Thảm thực vật trên vịnh Hạ Long bị tàn phá sau bão Yagi
(Dân trí) - Sau bão Yagi, thảm thực vật xanh tốt trên núi đá vôi ở vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) có nhiều cây bị bật gốc, đổ gãy, vò nát, chỉ còn cành trơ trụi chuyển sang màu nâu úa xơ xác.
Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) được các nhà khoa học đánh giá là nơi có sự đa dạng sinh học cao, với những hệ sinh thái điển hình của vùng biển nhiệt đới và đa dạng về thành phần loài, nguồn gen.
Sau sự tàn phá của bão Yagi, thảm thực vật xanh tốt trên các đảo ở vịnh Hạ Long có nhiều cây bị bật gốc, đổ gãy, vò nát, chỉ còn cành trơ trụi chuyển sang màu nâu úa xơ xác. Thực trạng này đặt ra bài toán trong việc tái tạo, phục hồi lại màu xanh trên vịnh Hạ Long.
Theo thông tin của Ban Quản lý vịnh Hạ Long, cho đến nay, các nhà khoa học đã thống kê được có khoảng 3.000 loài động, thực vật sống trên các hệ sinh thái đặc thù của quần đảo đá vôi nơi đây.
Trong số 3.000 loài động, thực vật nói trên, có 830 loài thực vật trên cạn, 278 loài thực vật phù du, 141 loài động vật phù du, 110 loài san hô, 156 loài cá biển, 71 loài chim, 53 loài thú...
Sự đa dạng sinh học là một trong những giá trị độc đáo của vịnh Hạ Long bên cạnh các giá trị về thẩm mỹ, giá trị về địa chất, địa mạo và giá trị văn hóa - lịch sử.
Sau bão Yagi, sự biến đổi của môi trường nước nơi đây do mưa lớn, sự bồi tụ của các loại vật chất đổ xuống vịnh từ khu vực ven bờ cũng như tác động của gió bão làm đổ gãy, ảnh hưởng tới thảm thực vật trên các núi đá được nhìn thấy khá rõ nét.
Chính vì vậy, vừa qua để có sự đánh giá chính xác về những tác động tới thảm thực vật nơi đây, Ban Quản lý Vịnh Hạ Long đã mời chuyên gia của Viện Sinh thái - Tài nguyên sinh vật (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) về khảo sát, đánh giá hiện trạng của vịnh Hạ Long sau cơn bão Yagi.
Ngoài đánh giá, Ban Quản lý Vịnh Hạ Long cũng nhờ đoàn chuyên gia nói trên tư vấn giải pháp bảo tồn và phát huy bền vững các giá trị của vịnh Hạ Long.
Việc khảo sát của đoàn chuyên gia tại vịnh Hạ Long được tiến hành tại một số khu vực trọng điểm.
Theo đó, đoàn chuyên gia sẽ đánh giá hiện tượng cây đổ, gãy cành và rụng lá có sự khác nhau ít nhiều tùy thuộc vào việc chịu tác động của luồng gió. Ví dụ như, núi đá khu vực động Thiên Cung - Đầu Gỗ hay Hang Sò - Ba Hang thì 100% cây gỗ bị ảnh hưởng, trong đó 70% có khả năng phục hồi, 30% không có khả năng phục hồi do bật gốc, gãy đổ.
Cũng trên vịnh Hạ Long, tại điểm Vung Viêng cây bị rụng lá, gãy đổ chiếm khoảng 70-80%. Các khu vực khác trên vịnh như hang Sửng Sốt, Ti Tốp, Hang Cỏ, Mê Cung, Soi Sim, nhiều cây bị gãy ngọn, gãy cành, số lượng ít bị bật gốc, khả năng phục hồi cao.
Những cây cọ Hạ Long ở khu vực hang Ti Tốp vẫn phát triển dưới tán cây. Khu vực Tiên Ông - Cửa Vạn, cây hầu như không bị tác động, 15 cây cọ Hạ Long ở đây phát triển bình thường.
Sau bão, tại khu vực Tiên Ông - Cửa Vạn trên vịnh Hạ Long, nhiều cây giờ đã mọc mầm xanh, ra lá non nhưng sẽ mất từ 4-6 tháng mới thấy rõ sự phục hồi.
Qua đánh giá cho thấy, từ thực tế suy giảm độ che phủ của thảm thực vật trên núi đá vôi sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến một số loài thực vật đặc hữu và thực vật có giá trị cảnh quan của vịnh Hạ Long, như: Thiên tuế Hạ Long, Cọ Hạ Long, Lan hài, Bông mộc…
Đồng thời, sự suy giảm thảm thực vật nói trên cũng tác động tiêu cực đến môi trường sống của các loài động vật hoang dã, trong đó ảnh hưởng trực tiếp đến nơi cư trú của một số loài chim, bò sát và nguồn thức ăn thường xuyên của đàn khỉ vàng Macaca mulatta đang sinh sống trên các đảo thuộc khu vực di sản. Những điều này đặt ra bài toán trong việc tìm kiếm các giải pháp, phương án phù hợp, hiệu quả để khắc phục, sớm phục hồi màu xanh trên các núi đá của vịnh Hạ Long.
Bên cạnh đó, thảm thực vật trên các đảo với nhiều lá, thân cây khô hiện cũng đang tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng cao, nhất là vào mùa hanh khô đang tới. Vì vậy, chuyên gia khuyến cáo ở một số khu vực có nguy cơ xảy ra cháy cao như khu vực hang Đầu Gỗ - Thiên Cung, hang Sửng Sốt, Ti Tốp cần có các biện pháp phòng chống cháy rừng, lắp đặt biển cấm lửa, biển báo phòng cháy chữa cháy, nhất là tại các điểm du lịch.