Đã báo cáo Bộ Chính trị phương án xử lý 12 dự án nghìn tỷ thua lỗ
(Dân trí) - Bộ Chính trị đã cho chủ trương về phương án xử lý đối với toàn bộ 12 dự án, doanh nghiệp yếu kém ngành công thương. Đến nay, 4 dự án đạm đã có lãi và trả nợ đúng hạn.
Chiều 3/1, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc chủ trì Hội nghị giao ban Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp về tình hình sắp xếp, cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước và phát triển doanh nghiệp giai đoạn 2021-2026.
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo, tính đến 15/12/2024 đã có 117/667 doanh nghiệp được phê duyệt đề án cơ cấu lại (đạt 17% về số lượng). Báo cáo cho thấy các tập đoàn, tổng công ty có quy mô lớn, hoạt động trong những ngành, lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế cơ bản hoạt động có hiệu quả.
Bên cạnh đó, phương án xử lý đối với toàn bộ 12/12 dự án, doanh nghiệp yếu kém ngành công thương do lịch sử để lại đã cơ bản hoàn thành và báo cáo Bộ Chính trị cho chủ trương. Các cơ quan, doanh nghiệp đang quyết liệt triển khai xử lý dứt điểm theo kết luận của Bộ Chính trị; 4 dự án đạm đã có lãi và trả nợ đúng hạn.
Riêng năm 2024, Thủ tướng, Phó Thủ tướng, Trưởng Ban Chỉ đạo, đã hoàn thành việc báo cáo Bộ Chính trị cho ý kiến xử lý 4 dự án yếu kém khó khăn nhất còn lại, gồm: Dự án nhà máy Bột giấy Phương Nam, Thép Thái Nguyên giai đoạn 2, Công ty TNHH MTV Công nghiệp Tàu thủy Dung Quất, Thép Việt Trung.
Phát biểu tại hội nghị, đại diện các tập đoàn, tổng công ty (PVN, Viettel, VNPT, VRG, EVN, Agribank) đề xuất cơ quan có thẩm quyền có biện pháp tháo gỡ vướng mắc liên quan tới thoái vốn; hoàn thiện cơ sở pháp lý về thoái vốn các khoản đầu tư tại nước ngoài; quy định, hướng dẫn một số nội dung liên quan đến quản lý doanh nghiệp; chính sách thuế; đầu tư nguồn điện…
Đại diện Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ban Kinh tế Trung ương, lãnh đạo Thành phố Hà Nội cũng nhấn mạnh yêu cầu nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện thể chế để nâng cao tính chủ động, chịu trách nhiệm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp…
Sau khi nghe các ý kiến của các doanh nghiệp, bộ ngành, địa phương, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc yêu cầu năm 2025 cần tiếp tục nghiên cứu để có giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhất là trong xác định giá trị doanh nghiệp, giá đất…
Nhấn mạnh cổ phần hóa để nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, ông Phớc yêu cầu các bộ ngành rà soát, đánh giá kỹ lưỡng thực tế quá trình triển khai cổ phần hóa thời gian qua.
Ông cũng chỉ đạo các đơn vị nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định của pháp luật, nhất là Luật quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp (Luật 69) với tinh thần đổi mới.
Phó Thủ tướng yêu cầu các doanh nghiệp tập trung đổi mới công nghệ, thiết bị, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, quy trình quản trị… để nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đề ra.
Đối với việc tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, Ban Chỉ đạo phối hợp với các doanh nghiệp làm rõ "địa chỉ", vướng ở đâu, ở khâu nào, cơ quan nào để có giải pháp phù hợp, hiệu quả.
Đề nghị lãnh đạo bộ ngành, địa phương chịu trách nhiệm về tiến độ xây dựng Đề án sắp xếp, cơ cấu lại doanh nghiệp, Phó Thủ tướng yêu cầu các cơ quan đại diện chủ sở hữu trong quý I/2025 phải hoàn thành phê duyệt Đề án cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước theo Quyết định số 360 của Thủ tướng.
Các bộ, ngành theo chức năng, nhiệm vụ được giao tăng cường đôn đốc, kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện công tác sắp xếp, cổ phần hóa, cơ cấu lại theo thẩm quyền.
Ban Chỉ đạo chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan, tiếp tục tổ chức đôn đốc, kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện tại một số cơ quan, đơn vị trọng điểm.