1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Thẩm phán xin ý kiến chánh án thì làm sao xét xử độc lập?

Thảo luận về tờ trình dự thảo Luật Tổ chức tòa án ngày 22.4, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Quốc hội Nguyễn Văn Hiện chất vấn về sự độc lập của thẩm phán, khi trên thực tế “họ vẫn cứ phải xin ý kiến của chánh án khi xét xử”.

“Điều này vi phạm nghiêm trọng quyền xét xử độc lập của thẩm phán” - ông nêu vấn đề.
 
Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng: Không thể có tòa án cấp trên-cấp dưới
Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng: "Không thể có tòa án cấp trên-cấp dưới"

Không thể có tòa án cấp trên - cấp dưới

Về nguyên tắc tổ chức và hoạt động của tòa án nhân dân (TAND), dự thảo luật quy định “TAND được tổ chức và hoạt động theo thẩm quyền xét xử, không phụ thuộc vào đơn vị hành chính”.

Đánh giá về quy định này, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng cho rằng tòa án không phải là bộ máy cơ quan hành chínhvà yêu cầu dự thảo cần làm rõ hơn thẩm quyền xét xử.

Ông phê phán dự thảo “không toát lên tinh thần của Hiến pháp 2013” và chưa thể hiện được quyền của tòa sơ thẩm, tòa án tỉnh, thành phố và tối cao. “Quyền của người xét xử đâu phải Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao, mà là của hội đồng thẩm phán. Các đồng chí đừng lật chỗ này. Phải nói rõ” - Chủ tịch QH yêu cầu.

Ông khẳng định: Tòa án là tòa án, chứ không có các cấp tòa. Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh: “Tòa nào cũng nhân danh nước CHXHCN Việt Nam tuyên án. Không có tòa án nào hơn tòa án nào. Phải đảm bảo tinh thần ấy trong dự thảo. Tòa án sơ thẩm, tòa huyện, tòa tỉnh, tòa tối cao nhưng không phải cấp trên - cấp dưới, mà là các tòa án độc lập”.

Theo Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng, Hiến pháp 2013 trọng về quyền xét xử. Tòa án xét xử là bồi thẩm và thẩm phán, chứ không phải như trong dự thảo luật nêu là các chánh án và phó chánh án. Tổ chức tòa án ở đây phải nói về cơ quan xét xử, về tòa án 4 cấp; còn trong dự luật nêu thì tổ chức bộ máy hành chính quá.

“Một ông đảm nhiệm cả đề bạt, bổ nhiệm, khen thưởng, kỷ luật rồi cấp xe, cấp nhà cho người ta, rồi đòi người đó độc lập thì làm sao có? Trên thế giới ít nước làm thế” - Chủ tịch QH nêu ý kiến.

Chủ nhiệm Hội đồng Dân tộc QH Ksor Phước đồng tình cho rằng dự thảo luật đang khiến mô hình quản lý hệ thống tòa án theo cơ cấu hành chính.

“Khi tuyên án, chánh án tòa được nhân danh nước CHXHCN Việt Nam và tất cả các bên đều phải chấp hành bản án có hiệu lực. Nhưng vị chánh án này lại phải phụ thuộc ông trên về tổ chức, rồi chế độ chính sách. Vậy sẽ ra sao?”.

Ông tỏ ra không yên tâm dù đã có quy định về Hội đồng xem xét tuyển chọn thẩm phán. Bởi quản lý tòa án vẫn theo dạng hành chính dọc, tòa án cấp trên quản lý hết những tòa án cấp dưới. Chủ nhiệm Ksor Phước khẳng định: Nếu là cấp dưới sẽ luôn bị ràng buộc. Ông yêu cầu phải thiết kế lại, để chánh án cấp dưới khi tuyên án không bị ảnh hưởng hay không sợ tác động của cấp trên.

Thẩm phán xét xử chỉ tuân theo pháp luật

Chủ nhiệm UB Pháp luật Phan Trung Lý khuyến nghị chỉ khi đảm bảo tính độc lập của tòa án mới có thể tạo nên thẩm quyền độc lập của thẩm phán. Còn, nếu vẫn quản lý tòa án theo hệ thống hành chính thì không được.

Bên cạnh đó, theo Hiến pháp, TAND Tối cao phải tập trung vào hoạt động xét xử, giám đốc thẩm và tổng kết hoạt động xét xử. Song, dự thảo luật lại giao cho TAND Tối cao “nhiệm vụ nặng nề là quản lý hệ thống tòa án về mọi mặt”.

“Nếu dự thảo luật không giải quyết được vấn đề này sẽ gây ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động xét xử của tòa án các cấp” - ông nhận định.

Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng khẳng định, thẩm phán phải xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. “Tất cả các quyền của thẩm phán nêu lên không thấy nói gì để đảm bảo độc lập. Sự độc lập phải được thể hiện rõ ra luật. Thậm chí, cả việc ông tòa trong thời gian xét xử không được tiếp xúc với bên ngoài. Phải quy định rõ” - Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng đề nghị.

Ông cũng cho rằng, dự thảo luật còn yếu về quy định nguyên tắc tranh tụng trong xét xử. “Hiến pháp đề cập như thế mà quy định tổ chức lại không có điều này. Các đồng chí có quy định tòa không có quyền xử nếu không có tranh tụng không? Vì, nếu thế sẽ không thể xử được, nhưng tôi có thấy nói đâu” - ông nhận xét.

Thẩm phán tòa tối cao có thể bổ nhiệm không kỳ hạn

Liên quan đến nhiệm kỳ của thẩm phán TAND Tối cao, đại diện UB Tư pháp QH tán thành quan điểm đây phải là những chuyên gia đầu ngành về pháp luật, có kinh nghiệm xét xử và có uy tín cao trong xã hội. Các thẩm phán tòa tối cao có thể được bổ nhiệm không kỳ hạn cho đến khi nghỉ hưu hoặc chuyển công tác khác.

Đối với nhiệm kỳ của thẩm phán khác, đa số ý kiến thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với quy định nhiệm kỳ đầu của thẩm phán là 5 năm, nếu được tái bổ nhiệm thì nhiệm kỳ tiếp theo 10 năm là phù hợp.

Đa số ý kiến các đại biểu cũng tán thành với việc quy định kéo dài tuổi làm việc của thẩm phán TANDTC. Theo đó, nam làm việc không quá 65 tuổi, nữ làm việc không quá 60 tuổi. Đối với các thẩm phán khác, đề nghị vẫn áp dụng độ tuổi làm việc như cán bộ, công chức (nam 60 tuổi, nữ 55 tuổi).

Đồng thời, quy định rõ thẩm phán được kéo dài tuổi nghỉ hưu không đảm nhiệm chức vụ lãnh đạo.

Theo Tô Phương Thủy

Lao Động