1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Than thở của người từ đất lên “giời”

(Dân trí) - Từng trải qua cuộc sống “bụi bặm” nơi phố xá khiến những người dân tái định cư ít than vãn về điều kiện sống khi chuyển đến khu chung cư ở Trung Hoà - Nhân Chính. Nhưng sau một thời gian “an cư” trong những dãy nhà khang trang này, nhiều người lại lúng túng không biết làm thế nào để “giải phóng” sức lao động của mình.

Mở quán phục vụ nhau

 

Ông Vũ Lập Thảo kể, ông nằm trong số người xung phong dỡ nhà sớm để giải phóng mặt bằng ở đường Khuất Duy Tiến và đã được nhận tiền thưởng nhờ tinh thần tự giác cao của mình. Nhưng ngay sau khi chuyển đến khu nhà tái định cư mới, gia đình ông sớm lâm vào tình thế… “đổi đời”.

 

Dĩ nhiên đó là sự đổi đời ngược với cách hiểu thông dụng về từ này. Theo như lời ông Thảo, trước đây gia đình ông chỉ cần mở cửa ra là có thu nhập. Cửa hàng bán hàng ăn do vợ con ông đảm nhận ít cũng thu về 50.000/ngày, trong khi cửa hiệu chữa xe máy của ông cũng khiến bàn tay luôn “được”… lem luốc.

 

Nhưng kể khi “bay” lên tầng cao của dãy nhà N5A ở khu Trung Hoà - Nhân Chính, chỉ còn mình ông giữ được việc làm. Nhưng đó cũng là việc làm bữa được bữa không thông qua việc thu nhỏ cửa hàng chữa xe máy trước kia thành cửa hàng bơm vá xe máy, xe đạp.

 

 

Than thở của người từ đất lên “giời” - 1
 

Bất đắc dĩ phải kinh doanh ngay
vỉa hè của chung cư.

Nếu công an không xuất hiện thì cửa hiệu này có thể nằm ở vỉa hè, nhưng nếu ngược lại thì đành phải thụt vào tiền sảnh của toà nhà. Người đến sửa xe cũng chỉ lèo tèo, chủ yếu “chữa cho nhau” vì phần lớn khách là những người ở trong khu chung cư. Thu nhập ở đây theo ông là “không nói làm gì” và nếu không có đồng lương hưu của ông thì gia đình ông không biết bấu vào đâu.

 

“Hết đường làm ăn” là câu ông Thảo khái quát về tình cảnh của những người trong gia đình mình. Không kiếm được tiền, một ngày chỉ lên lên xuống xuống, khiến người nhà đụng nhau tại cầu thang máy cũng chẳng ai muốn hỏi ai.

 

Vợ chồng anh Thắng ở tầng 3 của dãy nhà N5C cũng “than” ngay khi vừa gặp chúng tôi. Gia đình anh từng có cửa hàng bán ống nhựa và cửa hàng sửa xe tấp nập kẻ ra người vào ở Ngã Tư Sở. Sau khi chia tay miếng đất rộng vài trăm mét ở đó với giá 2 triệu/m2 để chuyển đến nhà chung cư với giá mua 4,2 triệu/m2, anh hết sức đau đầu với việc đổi nghề.

 

Chẳng có cách gì, anh lại mở một quán nước ở dưới tầng 1 với những mặt hàng hết sức giản đơn và ít tiền. Không biết có thể gọi là may không khi số người tự do ở khu anh ở cũng nhiều nên quán nhỏ cũng có khách qua khách lại. Nhưng anh Thắng tâm sự : “nhiều khi rất buồn vì thu nhập chẳng bõ bèn gì mà quanh đi quẩn lại chỉ mấy anh thất nghiệp chạm mặt nhau cả ngày”.

 

Nhàn cư vi… nhớ phố!

 

Anh Trần Điệp - cư dân tầng 6 nhà N5C cho rằng, mình ít rủi hơn nhiều người dân khác vì còn được giao nhà. Căn nhà rộng 70m2 mặt đường Khuất Duy Tiến của gia đình anh đã được “đổi ngang” với căn hộ có diện tích 74m2 trên tầng 6 này. Theo anh Điệp, nhiều hộ "kém may mắn" hơn vì diện tích giải tỏa nhỏ hơn diện tích căn hộ tái định cư, nếu không có tiền để bù chênh lệch thì hoặc là không được giao nhà hoặc là phải chấp nhận chịu… ghi nợ.

 

"Số hộ gia đình trước kia có nhà mà giờ thành "con nợ" với khoản tiền tầm tầm 50 - 70 triệu đồng rất nhiều, cá biệt có người phải nợ đến 180 triệu đồng mà không biết đến bao giờ có thể trả hết" - anh Điệp lắc đầu chán nản khi nói tới tình cảnh của những người hàng xóm thất nghiệp.

 

Theo một số chương trình điều tra, thống kê sơ bộ ở 3 tổ dân phố thuộc nhà 6C, 6B, có đến 40% số nhân khẩu không có việc làm sau khi chuyển đến khu TĐC này. Tất cả những người này trước đây gia đình đều có cửa hàng, đều buôn bán, đều có thu nhập tương đối, ổn định.

Nói về mức sinh hoạt hiện tại của gia đình, anh Điệp cười buồn: "Dĩ nhiên là điều kiện sinh sống kém  hẳn so với trước. Cách đây chưa lâu, hai vợ chồng bám vào cửa hàng ở phố thu nhập tằng tằng 70.000 - 100.000đ/ngày. Nay thì chồng khốn vợ khó…".

 

Vợ anh mới xin được việc phục vụ 3 tháng nay nhưng lương cũng chỉ 450.000đ/tháng. Còn anh, cho dù đã lục tìm được cái bằng thợ tiện bậc 6/7, nhưng thật khó xoay việc khi đã ở tuổi ngoài 50… “Bí” cách, anh đành ra đứng đường, làm nghề xe ôm với thu nhập phập phù, ngày được ngày không.

 

Anh Thắng thổ lộ chân thành: Mỗi lần đứng trên khoảng trống nhỏ nhoi của toà nhà lộng gió, nhìn về “phố cũ” nhộn  nhịp anh lại thấy… thèm được bận rộn như xưa.

 

Ông Nguyễn Mạnh Lân - Cụm trưởng cụm dân cư tái định cư khu đô thị mới nhà N (sống tại phòng phòng 505 nhà N5A) như một con nguời hội tụ những bức xúc. Ông phân tích: Những nhà mặt đường Khuất Duy Tiến, Ngã Tư Sở, Hoàng Hoa Thám thời điểm giải tỏa giá thị trường là vài chục triệu mỗi m2, chiểu theo giá đền bù theo quy định là 13,7 triệu/m2 nhưng thực tế dân cũng chỉ được bồi thường 3 - 4 triệu/m2. Đáng nói hơn, dù những căn nhà mặt đường đó có cũ kỹ, tồi tệ, bụi bặm, ồn ào bao nhiêu thì vẫn kiếm sống tốt hơn rất nhiều so với điều kiện hiện tại.

 

 

Than thở của người từ đất lên “giời” - 2
 

Công ăn việc làm cho người dân tái
định cư vẫn là một bài toán nan giải.

Ông Lân cho rằng, việc cơ quan quản lý các khu nhà TĐC giao mặt bằng tầng 1 cho các đơn vị cấp dưới thuê, để sử dụng, khai thác kinh doanh mà lại không dân chủ công khai, không cho dân tham gia là điều phi lý. Tầng một này đáng ra phải dành cho chính cư dân tái định cư thuê, đấu thầu để làm ăn, kinh doanh, ổn định lại cuộc sống.

 

Vấn đề công ăn việc làm, vấn đề hạ tầng (đèn chiếu sáng, nước sinh hoạt, sân chơi, trường học, trạm xá…) đã được người dân, tổ dân phố phản ánh hàng ngày, hàng tháng suốt hơn 2 năm nay tới nhiều cơ quan như HĐND phường, quận, Công ty Quản lý nhà số 3, đơn vị quản lý của Sở TN-MT&NĐ… Nhưng tất cả vẫn "rơi tõm" trong im lặng. Ông Lân gay gắt thốt lên một câu "chốt" lại: "Nhà TĐC như một nơi nhốt dân giải tỏa vậy".

 

Thực tế đã có những người nghèo không muốn bị nhốt trong những toà nhà lồng lộng gió đã chọn giải pháp cực chẳng đã: cho người khác thuê nhà và đi tìm một căn nhà kem kém để thuê, lấy số tiền chênh lệch nuôi sống gia đình. Trong khi phần đông những người ở lại thì vẫn chưa có nhịp sống mới nào cuốn đi để có thể thôi “vọng” về khu phố cũ.

 

Bài và ảnh Cấn Cường - Phương Thảo

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm