"Thanh Hóa cần tận dụng tốt cơ chế đặc thù để phát triển bứt phá"

Thanh Tùng

(Dân trí) - "Thanh Hóa cần tận dụng tốt các cơ chế đặc thù Trung ương đã tin tưởng trao cho để khơi dậy tiềm năng, giải phóng nguồn lực, phát huy lợi thế sẵn có để phát triển bứt phá" - Chủ tịch nước chỉ đạo.

Đó là những ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa sáng 29/8. Tham gia buổi làm việc có Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cùng lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương.

Thanh Hóa cần tận dụng tốt cơ chế đặc thù để phát triển bứt phá - 1

Toàn cảnh buổi làm việc của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và đoàn công tác Trung ương với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa (Ảnh: M.H).

Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đứng thứ 5 cả nước

Theo báo cáo của ông Đỗ Minh Tuấn - Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, năm 2021, dù chịu tác động rất lớn từ dịch Covid-19, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước đạt 8,85%, đứng thứ 5 cả nước; đặc biệt 6 tháng đầu năm 2022, tăng trưởng kinh tế ước đạt 13,41%, đứng thứ 3 cả nước, thu ngân sách bằng 93,6%, đạt cao nhất từ trước đến nay.

Cùng với đó, công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được đổi mới và đạt kết quả tích cực; quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, việc thực hiện chiến lược cải cách tư pháp, cải cách hành chính trong hệ thống Tòa án và Viện kiểm sát nhân dân tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực.

Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa nêu một số kiến nghị, đề xuất tới Chủ tịch nước như: Thanh Hóa đề xuất Chính phủ đồng ý chủ trương để Thanh Hóa vận động, kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư xây dựng đường cất hạ cánh số 2, hệ thống đường lăn và nhà ga hành khách T2 theo quy hoạch Cảng hàng không Thọ Xuân.

Thanh Hóa cần tận dụng tốt cơ chế đặc thù để phát triển bứt phá - 2

Thanh Hóa đề xuất nhiều chủ trương đầu tư cơ sở hạ tầng Cảng hàng không Thọ Xuân đến Chính phủ (Ảnh: G.T).

Đồng thời, đề xuất Chính phủ cho chủ trương đầu tư đường giao thông nối đường Hồ Chí Minh tại xã Quang Trung, huyện Ngọc Lặc với Quốc lộ 6 tại xã Phong Phú, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình, chiều dài khoảng 89km, đạt tiêu chuẩn đường cấp III miền núi; tổng mức đầu tư khoảng 3.500 tỷ đồng.

Thanh Hóa cũng xin Chính phủ cho phép tỉnh này và các tỉnh có đặc điểm tương đồng được tăng thêm không quá 10 phó giám đốc sở ngoài tổng số lượng phó giám đốc sở theo quy định tại Nghị định số 107/NĐ-CP như Thành phố Hà Nội và TPHCM.

Cần tận dụng tốt cơ chế đặc thù

Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao thành quả phát triển kinh tế - xã hội, nỗ lực thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX của Thanh Hóa.

Tuy nhiên, Chủ tịch nước cũng chỉ rõ những hạn chế của Thanh Hóa, mặc dù kinh tế tăng trưởng cao nhưng chưa thực sự vững chắc và hài hòa, nhất là giữa các ngành, lĩnh vực, các vùng, địa bàn, tính lan tỏa chưa cao.

Thanh Hóa cần tận dụng tốt cơ chế đặc thù để phát triển bứt phá - 3

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chủ trì buổi làm việc tại Thanh Hóa (Ảnh: M.H).

Năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế thấp, quy mô kinh tế Thanh Hóa chỉ chiếm khoảng 2,5% quy mô GDP cả nước. Thu ngân sách lớn, song khả năng tự chủ ngân sách còn thấp, môi trường đầu tư kinh doanh còn nhiều bất cập.

Lĩnh vực nông nghiệp năng suất lao động thấp, mô hình nông nghiệp công nghệ cao thành công không nhiều; phát triển du lịch còn nhiều hạn chế và nút thắt, tốc độ đô thị hóa chậm, thu nhập của người dân còn thấp, chất lượng giáo dục, đào tạo và y tế chưa cao.

Chủ tịch nước nhấn mạnh, Thanh Hóa cần tận dụng tốt các cơ chế đặc thù Trung ương đã tin tưởng trao cho, để khơi dậy tiềm năng, giải phóng nguồn lực, phát huy lợi thế sẵn có để phát triển bứt phá.

Chủ tịch nước đề nghị Thanh Hóa sớm hoàn thiện và phê duyệt quy hoạch phát triển tỉnh trên cơ sở tích hợp phát triển kinh tế gắn với phát triển xã hội, đô thị hóa gắn với phát triển nông thôn, chuyển dịch sản xuất gắn với chuyển dịch cơ cấu lao động… với tầm nhìn dài hạn.

Cần xóa bỏ tư duy và tầm nhìn cục bộ địa phương, tăng cường liên kết, hợp tác với các tỉnh trong vùng Bắc Trung Bộ, vùng Thủ đô, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và các tỉnh, thành phố khác trong cả nước.

Chủ tịch nước lưu ý Thanh Hóa cần nỗ lực tối đa để cải thiện thứ hạng và nâng cấp môi trường kinh doanh của địa phương. Bên cạnh đó, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục; tập trung nguồn lực, tránh dàn trải để đầu tư hình thành được một trường đại học có chất lượng cao, hình thành các trung tâm đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp.

Tiếp tục thực hiện tốt các chính sách xã hội, nhất là giai đoạn hậu Covid-19, tiếp tục triển khai hiệu quả các gói hỗ trợ của Chính phủ, nhất là những vùng khó khăn, xã nghèo, thôn bản đặc biệt.

Ngoài ra, tỉnh Thanh Hóa cần chắt chiu nguồn lực cùng với sự hỗ trợ của Trung ương để đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, cởi mở về cơ chế, xóa bỏ các rào cản để khuyến khích tư nhân tham gia đầu tư vào hạ tầng khu công nghiệp, cảng hàng không, cảng biển, các tiện ích; đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển kinh tế số.

Đồng thời, chú trọng bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế, tăng cường hợp tác và hữu nghị với các địa phương của nước bạn Lào, xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tích cực phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Về những đề xuất của tỉnh Thanh Hóa, Chủ tịch nước đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành phối hợp hỗ trợ, tháo gỡ, triển khai kịp thời.