TPHCM:
Tháng 10 sẽ lắp ray tuyến metro Bến Thành – Suối Tiên
(Dân trí) - Ông Lê Nguyễn Minh Quang – Trưởng Ban Quản lý đường sắt đô thị TPHCM – cho biết trong tháng 10 sẽ lắp ray đoạn trên cao tuyến metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên). Tuy nhiên, vì vướng mắc trong vấn đề thuế nên các thiết bị nhập khẩu đang bị tắc ở cảng.
Tại buổi họp báo thường kỳ diễn ra ngày 8/9, ông Lê Nguyễn Minh Quang – Trưởng Ban Quản lý đường sắt đô thị TPHCM – cho biết đoạn trên cao của tuyến metro Bến Thành – Suối Tiên (từ ga Ba Son đến Depot Long Bình) đã hoàn thành được 70% khối lượng công việc.
Theo ông Quang, dự kiến trong tháng 10 này sẽ tiến hành lắp ray đoạn trên cao. “Phần nào hoàn thành thì yêu cầu nhà thầu lắp ray ngay chứ không đợi chờ xong hết mới làm”, ông Quang nói.
Tuy nhiên, theo Trưởng Ban Quản lý đường sắt đô thị thì thiết bị lắp ráp đường ray đang bị tắc ở cảng. Ông cho biết trước đây Bộ Tài chính thông báo hàng hóa, thiết bị nhập khẩu để thi công tuyến metro sẽ được miễn thuế. Thế nhưng mới đây, Bộ Tài chính lại có thông báo xem xét lại vấn đề này một lần nữa nên dẫn đến việc thiết bị “nằm” ở cảng.
“UBND TP đã chủ động làm việc Hải quan TP cũng như báo cáo Tổng cục Hải quan sớm tháo gỡ vướng mắc này để kịp thời thi công cho đúng tiến độ”, ông Quang thông tin.
Trong khi đó, ông Dương Hữu Hòa - Giám đốc dự án tuyến metro số 1 - cho biết 8.000 tà vẹt chống rung gắn trên đường ray đang được chế tạo tại nhà máy ở Bến Lức (Long An). Việc lắp ray sẽ được thực hiện trước ở đoạn từ ga Phước Long đến Thủ Đức.
Bên cạnh đó, ông Hòa cũng thông tin thêm, nhà thầu Nhật Bản đang sản xuất đầu kéo và toa xe của tuyến metro số 1 và đến tháng 10/2018 sẽ đưa đoàn tàu đầu tiên về nước. Theo ông, mẫu thiết kế mới này được hoàn chỉnh sau khi TP tổ chức lấy ý kiến đóng góp của các cơ quan, đơn vị và người dân.
Cũng theo ông Hòa, sắp tới sẽ thi công cầu vượt Điện Biên Phủ. Theo góp ý của chuyên gia nước ngoài thì sẽ áp dụng công nghệ thi công không phân luồng giao thông bên dưới để hạn chế ảnh hưởng đến giao thông. “Chúng tôi sẽ nghiên cứu, tính toán kỹ, nếu áp dụng thành công thì sẽ tiếp tục triển khai giải pháp này khi thi công cầu vượt xa lộ Hà Nội”, ông Hòa nói.
Liên quan đến việc thiếu vốn ODA để thanh toán cho nhà thầu thi công, ông Lê Nguyễn Minh Quang cho biết vào cuối tháng 8, TP đã quyết định chi ngân sách để tạm ứng 500 tỷ đồng. Đầu tháng 9, chủ đầu tư đã thanh toán cho nhà thầu gần 300 tỷ đồng và hơn 200 tỷ đồng còn lại sẽ được giải quyết trong tuần này.
“Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tình thế chứ không phải là bài toán căn cơ. Thực tế, mỗi tháng cần thanh toán cho nhà thầu từ 500-600 tỷ đồng. Việc tạm ứng tiền ngân sách cũng gặp khó khăn. Hiện,TPHCM vẫn đang chờ Trung ương cho ứng vốn trung hạn giai đoạn 2016-2020 để có tiền thanh toán cho nhà thầu trong năm 2017”, ông Quang chia sẻ.
Quốc Anh