Đề xuất mới nhất về nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ tướng Chính phủ

Thế Kha

(Dân trí) - Dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) vừa công bố lấy ý kiến góp ý đã thiết kế theo hướng phân định và khái quát hóa các nhóm nhiệm vụ, trách nhiệm của Thủ tướng Chính phủ.

Dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) vừa được Bộ Nội vụ công khai lấy ý kiến góp ý rộng rãi.

Đề xuất mới nhất về nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ tướng Chính phủ - 1

Trụ sở Bộ Nội vụ (Ảnh: Thanh Tuấn).

Phân định và khái quát hóa các nhóm nhiệm vụ

Bộ Nội vụ (cơ quan soạn thảo) cho biết, theo quy định của Hiến pháp năm 2013 thì nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ tướng Chính phủ chủ yếu tập trung vào việc lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành hoạt động của Chính phủ.

Tuy nhiên, qua rà soát 257 luật chuyên ngành có tới 152 luật đang quy định nhiệm vụ, thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ thì Thủ tướng Chính phủ được giao quyết định rất nhiều quyền hạn cụ thể.

Vì vậy, dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) đã thiết kế theo hướng phân định và khái quát hóa các nhóm nhiệm vụ: (1) Nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ trình Quốc hội; (2) Nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội; (3) Nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ trình Chủ tịch nước; (4) Nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành hoạt động của Chính phủ.

Cơ quan soạn thảo đã chủ động nghiên cứu, đề xuất để chuyển các nhiệm vụ, quyền hạn quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực hiện đang giao cho Thủ tướng Chính phủ sang cho bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, bảo đảm tăng cường trách nhiệm người đứng đầu các bộ, cơ quan ngang bộ.

Về trách nhiệm của Thủ tướng Chính phủ (nêu tại Điều 11 dự thảo luật), dự thảo đề xuất bổ sung và quy định rõ trách nhiệm của Thủ tướng Chính phủ với tư cách là người đứng đầu Chính phủ, thay mặt Chính phủ báo cáo công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trước Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước.

Đồng thời bổ sung và quy định rõ trách nhiệm của Thủ tướng Chính phủ với tư cách là thành viên Chính phủ.

Đề xuất mới nhất về nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ tướng Chính phủ - 2

Một phiên họp chuyên đề của Chính phủ năm 2024 (Ảnh: Đoàn Bắc).

Đề xuất nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của Thủ tướng Chính phủ

Theo dự thảo luật, Thủ tướng Chính phủ do Quốc hội bầu trong số các đại biểu Quốc hội theo đề nghị của Chủ tịch nước.

Thủ tướng Chính phủ là người đứng đầu Chính phủ và hệ thống hành chính nhà nước.

Thủ tướng Chính phủ thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Hiến pháp, các luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội và các nhiệm vụ, quyền hạn sau:

Thứ nhất, trình Quốc hội phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng và thành viên khác của Chính phủ; trong thời gian Quốc hội không họp, trình Chủ tịch nước quyết định tạm đình chỉ công tác của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng và thành viên khác của Chính phủ.

Thứ hai, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm, miễn nhiệm đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Thứ ba, trình Chủ tịch nước quyết định các nội dung sau: Đặc xá; tặng thưởng huân chương, huy chương, các giải thưởng nhà nước, danh hiệu vinh dự nhà nước; quyết định cho nhập quốc tịch, thôi quốc tịch, trở lại quốc tịch hoặc tước quốc tịch Việt Nam; phong, thăng, giáng, tước quân hàm cấp tướng, chuẩn đô đốc, phó đô đốc, đô đốc hải quân; bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Tổng tham mưu trưởng, Chủ nhiệm Tổng cục chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam.

Dự thảo luật nêu rõ, Thủ tướng lãnh đạo công tác của Chính phủ; lãnh đạo việc xây dựng chính sách và tổ chức thi hành pháp luật; lãnh đạo và chịu trách nhiệm về hoạt động của hệ thống hành chính nhà nước từ trung ương đến địa phương, bảo đảm tính thống nhất và thông suốt nền hành chính quốc gia.

Thủ tướng cũng được đề xuất thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể sau:

- Lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng các văn bản pháp luật và các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách và các dự án khác thuộc thẩm quyền quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

- Chỉ đạo, điều hòa, phối hợp hoạt động giữa các thành viên Chính phủ; quyết định các vấn đề khi còn có ý kiến khác nhau giữa các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ.

- Lãnh đạo, chỉ đạo UBND, Chủ tịch UBND cấp tỉnh thực hiện các quy định của pháp luật và các chương trình, kế hoạch, chiến lược của Chính phủ trên các lĩnh vực quản lý kinh tế, văn hóa, xã hội và quốc phòng, an ninh.

- Lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra và xử lý các vi phạm trong quá trình triển khai thực hiện Hiến pháp và pháp luật trong phạm vi toàn quốc.

- Quyết định phân cấp thực hiện những nội dung thuộc thẩm quyền quyết định của Thủ tướng.

- Ủy quyền cho Phó Thủ tướng Chính phủ hoặc bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ với tư cách thành viên Chính phủ thực hiện một hoặc một số nhiệm vụ trong phạm vi thẩm quyền của Thủ tướng.

- Ban hành quyết định, chỉ thị và hướng dẫn, kiểm tra việc thi hành các văn bản đó trong hệ thống các cơ quan hành chính nhà nước từ trung ương đến địa phương và quyết định một số nội dung cụ thể.

Trong thời gian Quốc hội không họp, Thủ tướng quyết định giao quyền bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nội vụ trong trường hợp khuyết bộ trưởng hoặc thủ trưởng cơ quan ngang bộ.

Trong thời gian giữa hai kỳ họp HĐND cấp tỉnh, quyết định giao quyền Chủ tịch UBND cấp tỉnh theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nội vụ trong trường hợp khuyết Chủ tịch UBND cấp tỉnh; bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan thuộc Chính phủ.

Thủ tướng có quyền yêu cầu Chủ tịch UBND cấp tỉnh đình chỉ công tác, cách chức Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND cấp dưới khi không hoàn thành nhiệm vụ được cấp có thẩm quyền giao hoặc vi phạm pháp luật.

Thủ tướng quyết định thành lập, sáp nhập, giải thể các cơ quan, tổ chức khác thuộc UBND cấp tỉnh theo quy định của pháp luật; quyết định thành lập hội đồng, ủy ban hoặc ban khi cần thiết để giúp Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, chỉ đạo, phối hợp giải quyết những vấn đề quan trọng liên ngành.

Về trách nhiệm, dự thảo luật đề xuất Thủ tướng chịu trách nhiệm trước Quốc hội về hoạt động của Chính phủ và hệ thống hành chính nhà nước từ trung ương đến địa phương; về các quyết định và kết quả thực hiện các quyết định của mình trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn được giao.

"Thủ tướng thực hiện báo cáo công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trước Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước; giải trình, trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội, trường hợp cần thiết thì ủy quyền cho Phó Thủ tướng Chính phủ thực hiện", dự thảo luật nêu.

Ngoài ra, theo dự thảo, Thủ tướng Chính phủ thực hiện chế độ báo cáo trước Nhân dân thông qua các phương tiện thông tin đại chúng về những vấn đề quan trọng thuộc thẩm quyền giải quyết của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.

Thủ tướng Chính phủ thay mặt Chính phủ hoặc ủy quyền cho thành viên Chính phủ thay mặt Chính phủ ký các văn bản của Chính phủ.

Thành lập, bãi bỏ bộ, cơ quan ngang bộ do Chính phủ trình Quốc hội quyết định

Chính phủ là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền hành pháp, là cơ quan chấp hành của Quốc hội.

Chính phủ chịu trách nhiệm trước Quốc hội và báo cáo công tác trước Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước.

Chính phủ gồm Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ, các bộ trưởng và thủ trưởng cơ quan ngang bộ. Cơ cấu số lượng thành viên Chính phủ do Thủ tướng Chính phủ trình Quốc hội quyết định.

"Cơ cấu tổ chức của Chính phủ gồm các bộ, cơ quan ngang bộ. Việc thành lập, bãi bỏ bộ, cơ quan ngang bộ do Chính phủ trình Quốc hội quyết định. Nhiệm kỳ của Chính phủ theo nhiệm kỳ của Quốc hội. Khi Quốc hội hết nhiệm kỳ, Chính phủ tiếp tục làm nhiệm vụ cho đến khi Quốc hội khóa mới thành lập Chính phủ", dự thảo luật đề xuất.