Thanh Hóa chỉ đạo khẩn trương sắp xếp bộ máy và lên kịch bản tăng trưởng
(Dân trí) - Kịch bản tăng trưởng năm 2025 của Thanh Hóa phấn đấu 11% trở lên. Chủ tịch tỉnh yêu cầu khẩn trương hoàn thành sắp xếp bộ máy, đơn vị hành chính, không để ảnh hưởng đến người dân, doanh nghiệp.
Ông Đỗ Minh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, đã ký quyết định ban hành kịch bản tăng trưởng kinh tế của địa phương này trong năm 2025.
Theo UBND tỉnh Thanh Hóa, tình hình thế giới, khu vực dự báo sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, đặc biệt là các chính sách của Mỹ và phản ứng của các nước, có thể ảnh hưởng đến sản xuất công nghiệp, xuất khẩu và thu hút FDI của Việt Nam.

Thanh Hóa lên kịch bản tăng trưởng 11% trở lên (Ảnh: Thanh Tùng).
Sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi số, năng lượng tái tạo đang trở thành yếu tố quyết định cho năng lực cạnh tranh và là động lực quan trọng cho tăng trưởng.
Trong nước, nền kinh tế dự báo sẽ duy trì đà tăng trưởng tích cực với các yếu tố nền tảng về thể chế, pháp luật và cơ chế chính sách được củng cố. Các động lực tăng trưởng từ cả phía cung và cầu tiếp tục được thúc đẩy mạnh mẽ, mở ra cơ hội phát triển mới cho Việt Nam.
Tại Thanh Hóa, thành quả trong thu hút đầu tư tiếp tục phát huy, đóng góp lớn cho tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, tỉnh vẫn đối mặt với nhiều thách thức như hạ tầng khu vực miền núi, chất lượng nguồn nhân lực, năng suất lao động còn hạn chế, cùng với các yếu tố thiên tai, dịch bệnh và biến đổi khí hậu.
Năm 2025 có vai trò quan trọng trong việc thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XIX và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025. Để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP của cả nước từ 8% trở lên, Thanh Hóa cần đạt tốc độ tăng trưởng GRDP từ 11% trở lên.
Tăng trưởng kinh tế cần nhanh nhưng bền vững, phát triển hài hòa giữa kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường, đảm bảo quốc phòng, an ninh.
Kịch bản tăng trưởng GRDP theo từng quý và cả năm của Thanh Hóa được đặt ra như: quý I 9,79% trở lên; quý II 10,64% trở lên; quý III 10,74% trở lên và quý IV là 12,57% trở lên. Cả năm 2025, Thanh Hóa phấn đấu đạt 11% trở lên.
Để đạt được mục tiêu nêu trên, giải pháp mà Thanh Hóa nhấn mạnh là việc củng cố tinh thần đoàn kết, sáng tạo, khắc phục tình trạng quan liêu.
Tư duy mới, cách làm mới, đột phá và có các cơ chế, chính sách, giải pháp linh hoạt, đồng bộ, sáng tạo; khẩn trương hoàn thành sắp xếp tổ chức bộ máy, đơn vị hành chính "tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả", không để ảnh hưởng đến người dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhà đầu tư, doanh nghiệp.
Phát huy vai trò của 4 trung tâm kinh tế động lực: Khu kinh tế Nghi Sơn, thành phố Thanh Hóa - Sầm Sơn, khu vực Lam Sơn - Sao Vàng và Bỉm Sơn - Thạch Thành. Ba trụ cột phát triển là công nghiệp chế biến, nông nghiệp, du lịch, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo...
Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương cần tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ và hiệu quả 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra. Giải pháp trọng tâm bao gồm hoàn thiện thể chế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư và phát triển kinh tế tư nhân...
Ông Đỗ Minh Tuấn cũng yêu cầu các đơn vị phổ biến kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2025 đến toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức để tạo sự đồng thuận trong thực hiện.
Văn phòng UBND tỉnh được giao thường xuyên đôn đốc, kiểm tra và xử lý trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, địa phương không thực hiện nghiêm chỉ đạo.
Năm 2024, GRDP của Thanh Hóa đạt 12,16%, đứng thứ 2 cả nước, chỉ sau tỉnh Bắc Giang với mức tăng trưởng 13,85%; thu ngân sách hơn 54.000 tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay, dẫn đầu các tỉnh Bắc Trung Bộ và đứng thứ 8 trên toàn quốc.
Theo Nghị quyết số 25 của Chính phủ, chỉ tiêu tăng trưởng GRDP năm 2025 của Thanh Hóa là 11%. Thanh Hóa là tỉnh đứng thứ 2 trong vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ, sau Ninh Thuận 13% và nằm trong top 10 tỉnh, thành có chỉ tiêu tăng trưởng cao nhất cả nước.