Tham nhũng làm tăng “áp suất” bức xúc xã hội
Tham nhũng đang thâm nhập sâu vào bộ máy hành chính, hình thành nên hệ nhận thức sai lệch về sự liêm chính trong cán bộ.
Điều ấy làm uy tín của Nhà nước bị tổn thương và niềm tin của người dân vào chính quyền bị sút giảm nghiêm trọng.
Tham nhũng đang trở thành một trong những yếu tố lớn làm cho “áp suất” của những bức xúc xã hội ngày một tăng lên. “Người ta nhìn thấy cảnh tham nhũng mà không làm gì được thì rất ức chế; họ không thể chấp nhận cảnh “ăn cắp ban ngày” mà được che đậy, không bị phát hiện. Những điều ấy làm cho dân mất lòng tin. Mức độ mất lòng tin ngày càng tăng sẽ gây ra bất ổn định xã hội” - GS-TSKH Đặng Hùng Võ đúc kết.
Thao túng cán bộ
“Chỉ một nhóm cò đất, bằng con đường hối lộ, đã có thể thao túng cả “bộ sậu” lãnh đạo cao nhất của cấp quận, huyện” - TS Nguyễn Hữu Nguyên, Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế miền Nam, dẫn câu chuyện tham nhũng đất đai Gò Môn (quận Gò Vấp, TP.HCM) và kết luận điều ấy đủ cho thấy sự nguy hại to lớn của tham nhũng đối với việc giữ gìn đạo đức công vụ ở nước ta.
GS Trần đình Bút bổ sung: “Ma lực của đồng tiền và quyền lực đã tha hóa và thâm nhập vào các cấp của hệ thống cán bộ. Có thể nói, bàn tay của tham nhũng đã và đang khuynh đảo không ít cán bộ của ta”.
Phân tích căn nguyên gây ra thực trạng này, hầu hết các chuyên gia được hỏi đều đưa ra một điểm chung: Dư luận xã hội rất nhiều nơi cho thấy tham nhũng đã có mặt ngay trong khâu tuyển dụng cán bộ. Đến lượt mình, họ lại tham nhũng “để bù đắp” những chi phí chạy chức chạy quyền ấy.
Theo GS Trần Đình Bút, điều này đã trở thành vấn đề của xã hội khi có lúc, có nơi người ta không ngại bỏ tiền ra mua chức, mua quyền vì xem đây là cách kiếm lời dễ dàng nhất. “Kinh doanh thì phải đau đầu suy nghĩ chứ mua chức, mua quyền thì có quyền rồi lợi tự nhiên tới. Quyền và lợi gắn chặt với nhau. Quyền tạo ra tiền và tiền tạo ra quyền…” - GS Bút phân tích.
Đông đảo người dân theo dõi phiên xử tham nhũng đất đai Gò Môn tại TAND TP.HCM. Ảnh: HTD
PGS-TS Bùi Đức Kháng, Học viện Hành chính (Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh), chỉ rõ: “Điều này đã hình thành nên nhận thức hết sức nguy hiểm trong cán bộ: Tôi bỏ ra bao nhiêu đó để vào vị trí này thì tôi được cái gì. Nhất là những cán bộ có chức quyền rồi thì họ chạy chức chạy quyền đều có mục đích”. Đồng tình, TS Nguyên phân tích: “Sự có mặt của tham nhũng vào quy trình tuyển chọn cán bộ và sự thao túng, bè phái của những cán bộ cùng hội tham nhũng với nhau cũng làm cho ta mất cán bộ giỏi hoặc họ bị chèn ép không phát triển được. Điều nguy hại hơn là nếu cứ như vậy thì công chức không sợ dân mà chỉ sợ cấp trên thôi”.
Mất lòng tin vào luật pháp và sự công tâm
Một trong những di hại lớn do tham nhũng gây ra là làm mất lòng tin của người dân và gây ra bức xúc trong xã hội. Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Dân chủ và Pháp luật (Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam) Lê Hiếu Đằng nói: “Rõ ràng trong nhân dân ai cũng lo tệ nạn tham nhũng đục ruỗng cơ thể của Nhà nước và làm suy yếu đất nước. Bản thân người dân là nạn nhân trực tiếp của tham nhũng. Tâm trạng chung của xã hội hiện nay là đồng tiền (tham nhũng) giải quyết được tất cả và cái gì cũng có giá của nó. Điều ấy và cách giải quyết vấn đề của chúng ta làm lòng tin của người dân vào hiệu lực bộ máy ngày càng giảm đi. Đôi lúc, một số người không tin nữa”.
Cũng theo ông Đằng, thêm một điều đáng phải lưu tâm là tham nhũng đưa xã hội đến tình trạng “không tin vào luật pháp và sự công tâm nữa”. Tình hình càng báo động hơn khi một bộ phận không nhỏ người dân và cán bộ xem chuyện tham nhũng là rất bình thường. “Hết sức nguy hiểm! Đây là tiếng chuông lớn của một xã hội xuống cấp khi mà ở đâu đó cái đúng, cái tốt bị áp chế, cái sai trái lại lộng hành!” - ông Đằng cảnh báo.
Coi chừng sự cố “nổ áp suất”
Ở góc độ sâu xa hơn, TS Nguyên chỉ ra những ảnh hưởng nguy hại của tham nhũng với vấn đề ổn định xã hội. Ông phân tích: “Tất cả những gì làm cho người dân không hài lòng thì nó mang tính chất tích lũy. Tích lũy đến một độ nào đó sẽ xảy ra xung đột xã hội. Và khi đã đi đến xung đột thì chỉ cần một sự kiện nhỏ thôi cũng dễ gây bùng nổ”.
Có chế tài xử lý nghiêm những trường hợp chạy chức, chạy quyền, chạy chỗ, chạy tuổi, chạy bằng cấp, chạy huân chương. Kịp thời thay thế cán bộ yếu kém về phẩm chất, năng lực, không hoàn thành nhiệm vụ, giảm sút uy tín… Nguyên Tổng Bí thưNông Đức Mạnh ,trình bày văn kiện tại Đại hội XI Không chịu khám thật, bệnh càng nặng Anh muốn chữa bệnh thì phải khám bệnh để chẩn đoán cho thật đúng. Nếu gian dối, không chịu khám thật thì bệnh sẽ ngày càng nặng. Đừng làm theo kiểu thấy cây vàng lá thì bứt đi những lá vàng rồi tin rằng cây sẽ hết bệnh. Cái anh cần quan tâm là điều gì đã gây nên lá vàng, anh bón phân, chăm cây thế nào mà lại xảy ra chuyện ấy… Muốn giải quyết bức xúc xã hội cũng cần phải vậy. TSNguyễn Hữu Nguyên, Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế miền Nam Nguy cơ có thật Hậu quả sâu xa của tham nhũng là gây ra sự trì trệ cho xã hội và thay vì người ta cạnh tranh, sáng tạo để tồn tại thì lại sử dụng tham nhũng như phương tiện để đạt được mục đích. Đây là nguy cơ có thật. Với Nhà nước, những người có tâm huyết, năng lực, không dùng đồng tiền đi lên thì họ lại bị loại ra khỏi bộ máy. Trong khi đó những người cơ hội thì chen vào bộ máy Nhà nước để trục lợi. Ngoài xã hội, nhận thức về việc đi bằng “cửa sau” được xem là “vốn xã hội” để phát triển. Đây là nguy cơ lớn đục ruỗng cơ thể Nhà nước và xã hội. Ông Lê Hiếu Đằng, Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Dân chủ và Pháp luật của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
|
Theo Minh Cường
Pháp luật Tp HCM