Giãn dân phố cổ: Nơi đến không chỉ có Việt Hưng
(Dân trí) - Lãnh đạo Thành phố Hà Nội tiếp tục khẳng định, nơi đến của người dân khi di chuyển khỏi phố cổ không chỉ có khu đô thị Việt Hưng. Lãnh đạo thành phố cũng yêu cầu có các giải pháp để đảm bảo một số hộ có “mặt đường” kinh doanh tại các điểm đến…
Phố cổ Hà Nội đã quá chật chội.
Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Khôi vừa làm việc với quận Hoàn Kiếm và các sở, ngành về đề án giãn dân phố cổ sang khu đô thị Việt Hưng.
Theo đề án, người dân di chuyển khỏi phố cổ sẽ được mua một căn hộ tại khu đô thị Việt Hưng với các hình thức trả một lần, trả góp hoặc được thuê một căn hộ với giá ưu đãi. Cùng với đó, người dân được vay vốn với lãi suất thấp nhằm ổn định cuộc sống.
Để đón dân phố cổ sang khu đô thị Việt Hưng (quận Long Biên), quận Hoàn Kiếm đề nghị thành phố điều chỉnh quy hoạch của lô đất 11,12 ha tại đây. Cụ thể, trong 7 ô đất tại đây sẽ không dành 2 ô để xây dựng biệt thự như ban đầu mà chuyển tất cả sang xây chung cư cao tầng.
Trong các chung cư cao tầng này, căn hộ chiếm 65% (với các diện tích từ 60 - 100m2), trong khi diện tích sàn kinh doanh - dịch vụ chiếm 35%. Theo lãnh đạo quận Hoàn Kiếm, trong các chung cư có thể thiết kế các căn hộ thông tầng tạo điều kiện cho người dân kinh doanh.
Quận cũng đề nghị thành phố giao 3 lô đất để xây dựng trường tiểu học, trường mầm non, trạm y tế tại các khu vực gần khu gian dân.
Trong đợt 1, sẽ di chuyển 1814 hộ, trong đó 196 hộ bắt buộc phải di chuyển (gồm 170 hộ trong di tích, 2 hộ trong trường học, 24 hộ trong công sở) và 1618 hộ tự nguyện di chuyển. |
Riêng với khu đón dân phố cổ tại Việt Hưng cần phải có các sân chơi nhỏ, vườn hoa… Về thiết kế các tòa nhà, để tạo điều kiện kinh doanh cho người dân, không nhất thiết phải xây thông tầng, bởi còn có các thiết kế khác có thể thỏa mãn yêu cầu.
Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Khôi khẳng định, nơi đến của dân phố cổ di chuyển không chỉ là khu đô thị Việt Hưng mà còn nhiều lô đất ở những vị trí khác.
Cũng theo ông Khôi, quận Hoàn Kiếm phải tính toán được, với 11,12ha tại khu Việt Hưng sẽ xây dựng được bao nhiêu m2 sàn, trên cơ sở đó ước tính số người có thể đón nhận.
Phó Chủ tịch thành phố yêu cầu phải điều tra lại nhu cầu nhà ở của người dân, không nên cứng cơ cấu căn hộ là từ 60 - 100m2. Đối với các hộ dân mặt phố chấp nhận di chuyển phải đảm bảo cho họ có mặt đường kinh doanh tại khu mới thông qua việc thiết kế tầng 1 thích hợp.
Về phương thức mua, thuê căn hộ theo ông Khôi cần làm rõ các đối tượng thuộc từng diện này. Cùng đó, cần tính tới cơ chế chính sách cho những hộ không có nhu cầu tái định cư.
Về “hậu” giãn dân tại phố cổ, sau khi người dân di chuyển, các diện tích còn lại phải được giao dịch qua sàn bất động sản do quận quản lý. Các giao dịch chỉ thực hiện trong quận như sang nhượng cho các hộ bên cạnh hoặc Xí nghiệp quản lý nhà sẽ mua lại để tôn tạo phố cổ… Các biện pháp này nhằm tuân thủ nguyên tắc “không làm tăng trở lại dân phố cổ”.
Ông Khôi yêu cầu đề án cần làm rõ hơn mục tiêu nâng cao chất lượng sống cho người dân phố cổ. Trong đó, phải nhấn mạnh đến chuẩn nhà ở (số m2/người) đến năm 2030 cũng như vấn đề tăng công trình công cộng tại khu vực này.
Cấn Cường