1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Thành cổ Sơn Tây: Nên tôn tạo thế nào?

Dự án “Bảo tồn, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích thành cổ Sơn Tây” (thuộc thị xã Sơn Tây, Hà Tây) đã được thực hiện khoảng 1 năm nay. Tuy nhiên, thời gian qua có nhiều thông tin cho rằng, dự án đang và sẽ làm mất đi những giá trị lịch sử của khu thành cổ này. Phải chăng cái dự án trị giá tới 48 tỷ đồng đang dần rời xa mục tiêu đặt ra ban đầu?

Theo sử sách thời cận và hiện đại, thành có bố cục hình vuông, mỗi cạnh dài khoảng 400m với độ cao 5,2m. Toàn bộ khu vực thành rộng khoảng 20 ha, xung quanh có hào nước sâu khoảng 3m, rộng 20m, chu vi khoảng 2.000m bao bọc quanh thành. Bên trong có Vọng cung; kỳ đài, Đoan môn và công đường của các quan đầu tỉnh, kho lương thực, trại lính… Mỗi mặt tường thành có 1 cổng theo các hướng: Đông, Tây, Nam, Bắc. Bởi là thành quân sự, nên trên mỗi cổng thành và kỳ đài đều có dựng vọng gác.

 

Tuy nhiên, suốt trong thời Pháp thuộc người Pháp dùng thành làm đồn binh và nhà tù giam giữ tù binh. Đặc biệt là thời kỳ kháng chiến chống Pháp, toàn bộ những công trình trên đều đã bị hủy hoại, hư hỏng nặng. Kỳ đài, Vọng cung, Đoan môn không còn. Toàn bộ hệ thống tường thành bị đổ nát, chỉ còn lại một số đoạn thành cao khoảng 40 - 50cm với những bụi cây hoang mọc um tùm phía trên.

 

Cổng thành phía Đông đã mất hoàn toàn, chỉ còn nền móng. 2 cổng Nam và Tây còn lại vẫn giữ nguyên được nét xưa mặc dù đã bị bong lở khá nhiều. Riêng cổng phía Bắc tuy được trùng tu lại vào năm 1995 nhưng không còn giữ được hình ảnh xưa. Trong khuôn viên thành hiện nay, cây xanh khá dày. Riêng những cây đa, si đang bám chặt, bao bọc lấy 2 chiếc cổng thành còn nguyên nét xưa thì ngay các cụ già cũng không thể biết được là chúng mọc lên ở đó từ khi nào…

 

Chúng tôi đã tận mắt chứng kiến những đoạn thành phế tích nói trên, và cả những đoạn móng đá ong do các nhà khảo cổ phát hiện ở khu Vọng cung xưa. Riêng hệ thống kỳ đài (gần giống như cột cờ Hà Nội, nhưng nhỏ hơn và chỉ cao 19,32m kể cả phần đế) và 2 hồ Tả - Hữu trước kỳ đài cùng khuôn viên sân vườn xung quanh khu vực này, nhờ dự án tôn tạo - đã được hoàn thiện sau gần 2 năm khởi công. Hồ cũng được lát đá ong toàn bộ bậc lên xuống, trên bờ được làm lan can đá cao khoảng 50cm.

 

Ở khu vực mặt Tây, một đoạn tường thành dài 100m với chiều cao 5,2m được phục dựng ngay trên nền móng thành cũ sắp sửa hoàn thành. Tường thành được xây bằng đá hộc, giữa đắp đất sét, mặt ngoài được ốp đá ong. Toàn bộ đá ong để thực hiện dự án này được khai thác ở Thạch Thất, Hà Tây. Phía bên trong được đổ đất tạo độ thoải dần lên mặt thành. Phần trên (khoảng 1m) được xây gạch thẻ…Ông Nguyễn Hữu Nhu - người chỉ huy công trường đang thi công ở đây, cho biết: “Việc phục hồi 2 cổng thành phía Nam và Tây với chuyện chặt những cây đa, cây si ở đó chưa được bàn đến. Hiện nay chúng tôi đang chuẩn bị để khởi công xây nhà Vọng cung…”.

 

Phục dựng như thế nào?

 

Thành cổ Sơn Tây vốn được xem là tòa thành đá ong được xây dựng hoàn chỉnh nhất ở Việt Nam. Năm 1924, Toàn quyền Pháp ở Đông Dương đã xếp hạng di tích cổ cho tòa thành này. Đến năm 1994, thành cổ Tây Sơn chính thức được nhà nước công nhận là Di tích lịch sử văn hóa. Vì thế, việc tôn tạo, trùng tu khu thành này là cần thiết. Tuy nhiên, vấn đề ở đây là cách thức trùng tu, tôn tạo như thế nào? Có nhất thiết phải làm mới tất cả các hạng mục công trình không?

 

 

Thành cổ Sơn Tây: Nên tôn tạo thế nào?  - 1
 

Hàng cột đèn chiếu sáng theo kiểu phương Tây
trước khuôn viên kỳ đài và hồ nước.

Dẫn chúng tôi đi tham quan các khu vực trong thành, ông Nguyễn Hữu Nhu tỏ ra khá bức xúc trước nhiều thông tin cho rằng các hạng mục công trình đã làm sai với lịch sử. “Dự án đầu tư, bản thiết kế… tất cả đã được thẩm định và phê duyệt. Chúng tôi (Công ty cổ phần Xây dựng và du lịch Bình Minh) là đơn vị thi công, vì vậy chúng tôi chỉ làm đúng với những gì mà bản thiết kế yêu cầu. Còn vì sao có bản thiết kế như vậy thì chúng tôi không thể trả lời được!” - ông Nhu nói.

 

Về vấn đề này, kiến trúc sư Bùi Quang Ba - Trưởng phòng Tư vấn thiết kế, Công ty Mỹ thuật Trung ương, người chủ trì thiết kế dự án này khẳng định: “Mọi phương án thiết kế đã được thẩm định, phê duyệt và chúng tôi làm đúng theo những cái đã được phê duyệt. Đá hộc ở chân móng tường thành hay vật liệu bê tông cốt thép giúp cho công trình được bền vững nhưng phía bên ngoài vẫn đảm bảo đúng hình dáng, chất liệu cũ. Chúng tôi thiết kế, thi công tất cả các hạng mục đều phải dựa vào rất nhiều nguồn tư liệu, số liệu, hình ảnh thời Pháp để lại và dựa cả vào thực trạng hiện trường, nghiên cứu những công trình kiến trúc cùng thời”.

 

Một điều dễ dàng nhận thấy, dự án này muốn “dựng lại” một thành cổ Sơn Tây với hình ảnh khá nguyên vẹn như thời người Pháp chiếm đóng và xa hơn là khi thành mới được xây dựng dưới thời vua Minh Mạng. Tuy nhiên, theo thăng trầm của lịch sử, hiện trạng và hình ảnh về thành cổ Sơn Tây đã có nhiều thay đổi. Vì thế, chưa biết chính xác việc phục hồi, tôn tạo có thực sự đem lại những giá trị đích thực hay không? Ông Lê Sửu (82 tuổi, người ở thị xã Sơn Tây) cho rằng: “Làm gì thì làm, nhưng phải giữ được hình ảnh thành cổ và những cây xanh ở đây. Chúng tôi không đồng tình việc làm mới tất cả, đặc biệt là chuyện chặt mấy cây đa để xây lại cổng thành mới…”.

 

Đầu năm 1995, ngay sau khi được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa, chiếc cổng thành phía Bắc được trùng tu. Và để tiến hành công việc đó, Công ty Tu bổ di tích Trung ương đã cho chặt bỏ cây đa được xem là đẹp nhất khu vực thành cổ đang bám chặt, ôm trọn chiếc cổng vào bộ rễ rất dài của mình. Sự kiện này đã vấp phải sự phản ứng mạnh mẽ của người dân Sơn Tây. Cổng thành phía Bắc sau khi được phục chế xong không ăn nhập gì với khuôn viên và phía sau cổng, hiện trở thành nơi để xe chở rác của Công ty Môi trường và công trình đô thị Sơn Tây.

 

Vậy mà, để phục chế 2 chiếc cổng còn lại, cả ông Ba và ông Nhu đều khẳng định: nếu thi công xây dựng lại cổng mới thì việc chặt bỏ những cây đa ở đây là điều rất khó tránh khỏi. Ông Nhu cho rằng: “Nếu không chặt cây thì không thể làm được!”. Theo ông Nhu, để làm mới lại một chiếc cổng thành sẽ tốn vài tỷ đồng. Điều mà người dân băn khoăn là tại sao các nhà thiết kế, thi công không tính đến chuyện dùng các biện pháp kỹ thuật gia cố, tôn tạo lại cổng, vừa không phải chặt cây, vừa đảm bảo sự bền vững cho 2 chiếc cổng cổ - một việc không quá khó khăn với công nghệ xây dựng hiện nay. Và có cần thiết phải dựng cổng mới không khi mà những chiếc cổng hiện nay mới đích thực là cổng thành cổ với vẻ đẹp hiếm có do những cây đa tạo ra. Và chính chúng mới làm nên cái hồn của thành cổ Sơn Tây với giá trị lịch sử và tâm linh mà người dân đã và đang chấp nhận.

 

Tất cả những người dân Sơn Tây khi trò chuyện với chúng tôi đều cho rằng, suốt trong quá trình thực hiện khảo sát, xây dựng dự án cho đến thi công, người dân ở đây không được tham gia góp ý gì cả. Đây là một điều rất đáng suy nghĩ, khi mà chính họ là những người đã và đang sống cùng tòa thành này.

 

Theo Trần Lưu - Trần Hà
Sài Gòn Giải Phóng