân thưa ông?
Có trên 86.000 người dân sinh sống trong khu phố cổ hiện nay. Theo như yêu cầu thì giảm khoảng 40%. Đợt đầu có 1800 hộ đi, tương đương khoảng 7.200 người dân.
Khi mật độ dân số trong khu vực phố cổ giảm thì quận có biện pháp gì để bảo tồn phố cổ?
Mật độ dân phố cổ giảm và đặt biệt nếu trong một nhà chỉ còn 1 hộ thì điều kiện bảo tồn sẽ tốt hơn rất nhiều.
Song song với việc thực hiện giãn dân phố cổ, Thành phố và quận sẽ tổ chức thiết kế mẫu mặt đứng của các tuyến phố như kiểu phố Tạ Hiện hiện nay.
Nhiều chuyên gia cho rằng bảo tồn phố cổ rất khó vì việc này không có yếu tố sinh lợi nên người dân không hợp tác?
Chúng ta phải tìm cách để người dân hiểu được lợi ích của nhà nước cũng gắn với lợi ích của cá nhân và lúc đó kể hoạch bảo tồn phố cổ sẽ làm được. Câu chuyện ở Tạ Hiện là ví dụ, lúc đầu người dân không thiết tha với việc bảo tồn tuyến phố, nhưng khi thấy được lợi ích thì họ đã tham gia rất tích cực.
Các tuyến phố làng nghề, phố nghề hoạt động hiện nay đang tồn tại nhiều vấn đề thiếu tích cực, liệu Thành phố có quy hoạch lại không, thưa ông?
Hiện nay nhiều hộ gia đình vẫn sản xuất, chế tác ở khu phố cổ với điều kiện chật hẹp như vậy là không hợp lý, ảnh được đến đời sống của người dân.
Thành phố phải có các cụm làng nghề truyền thống ở bên ngoài để các nghệ nhân sang bên đó sản xuất và chế tác. Các tuyến phố ở trong phố cổ sẽ là cửa hàng, cửa hiệu quảng bá trưng bày, bán sản phẩm thì phù hợp hơn.
Quang Phong